Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều
nghị quyết, chỉ thị và văn bản pháp luật nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền
con người trên các lĩnh vực; trong đó, có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện những nghị quyết, chỉ thị đó, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc
về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chưa bao giờ các tôn
giáo có điều kiện phát triển như hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, tính đến đầu
năm 2017, có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công
nhận và cấp phép hoạt động với hơn 25 triệu tín đồ, 53 nghìn chức sắc, hơn 133
nghìn chức việc, 28 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo đã có hệ thống đào tạo quy
mô trong cả nước, trong đó, Phật giáo có 04 học viện, 01 trường cao đẳng và
hàng chục trường trung cấp Phật học, gần 17.000 cơ sở thờ tự; Công giáo có 01
học viện, hàng chục trường đào tạo và hơn 7.000 cơ sở thờ tự; Cao Đài có 01 học
viện, hơn 1.200 thánh thất, thánh tịnh; Tin lành có 01 Trường Thánh kinh thần
học, hơn 500 cơ sở thờ tự và trường đào tạo tín đồ, v.v. Hầu hết các tổ chức
tôn giáo đã có báo, tạp chí, bản tin riêng; Nhà nước đã cho phép xuất bản kinh
sách bằng các tiếng dân tộc, như: Kinh thánh bằng tiếng Ba-na, Ê-đê, Gia-rai;
in Kinh Phật bằng tiếng Khơ-me, v.v. Cùng với đó, Chính phủ hết sức quan tâm,
xem xét, phê duyệt việc đăng ký các điểm nhóm Tin lành. Hiện nay, khu vực Tây
Nguyên và Bình Phước có gần 500 nghìn tín đồ, thuộc 31 tổ chức, hệ phái, nhóm
Tin lành; trong đó, có hơn 400 nghìn người đang sinh hoạt tại 240 chi hội và
1.300 điểm nhóm đã đăng ký với chính quyền địa phương. Khu vực Tây Bắc có gần
200 nghìn tín đồ, chủ yếu là người Mông, sinh hoạt ở hơn 1.300 điểm nhóm. Đồng
bào theo đạo Tin lành có thể sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc sinh hoạt tập
trung theo điểm nhóm.
Hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo được chú
trọng, đẩy mạnh. Chính phủ đã tạo điều kiện để các tôn giáo mở rộng quan hệ
quốc tế rộng rãi. Đã có nhiều đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt
Nam và nhiều đoàn chức sắc tôn giáo trong nước đi thăm, làm việc và học tập ở
nước ngoài. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện tôn giáo lớn, được
cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc
(Vesak) năm 2008 và 2014; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI (năm
2009), Đại lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam (năm 2011), Diễn đàn Thượng đỉnh
Phật giáo ASEAN năm 2016, v.v.
Với chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, những
năm qua, hầu hết tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo luôn yên tâm, tin
tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy truyền thống
yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”,
“ích nước, lợi dân”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm
nghèo, đảm bảo an ninh, trật tự,… góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong
công cuộc đổi mới đất nước.
Thực tế đó cho thấy, tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Đó là sự thật khách quan,
không thể phủ nhận. Điều này đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều chính
khách nước ngoài chứng kiến và ghi nhận.
Những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đấu
tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm
phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó đã bắt giữ, truy tố,
xử lý đúng pháp luật nhiều đối tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ
chức các hoạt động chống phá Nhà nước. Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội
cũng đã và đang tiến hành rà soát hệ thống văn bản luật về tôn giáo, xác định
nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Nổi bật là việc ban hành Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy
định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách
nhiệm của tổ chức và cá nhân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo,… tạo cơ sở
pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo cũng như quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và đấu
tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá
Đảng, Nhà nước. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền
nâng cao nhận thức cho quần chúng, tín đồ về chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước về tôn giáo và ý thức cảnh giác của nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch.
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến
phức tạp, trong xu thế thúc đẩy hòa bình, hợp tác giải quyết những vấn đề mang
tính toàn cầu; hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là chiêu
bài được các thế lực thù địch, đối tượng chống đối chế độ triệt để lợi dụng
nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội, can thiệp vào nội bộ nước ta. Để nâng
cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi công tác này luôn phải
đặt dưới sự lãnh đạo Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tiếp tục hoàn
thiện các chính sách, văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên
nâng cao nhận thức cho nhân dân, tín đồ, chức sắc về chính sách của Đảng, Nhà
nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm
cho nhân dân, tín đồ, chức sắc trong việc tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu
tranh với hoạt động này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đấu tranh đối ngoại;
tận dụng các kênh, nhất là truyền thông, nhằm làm cho cộng đồng hiểu đúng chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, góp phần đấu tranh có hiệu quả với
các luận điệu xuyên tạc, vu cáo về nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam.
Đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng,
tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới đất nước là nhiệm vụ
thường xuyên, lâu dài. Điều đó đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó có đồng bào tôn giáo.