Nói đến
vị thế của người phụ nữ trong gia đình gia trưởng không thể không đề cập đến
nguồn gốc tạo ra những quan hệ thiếu bình đẳng của gia đình Việt Nam truyền
thống, trong đó yếu tố văn hóa là nguyên nhân căn bản hình thành lối sống, cách
ứng xử, quan hệ giữa các thành viên gia đình, đặc biệt là quan hệ đối với phụ
nữ trong gia đình và xã hội.
Có thể
hiểu khái niệm và các đặc trưng của văn hóa gia đình như sau:
“Văn
hóa gia đình là hệ thống các giá trị, chuẩn mực được thừa nhận
nhằm tạo ra phương thức ứng xử trong quan hệ giữa các thành viên gia
đình và quan hệ với xã hội, môi trường”.
- Văn
hóa gia đình được hình thành có chọn lọc, được trải nghiệm, lưu
truyền và được bổ sung qua các thế hệ;
- Văn
hóa gia đình là sự biểu đạt trung thực nhất bản sắc văn hóa dân
tộc.
Sự tồn
tại lâu dài của Gia đình Việt Nam truyền thống:
Người
Việt Nam từ xa xưa vẫn tôn vinh triết lý sống, "an bần lạc
đạo" (chấp nhận sống nghèo, mà giữ lấy cái đạo làm người), nghĩa là vợ
chồng cùng nhau thỏa mãn sống trong cảnh "một túp lều tranh với hai trái
tim vàng". Do nhận thức còn hạn chế và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho
giáo, các triều đại phong kiến dựa vào triết lý sống này để đưa ra những chính
sách cai quản đất nước theo chế độ khép kín kiểu "bế quan tỏa cảng",
lấy "nông vi bản" (nghề trồng lúa nước làm căn bản) để phát triển
kinh tế và duy trì văn hóa làng xã làm nền tảng cho sự ổn định xã hội. Cho đến
ngày nay, tư duy người Việt vẫn coi gia đình không chỉ gồm những người có
liên kết với nhau bằng huyết thống (cha con, anh chị em) và nghĩa tình
(vợ chồng, con nuôi, bố mẹ nuôi) mà còn có sự hiện diện vô hình của
tổ tiên, của những người ruột thịt đã khuất nhưng vẫn thường xuyên
tham dự vào mọi sinh hoạt gia đình như một thành viên quan trọng, gần
gũi mà thiêng liêng, có vai trò rất lớn đối với đời sống tinh
thầncủa các thành viên khác).
Vị trí
địa lý đặc thù tạo cho dân tộc Việt Nam những đợt tiếp xúc, giao lưu, kể cả các
cuộc xâm lược từ bên ngoài đã làm nên diện mạo đời sống văn hóa của dân tộc có
nhiều biến động trong lịch sử. Văn hóa và triết lý Phật giáo bằng con
đường từ Ấn Độ được người Việt Nam tiếp cận từ rất sớm và đã mau
chóng đi vào đời sống của tầng lớp bình dân trong không gian văn hóa
làng xã một cách hồn nhiên, hòa bình. Tư tưởng nhà Phật rất dễ đi
vào lòng người và được cảm nhận, tiếp biến một cách sâu sắc, nội
dung thuyết giáo nhà Phật được biểu hiện một cách tự nhiên qua mọi
lề thói, nếp sống của các thành viên gia đình (theo cả nghĩa rộng
lẫn nghĩa hẹp). Chính vì thế, gia đình truyền thống của người Việt
đã sớm hình thành Đạo thờ Mẫu và Đạo thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo
sau là sự ngự trị của văn hóa Hán – Nho, sản phẩm tinh thần có sức
mạnh và là trợ thủ đắc lực cho chế độ quân chủ trong nền kinh tế
tự cung tự cấp của xã hội nông nghiệp, Nho giáo rất thích hợp với
giai cấp thống trị trong việc áp đặt và duy trì các chính sách “thủ
cựu” vào đời sống văn hóa – xã hội của Việt nam qua nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, nho giáo cũng đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề
giáo dục con người với cái gốc xuất phát từ “giáo dục gia đình”
dựa trên những định chế cụ thể, mang tính thiết thực trong đời sống
hàng ngày, vì thế nhiều nội dung luân lí của nho giáo vẫn còn giá trị trong đời
sống hiện đại và được nhiều nước Châu Á chọn lọc khai thác như Singapore, Trung
Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...
Ngày
nay, vẫn còn trên 70% người dân Việt Nam làm nghề nông và vẫn sống ở nông thôn,
tuy kiểu gia mở rộng (từ 3 thế hệ) không chiếm tỷ lệ đa số như trước
đây, nhưng lối sống và những phong tục, tập quán dựa trên mối liên hệ
huyết thống, từ trực hệ với ông bà đến quan hệ dòng họ (cùng một
ông tổ sinh ra) và rộng hơn nữa là qua hệ làng xã, cộng đồng dân tộc
(đại gia đình theo nghĩa rộng nhất) vẫn được duy trì. Sự tồn tại của tổ
chức gia đình mở rộng với những qui định ràng buộc chặt chẽ theo dòng họ và bị
chi phối bởi chế độ “gia trưởng” ngày nay không còn phù hợp với cuộc sống công
nghiệp; đây là mâu thuẫn ẩn chứa nhiều yếu tố tiêu cực, trở thành lực cản trước
sự tiến bộ xã hội. Điều này cũng giải thích được lý do mặc dù vấn đề bình đẳng
giới và không bạo hành phụ nữ được đảm bảo trong luật pháp Việt Nam, nhưng
hiện tượng bất bình đẳng và bạo lực vẫn tồn tại, thậm chí còn đang có chiều
hướng gia tăng. Vì ảnh hưởng của lối sống kiểu gia đình truyền thống nên trong
nhà có xảy ra bạo lực hay các hành vi thiếu bình đẳng thì các thành viên thường
dấu kín, không nói với cha mẹ, bạn bè, không thông báo cho chính quyền địa
phương với lối nghĩ “không muốn vạch áo cho người xem lưng” .
Phụ nữ
Việt Nam trong gia đình truyền thống:
Theo tư
tưởng Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ:
vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, anh - em, bạn - bè; năm mối quan hệ này phản
ánh hiện thực hai mặt của cuộc sống là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.
Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông
pháp (họ tộc) và chế độ gia trưởng, còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi
chế độ chính trị đẳng cấp. Đi cùng với các mối quan hệ đó là những qui định
giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện. Quan niệm về
một gia đình có trật tự, kỷ cương lại càng trở nên chặt chẽ và khắc nghiệt hơn,
trong đó quyền hành của người cha, người chồng là tuyệt đối, vị thế của người
phụ nữ, người vợ rất hạn chế.
Thân
phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị chèn ép theo những chế ước hết sức
ngặt nghèo, một trong các đạo qui định người phụ nữ phải tuân thủ là “Đạo Tam
tòng - Tứ Đức”. Tam tòng là tại gia tòng Phụ; xuất giá Tòng Phu; Phu tử tòng Tử
(con gái còn ở trong gia đình phải nghe theo Cha, đi lấy chồng phải phụ
thuộc vào Nhà Chồng, khi Chồng chết phải ở vậy và phụ thuộc vào người Con
Trai). Theo Hán ngữ, chữ Tử nghĩa là con nói chung, nhưng trong Đạo Tam tòng,
người con gái không được xếp ứng với nghĩa là con trong trường hợp này (Phu tử
tòng Tử chỉ con trai) ; cách ứng xử như vậy đủ nói lên sự bất bình đẳng đối với
phụ nữ trong xã hội phong kiến; ngày nay hiện tượng này tồn tại không nhiều
nhưng vẫn tiềm ẩn trong ý thức của các thệ hệ còn ảnh hưởng của tư tưởng Nho
giáo. Tứ Đức là Công – Dung – Ngôn – Hạnh; đây là 04 đức tính thiết yếu phải được
dạy và học - hành đối với phụ nữ ngay từ khi còn nhỏ ở gia đình. Thực hành tứ
đức có mặt tích cực là giúp người phụ nữ chăm chỉ và khéo léo trong lao động
(công); biết giữ gìn thân thể, vẻ đẹp vốn có (dung); biết cách ứng xử giao tiếp
qua ngôn ngữ, cử chỉ “lời ăn tiếng nói” (ngôn); và giữ được tư cách, đạo đức
cần có ở người phụ nữ (hạnh). Mục đích của giáo dục Công – Dung – Ngôn – Hạnh
trong xã hội cũ chủ yếu nhằm trang bị cho phụ nữ những kiến thức, kỹ năng hướng
tới việc thực hiện bổn phận làm vợ, làm dâu khi lấy chồng. Nếu lược bỏ đi những
mặt hạn chế ở tính mục đích và phương pháp giáo dục ngặt nghèo ở chế độ cũ thì
Tứ Đức vẫn còn tác dụng tốt, duy trì được tố chất "nữ tính" của người
phụ nữ Việt Nam.
Mặt hạn
chế trong nội dung giáo dục của Nho giáo nêu trên tạo ra một xã hội với những
con người hoặc là bảo thủ, trì trệ, lạc hậu hoặc là nhẫn nhục, cam chịu và như
vậy khó mà thi hành được sự bình đẳng trong quan hệ giữa phụ nữ và nam giới.
Những quan hệ "ấm cúng" kiểu gia đình gia trưởng là tác nhân kìm hãm
năng lực phát triển của con người cá nhân cả về trí tuệ và sự tham gia công
việc xã hội; nó góp phần vào việc duy trì sự tồn tại lâu dài của kiểu gia đình
truyền thống.
Bình
đẳng giới trong cuộc sống gia đình thời kỳ công nghiệp hóa.
Quá
trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tạo cho gia đình Việt Nam điều
kiện tiếp thu những giá trị văn hóa mới của xã hội hiện đại, sự
biến đổi về quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình trong cuộc sống
công nghiệp đang có những chuyển biến tích cực ở một số giá trị văn
hóa gia đình; nhận thức về tình yêu, hôn nhân có nhiều biến đổi trong
những năm gần đây, tuổi kết hôn lần đầu của thanh niên, nhất là ở phụ
nữ đã được nâng cao, làm cho thiếu niên có nhiều cơ hội và thời gian
học tập, tích lũy để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình tương lai.Tỉ
lệ số phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, việc làm
và được thụ hưởng thành quả lao động ngày càng cao; tự do trong tình
yêu và hôn nhân được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng giới và được pháp
luật bảo vệ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã
hội.
Mặc dù
ngày càng có nhiều công cụ và các điều kiện giúp con người giảm nhẹ sức lao
động, nhưng người phụ nữ ngoài việc tham gia công việc, đóng góp ngày càng
nhiều vào nguồn thu nhập, vẫn phải đảm nhiệm hầu hết các công việc trong cuộc
sống gia đình, do vậy họ có ít thời gian chăm sóc bản thân, tham gia công tác
xã hội và hoạt động vui chơi giải trí. Một nghịch lý đang tồn tại là việc nội
trợ, nuôi dạy con, chăm sóc các thành viên gia đình của phụ nữ thường bị coi là
không có giá trị kinh tế, điều này được bộc lộ rõ chỉ từ khi xã hội thừa nhận
sự hiện diện của "dịch vụ giúp việc gia đình" (ô shin). Ngoài ra, phụ
nữ còn là nạn nhân chủ yếu của sự phân biệt đối xử, phải gánh chịu những lạm
dụng về thể xác, tinh thần từ phía người đàn ông.
Những
quan niệm và hành vi không đúng đắn về tình yêu, tình dục, hôn nhân và gia
đình được xuất hiện, phổ biến hoặc đưa tin hàng ngày trên các phương tiện
thông tin đại chúng và mạng internet ở tất cả các quốc gia có điểm xuất phát
là đề cao, coi trọng lối sống thực dụng cá nhân, chối bỏ các chuẩn
mực tốt đẹp của gia đình trong bối cảnh nền kinh tế thị trường,
điều này làm cho đời sống gia đình hiện nay ẩn chứa nhiều mâu thuẫn
với mức độ ngày càng phức tạp và diễn biến dưới nhiều hình thức.
Tình trạng ngoại tình, kết hôn bất hợp lý, bạo lực gia đình, ly
thân, ly hôn đang có chiều hướng gia tăng mà nạn nhân trước hết và chủ
yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em gái; các kiểu sống gia đình không bình
thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn
đề xã hội nan giải như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối
sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó để lại nhiều
tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình.
Tại các
nước công nghiệp phát triển, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong cuộc
sống gia đình không phải không có những vấn đề mâu thuẫn cần phải giải quyết
cho hiện tại và trong tương lai:
Ở Mỹ
vào những năm 1990, người dân đã phải lên tiếng về tình trạng là khi trẻ đi học
về nhà, đã thưa dần những tiếng chào bố, hoặc chào mẹ vì tỉ lệ ly dị ngày càng
cao; nam giới Hàn quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc lập gia đình vì thiếu
phụ nữ trong lứa tuổi kết hôn; vào khoảng năm 2020, Trung Quốc sẽ có tới 30
triệu thanh niên không lấy được vợ vì không có "đối tác", có nghĩa là
tuổi trẻ khi đó sẽ gặp khủng hoảng trong việc tạo lập ra một thế hệ gia đình
mới; trong khi đó các nhà quản lý và xã hội học khuyến cáo rằng không thể giải
quyết tình trạng mất cân bằng giới tính của quốc gia bằng cách khuyến khích lấy
vợ người nước ngoài một cách ồ ạt, thiếu thận trọng về các yếu tố văn hóa và
thực hiện bình đẳng giới; hiện tại Phần Lan có đến 40% thanh niên sống độc
thân, không lấy vợ, lấy chồng; điều này cho thấy khả năng tái tạo nguồn lao
động trong tương lai sẽ bị gián đoạn và hậu quả để lại không chỉ dừng ở phạm vi
một quốc gia; vì thế 50% trong tổng số hơn 5 triệu dân Phần Lan đang là lực
lượng lao động để nuôi sống mình và duy trì đời sống xã hội; còn đất nước Nhật
Bản rút ra được bài học kinh nghiệm muộn mằn là sau mấy chục năm thực hiện công
nghiệp hóa thì cũng chính thời gian đó nước Nhật đã phá gần xong nền Văn hóa
Dân tộc Phù tang.
Việt
Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết các
công ước quốc tế về thực hiện quyền phụ nữ và quyền trẻ em; việc
đưa những tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới vào gia đình ở một
quốc gia vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo có thể được coi là một
bước tiến bộ lớn, tạo điều kiện về mặt pháp lý để nâng cao vị trí
và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Đời sống xã hội ở thời
kỳ công nghiệp và hậu công nghiệp đang vận động, biến đổi hết sức
phức tạp và đa dạng theo chiều hướng: nhiều giá trị văn hóa gia đình
truyền thống không còn phù hợp, trong khi những giá trị mới lại chưa
được định hình; đây là mâu thuẫn cơ bản cần giải quyết và là vấn
đề đặt ra cho các nhà quản lý xã hội.
Việc
kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị hiện đại trên
cơ sở bảo tồn bản sắc văn hóa và chủ động giao lưu với bên ngoài là giải pháp
tích cực đưa dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức, khơi dậy
được vai trò động lực của các giá trị truyền thống cho sự phát triển và tiến bộ
xã hội, và ở trong hoàn cảnh đó, phụ nữ Việt Nam mới hoàn toàn có
quyền bình đẳng trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của gia
đình, có cơ sở pháp lý để tự tin bước ra ngoài cánh cửa gia đình,
tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển
đất nước./.
Nguồn: phunu.hochiminhcity.gov.vn