Là một dân
tộc đất không rộng, người không đông, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, dân
tộc ta luôn phải đấu tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực hùng mạnh. Các
thế hệ người Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành và giữ độc lập,
tự do cho Tổ quốc. Đó là sự hy sinh tự nguyện cho một mục tiêu
chân chính, một lý tưởng cao đẹp; là hành động ái quốc của một dân tộc anh hùng
- một biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Trong đêm trường nô lệ,
các phong trào đấu tranh yêu nước vẫn liên tục nổ ra nhưng đều bị dìm trong
biển máu và thất bại. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, với
khát vọng cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao
cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng
có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1],
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra
con đường cứu nước. Và
khi
thời cơ
thuận lợi đã tới “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng
phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khát vọng và ý chí quyết giành độc lập, tự do của toàn dân tộc đã tạo
nên sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi vĩ
đại của Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, khai sinh ra
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người
tự do. Thay mặt toàn thể đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố:
“Toàn thể dân tộc
Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ
vững quyền tự do, độc lập ấy”[2].
Thế nhưng, nền độc lập của dân tộc, quyền tự do của nhân dân vừa mới giành
được lại đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài cấu kết với nhau nhằm bóp chết chính quyền còn non trẻ,
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Chúng ta muốn hòa bình,
chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng
lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh
tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi
đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già,
người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì
phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm
dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức
chống thực dân Pháp cứu nước”[3]. Lời kêu gọi đã
động viên toàn dân tộc ta đứng lên chống thực dân Pháp. Sau chín năm trường kỳ
kháng chiến, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, toàn dân tộc tộc
đã đứng lên đánh bại đế quốc, thực dân, làm nên một Điện Biên Phủ chấn
động địa cầu, giải phóng miền Bắc.
Nhưng ngay sau đó đế quốc Mĩ
lại kế chân xâm lược nước ta, chúng không cho dân tộc ta được
sống trong hoà bình, độc lập, tự do. Sau 20 năm chiến đấu
ròng rã, hàng chục triệu người đã hiến dâng tuổi
thanh xuân, hiên ngang “Nhằm thẳng quân thù - bắn!” đã đánh bại tên đế quốc
giàu mạnh nhất hành tinh. Thắng
lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng xét đến cùng, nguyên nhân sâu xa, đó là ý
chí quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ để bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của
Tổ quốc. Khi phân tích nguyên nhân thất bại của Mĩ tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc
phòng Hoa Kì Mắc Na-ma-ra nêu lên 11 nguyên nhân chính khiến nước Mĩ thảm bại,
trong đó có nguyên nhân từ phía giới lãnh đạo nước Mĩ: “Đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã
thúc đầy một dân tộc giàu lòng yêu nước đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và
các giá trị của nó, chúng tôi thiếu sự hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hoá,
chính trị của Việt Nam”[4].
Một dân tộc đã
gan góc đấu tranh, triệu người như một, đồng tâm, hiệp lực chiến đấu kiên cường
đánh bại mọi mọi âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn
đất nước, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Hàng vạn người con ưu tú của dân tộc ta đã ngã xuống
trên chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời, hiến
dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho các cuộc kháng chiến giải
phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ đã mãi mãi không
thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó.
Trân trọng, giữ
gìn và phát huy giá trị của độc lập, tự do, hiện nay đại bộ thanh thiếu niên đã và đang
tích cực học tập, lao động, công tác góp phần xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc nhưng vẫn còn một bộ phận sống thiếu lý tưởng, giảm sút
niềm tin, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; xem nhẹ truyền
thống, coi thường đạo lý, phủ nhận quá khứ. Thậm chí, có
người còn lên tiếng ủng hộ các luận điệu xuyên tạc, phản động cho rằng, các cuộc kháng chiến cứu
nước của dân tộc ta trong thế kỷ XX là “cuộc chiến tranh phi nghĩa”, là “sự hy sinh xương máu một cách vô ích”;
cá biệt một số
người còn bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật, bị các
thế lực thù địch lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc.
Vì vậy, để thế hệ trẻ có nhận thức đầy đủ về giá trị của
độc lập, tự do; thấu hiểu những hy sinh mất mát to lớn của các thế hệ cha anh
trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung giáo
dục lịch sử dân tộc; truyền thống văn hóa của dân tộc, của Đảng; những anh hùng, liệt sĩ; những tấm gương yêu nước tiêu
biểu và tuyên truyền âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng
nước ta trong tình hình mới.
Để làm được điều đó, cần tích cực hóa quá trình dạy học môn lịch
sử bằng cách tái hiện một cách sinh động, có hồn những sự kiện lịch sử quan
trọng. Kết hợp nhiều kênh thông tin cung cấp kiến thức lịch sử, truyền thống
nhất là sách, báo, tranh ảnh, tư liệu, phim, nhạc… kích thích sự hứng thú, say
mê tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử. Sử dụng phổ biến các
hình thức: tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn, thi tìm hiểu, tuyên truyền,
biểu dương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc để bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí kiên cường,
dũng cảm; khơi dậy ước mơ, hoài bão lớn trong mỗi người.
Chú trọng phát huy giá trị của những chứng tích lịch sử; tăng
cường các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng; tổ chức giao lưu, nói chuyện
truyền thống để thế hệ trẻ tìm hiểu về những người thật, việc thật, nhận rõ cái
giá phải trả cho độc lập, tự do của dân tộc, tự hào với truyền thống của các
thế hệ cha anh, soi mình vào những tấm gương tiêu biểu trong xã hội; từ đó nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ
quốc, với gia đình và xã hội, góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước
ngày càng giàu mạnh.
Xây dựng môi trường văn hóa tôn vinh những giá trị truyền
thống, lịch sử; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chuẩn mực đạo đức, tấm gương
điển hình với “chống” mọi biểu hiện, hành vi trái với đạo lý, truyền thống dân
tộc. Mỗi gia đình, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội cần tiếp tục biểu
hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh đối với những người đã hy sinh vì nước
bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Đặc biệt, mỗi thanh thiếu niên cần
đề cao tinh thần tự học, tự rèn; tích cực tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của
dân tộc, của quê hương; tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa,
chia sẻ giúp đỡ các gia đình có công với nước, những gia đình có hoàn cảnh khó
khăn; sống thủy chung, chí nghĩa, chí tình, không bàng quang, vị kỷ cá nhân;
xây dựng thái độ học tập, lao động, công tác đúng đắn; xây dựng tinh thần lao
động cần cù, sáng tạo; thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân;
chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Có lẽ, hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới,
dân tộc Việt Nam thấu hiểu sự vô giá của độc lập, tự do. Bởi để có hòa bình, độc lập, tự do, dân tộc ta đã phải
đánh đổi bằng tính mạng, xương máu và nước mắt của lớp lớp các thế hệ người
Việt Nam .
Thế hệ trẻ hôm nay không có quyền quên và không được phép quên những cống hiến,
hy sinh của các thế hệ cha anh, trái lại phải luôn tự hào và nguyện sống xứng
đáng với các thế hệ đi trước; luôn trân trọng, giữ gìn và góp phần giữ vững độc
lập, tự do của Tổ quốc; biến truyền thống thành bản lĩnh, ý chí; chiến thắng
nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng
và văn minh./.