Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

ĐẰNG SAU LUẬN ĐIỆU ĐỀ NGHỊ ĐỔI TÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hiện nay, có một số người lợi dụng tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, đề xuất đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng Dân chủ Việt Nam hoặc quay trở lại với tên gọi trước đây là Đảng Lao động Việt Nam; thực chất phía sau luận điệu đó là gì?
Chúng ta đều biết, ngày 3 tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với chủ trương hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương theo chủ trương của Quốc tế Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác –Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Ngay từ tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam. Mục tiêu cao nhất của Đảng là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và từng bước tiến tới xã hội cộng sản. Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh; đồng thời thực hiện các nguyên tắc tự phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi, với hơn 5000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2 tháng 9 năm 1945) – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với sự quy tụ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đạt được “những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước vững bước hội nhập quốc tế và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Chủ nghĩa Mác – Lênin, là kết tinh ở tầm cao trí tuệ nhân loại, là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ; là một học thuyết cách mạng, khoa học giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới, về những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy con người, về những con đường cách mạng để xóa bỏ chế độ bóc lột, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản.
 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hơn 86 năm qua, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, nền tảng tư tưởng vững vàng,  đội ngũ cán bộ - đảng viên luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ đảng viên của chúng ta xứng đáng với tên gọi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn coi trọng  tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận để làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đảng ta luôn luôn kiên định những nguyên lý có tính nền tảng và vận dụng đúng đắn những học thuyết đó vào thực tiễn đất nước ta; kiên quyết sửa chữa sai lầm khuyết điểm nếu mắc phải, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đấu tranh khắc phục khuynh hướng giáo điều, quan liêu xa dân. Thực tế, có một thời kỳ lịch sử, Đảng ta có tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam từ Đại hội II (năm 1951) đến trước Đại hội IV(năm 1976). Tuy tên gọi của Đảng khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhưng bản chất của Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân thì không hề thay đổi. Đại hội Đảng lần thứ IV, toàn thể các đại biểu đều nhất trí với tên gọi như thời kỳ đầu thành lập Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; đó là sự phù hợp với mục tiêu, lý tưởng và bản chất của Đảng. Hiện nay, với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã ghi sâu đậm trong trái tim nhân dân và bạn bè quốc tế. Do đó, việc đổi tên Đảng là sự không cần thiết, thậm chí còn gây lãng phí và tốn kém cho việc phải sửa chữa và hiệu đính lại các văn bản, giấy tờ, điều đó đi ngược lại với di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: điều gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, điều gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Thực chất đằng sau luận điệu đề nghị đổi tên Đảng là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới hình thức khác nhau, hòng làm mơ hồ ảo tưởng trong quần chúng nhân dân và xóa bỏ sự tồn tại mô hình đảng cộng sản thực chất là để tìm kiếm tuyên ngôn không cộng sản trong thế kỷ XXI. Từ việc đề nghị đổi tên Đảng đến việc từ bỏ hệ tư tưởng của Đảng là một việc làm trong gang tấc, rồi đến thay đổi điều 4 trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đây là những giọng điệu thể hiện một kịch bản rất sâu xa nằm trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang ra sức kích động.

Bài học rút ra từ sự đổ vỡ của Liên Xô có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có việc tự đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, làm cho chế độ bị sụp đổ nhanh chóng. Do vậy ở nước ta hiện nay, ai đó có vô tình hay hữu ý, là đảng viên hay không phải đảng viên, là người trong nước hay ở ngoài nước hãy thức tỉnh và có ý nghĩ đúng về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay cũng như mãi mãi về sau. Chúng ta có thể khẳng định rằng, không có một đảng phái chính trị mới nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo nhân dân, đúng đắn và đạt được thành tựu vẻ vang như Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, giữ nguyên tên gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam”, vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn là lương tri và hòn đá thử tình yêu với Đảng, với dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã diễn ra và thành công tốt đẹp, tiếp tục đưa ra những quyết sách rất quan trọng để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới và sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, trong đó có nội dung tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Đảng ta từ khi ra đời đến nay đã lãnh đạo dân tộc ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thực sự là một đảng “đạo đức và văn minh”, là “người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân”, đang ra sức thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

1 nhận xét:

  1. Chống phá cách mạng Việt Nam là một âm mưu cố hữu của các thế lực thù địch. Thông qua nhiều hình thức, con đường khách nhau, chúng luôn đưa ra cái goi là "tự do", "dân chủ", đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để mở rộng dân chủ. Hay từ việc đề nghị đổi tên Đảng đến việc từ bỏ hệ tư tưởng của Đảng là một việc làm trong gang tấc, rồi đến thay đổi điều 4 trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đây là những giọng điệu thể hiện một kịch bản rất sâu xa nằm trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang ra sức kích động.

    Trả lờiXóa