Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

CÓ HAY KHÔNG QUÂN ĐỘI PHI GIAI CẤP

Hiện nay, một trong các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng đó là chúng cho rằng Quân đội là của quốc gia dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào; chúng đưa ra khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” trong mục tiêu lý tưởng của Quân đội, chúng khuyên chúng ta cần chuyên nghiệp hóa quân đội càng sớm càng tốt, cần học hỏi kinh nghiệm theo mô hình quân đội tư sản.

Thoảng qua những quan điểm trên tưởng như vô hại nhưng rõ ràng là thủ đoạn cực kỳ thâm độc và tinh vi của các thế lực thù địch. Trong bất cứ xã hội nào, với tính cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, một tổ chức của nhà nước, quân đội đều phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền; đồng thời, các lực lượng chính trị cầm quyền luôn tìm mọi cách để nắm chắc quân đội thông qua nhiều biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách đãi ngộ.

Quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Do đó, bản chất giai cấp của quân đội là bản chất của giai cấp nhà nước tổ chức ra nó. Các giai cấp bóc lột cùng các nhà tư tưởng của họ luôn tìm mọi cách để che giấu bản chất giai cấp của quân đội. Họ gán cho quân đội là lực lượng “siêu giai cấp”, “trung lập về chính trị”; là lực lượng bảo vệ lợi ích của mọi tầng lớp xã hội. Về bản chất chính trị của quân đội, V.I.Lênin khẳng định: “Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”. V.I.Lênin đã phê phán quan điểm về sự “trung lập hóa” chính trị, “phi chính trị” hóa quân đội của các chính trị gia tư sản. Người cho rằng, đó là điều bịa đặt hèn hạ và dối trá. V.I.Lênin vạch rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”.

Lịch sử xây dựng quân đội của các nước trên thế giới cho thấy, trong bất kỳ xã hội nào, mọi giai cấp cầm quyền và nhà nước của nó đều quan tâm xây dựng quân đội về chính trị, nhằm bảo đảm cho quân đội luôn trung thành và phục vụ lợi ích của giai cấp và nhà nước đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Luận điểm “phi chính trị hóa” quân đội, “quân đội trung lập”, trả quân đội về cho nhà nước,... thực chất là đòi phi chính trị của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xa rời chính trị vô sản để từng bước du nhập chính trị tư sản, làm cho quân đội trở thành công cụ bảo vệ lợi ích tư sản, phản bội lại lợi ích của giai cấp công nhân, chống lại nhân dân. Thực chất của “Phi chính trị hóa” quân đội là một mũi tiến công chủ yếu nhằm vô hiệu hóa quân đội, làm cho quân đội XHCN mất phương hướng, rơi vào quỹ đạo chính trị phản động mà các thế lực tư bản, đế quốc đã thực hiện đối với quân đội các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.

          Điều đó khẳng định quân đội chỉ mang bản chất của một giai cấp - giai cấp thống trị chi phối quyền lực nhà nước và tổ chức, nuôi dưỡng sử dụng quân đội đó. Không bao giờ và không ở đâu có nhà nước “siêu giai cấp”, có “quân đội phi giai cấp”. Do đó Quân đội ta luôn mang bản chất giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét