Thực tế hoạt động cầm quyền đặt ra yêu cầu tất yếu đối
với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người tài đức, phải giành
được niềm tin của quần chúng nhân dân, được dân tin, dân phục, dân yêu. Gánh
vác sự nghiệp cầm quyền, Hồ Chí Minh đã lưu ý chúng ta: “Đảng không phải là một
tổ chức để làm quan phát tài”, và vì vậy vào Đảng không phải là để “làm quan
cách mạng”, để “thăng quan tiến chức”, để “một người làm quan cả họ được nhờ”,
“đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân, phong kiến”,... Mà điều cốt yếu
khi cán bộ, đảng viên được nhân dân gửi gắm, ủy thác, trao quyền lực, trong một
thể chế chính trị dân chủ, thì yêu cầu về xây dựng văn hóa đạo đức của người
cán bộ cách mạng phải là văn hóa “vì dân”, chính tâm và thân dân. Nghĩa là: “Việc
gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức
tránh”. Người cán bộ cách mạng muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết
phải yêu dân, kính dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy; phải có
một tinh thần chí công vô tư; phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn
luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và
nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với
dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Hồ Chí Minh cho rằng, “Nhiệm vụ của Chính quyền ta và
Đoàn thể ta (tức là Đảng ta khi đó chưa ra hoạt động công khai) là phụng sự
nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân... Đã phụng sự nhân dân thì phụng sự
cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại
cho dân, thì phải hết sức tránh...
Khác với thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, trong cách
mạng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, mỗi
cán bộ, đảng viên thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới,
mà nếu không đủ bản lĩnh, ý chí, phẩm chất và trí tuệ, không đề cao dân chủ, dựa
chắc vào nhân dân sẽ không dễ vượt qua những thử thách, khó khăn. Để bảo đảm
tính chính danh cầm quyền của Đảng trước Tổ quốc, trước nhân dân, Đảng cầm quyền
phải có đường lối chính trị đúng đắn, nhưng để xây dựng được đường lối đúng đắn
và làm cho đường lối đó trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống thì nhất
thiết Đảng phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng danh và ngang tầm. Chính vì vậy,
vấn đề cốt tử trong mọi hoạt động của Đảng là làm sao để mỗi “Đảng viên và cán
bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải nắm vững chính sách của Đảng
và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng
viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng”.
Theo Hồ Chí Minh mất dân chủ, quan liêu, xa dân cũng
như những khuyết điểm khác có nhiều loại và mỗi khuyết điểm là một chứng bệnh,
mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ
địch bên ngoài... Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ bên trong phá
ra. Sự phá hoại của thế lực thù địch bên ngoài là một thực tế cần hết sức cảnh
giác. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn lại chính là sự tha hóa, suy thoái từ trong
nội bộ Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. V.I. Lênin cho rằng,
“Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng
ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự
chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”. Bởi vậy, việc nhìn ra những tật bệnh để kiên quyết
chữa trị, giữ cho cơ thể Đảng khỏe mạnh là một việc thường xuyên và tất yếu
trong xây dựng Đảng.
Đứng trước căn bệnh quan liêu, xa dân, Hồ Chí Minh nhiều
lần cảnh báo và chỉ ra những biểu hiện nguy hại của nó: cách xa quần chúng,
không hiểu thấu tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không học hỏi dân
chúng, xem khinh quần chúng, sợ quần chúng phê bình, thích dùng mệnh lệnh hành
chính, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong lãnh đạo… Người nghiêm khắc chỉ ra có một
bộ phận cán bộ, đảng viên “cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì
bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút
tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những
việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không
nói đến”.
Để Đảng luôn vì dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng
phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cách mạng “có lòng kiên quyết, có chí hy
sinh”, đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đội ngũ đó phải ít
lòng ham muốn về vật chất, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi đôi với
làm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,... Phẩm chất đạo đức, tư cách của người
cán bộ, đảng viên làm nên chất lượng của Đảng tiên phong. Đảng ta như một cơ thể
sống, từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên có đức và thực tài sẽ làm cho Đảng
mạnh và ngược lại, những sự vi phạm dân chủ, quan liêu, xa dân của người cán bộ,
đảng viên sẽ làm suy yếu Đảng, hệ thống chính trị và phong trào cách mạng. Cho
nên, người cán bộ cách mạng là thật sự là công bộc, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ
quốc, phục vụ nhân dân - đó cũng chính là phục vụ chân lý và thực hành dân chủ
- lẽ sống cao thượng của người chiến sĩ cách mạng.
Trong quá trình đó, phải nâng cao ý thức cảnh giác đối
với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực
thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của
Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà
nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, kích động nhân dân gây mất ổn định chính trị
và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.