Thời
gian qua, các thế lực thù địch xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã
hội rằng, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là cuộc thanh
trừng, đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành lợi ích, là chính “ta đánh
ta”. Chúng vu cáo Đảng ta chống tham nhũng vượt trên pháp luật; kích động sự
trừng phạt, trừng trị, chúng cố tình lấp liếm đi tính nhân văn trong công tác
kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Chống tham nhũng là
công việc được Đảng ta coi trọng và thực hiện thường xuyên, nhất là từ khi Đảng
trở thành đảng cầm quyền. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, không có
đảng đối lập, không có nghĩa Đảng có thể tự bằng lòng, chủ quan, duy ý chí,
chuyên quyền, độc đoán, không có khả năng nhận ra và sửa chữa những sai lầm,
khuyết điểm của mình... Ngược lại, chiến thắng chính bản thân mình bao giờ cũng
là cuộc chiến khó khăn nhất! Và, một đảng “ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp
dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca
ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3), nên
Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính mình, đặc biệt tránh
tha hóa về quyền lực bởi quan liêu, tham nhũng - một trong bốn nguy cơ ảnh
hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Nếu dung túng những cán bộ, đảng viên,
dù là cán bộ cấp cao, nhưng suy thoái về đạo đức, biến chất, tham ô, tham nhũng
thì sẽ làm Đảng suy yếu từ bên trong, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Năm
1950, khi chuẩn y tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, do biển
thủ, ăn chặn của công, dù hết sức đau xót, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:
“Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy
hiểm”. Do đó, Đảng ta chống tham nhũng là để thanh lọc, sàng lọc cán
bộ, làm trong sạch bộ máy, góp phần giữ sự xác tín chính trị, tính chính
đáng và xứng đáng với vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của mình, tuyệt
nhiên không phải là “thanh trừng nội bộ”, càng không phải là “cuộc đấu đá phe
phái”, như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mặt
khác, Đảng ta là một khối thống nhất ý chí và hành động. Hệ thống chính trị ở
nước ta mang bản chất thống nhất không có đối trọng, đặt dưới sự lãnh đạo duy
nhất của Đảng - đại biểu trung thành cho ý chí và lợi ích thống nhất của giai
cấp công nhân và của cả dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhà nước để bảo đảm nhân dân là
chủ thể của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Mọi quyết sách của Đảng, trong đó có việc chống tham nhũng, đều vì lợi ích của
nhân dân, của dân tộc. Càng tuyệt nhiên không có các “phe nhóm” hay “phe phái”
bên trong, bên ngoài Đảng hay trong hệ thống chính trị của ta, có lợi ích khác
đối trọng, kìm hãm, phong tỏa hay cạnh tranh lẫn nhau, làm xé lẻ hay phân rã
quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, từ đó loại trừ hoàn toàn nguy cơ xung
đột cấu trúc (structural conflict) cố hữu như ở các nước tư bản. Do đó, luận
điệu cho rằng, tham nhũng là “chất xúc tác” làm xung đột giữa các phe phái, làm
đảo lộn trật tự quyền lực và chống tham nhũng chỉ vì lợi ích của riêng Đảng,
chặn xu hướng ly khai khỏi quyền lực hệ thống, quyền lực trung tâm của Đảng, là
hoàn toàn phi lý và vô căn cứ, chỉ là sản phẩm của “trí tưởng tượng phong phú”
của những kẻ mang thâm thù với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đồng
thời, mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp
thời, nghiêm minh, công bằng, khách quan theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật, nhưng kỷ luật của Đảng không thay
thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.
Quan điểm lấy kỷ luật đảng thay pháp luật là sự sai lệch và làm tổn thương uy
tín của Đảng. “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất
kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân
dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ
chức vào ngày 25-6-2018. Do đó, không thể có các quy định chống tham nhũng của
Đảng đứng trên pháp luật, “có sự can thiệp chính trị”, “xử ép” hay “vi phạm
nhân quyền”, “vi hiến” và càng không thể mượn cớ chống tham nhũng để xảo biện
phải có cái gọi là “luật về đảng”(?!), vì mọi hoạt động của các tổ chức đảng,
đảng viên và vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội đều đã
được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đạo luật
gốc có hiệu lực pháp lý tối cao.
Ở góc
độ khác, công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện tiêu cực, tham nhũng là “thanh
bảo kiếm” giữ nghiêm kỷ luật đảng, vừa thể hiện tính nghiêm minh và tự
giác cao độ, vừa thể hiện tính dân chủ, nhân đạo sâu sắc. Nó không phải
chỉ cốt “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”, truy tìm bằng được khuyết
điểm, sai lầm để xử phạt, trừng trị, mà là “trị bệnh cứu người”, lấy xây
dựng và cải tạo để chủ động phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn,
uốn nắn, giáo dục, sửa chữa, khơi dậy sự tự giác là chính. “Thà
chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, xử lý một
người để cứu muôn người, nên công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ta
thể hiện bản chất nhân văn cao độ.