Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

KINH NGHIỆM QUÂN ĐỘI THAM GIA ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG NƯỚC TA LÀ GÌ?

Một là, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc nắm vững âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng nước ta. Trong thời gian tới, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng tinh vi, thâm độc, cuộc đấu tranh diễn ra gay go, quyết liệt hơn nhiều. Vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, là trách nhiệm cấp ủy, chỉ huy các đon vị quân đội, cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương, đồng thời là nội dung quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương.

Hai là, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong và ngoài quân đội, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, tham gia giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở. Việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng trong và ngoài quân đội, nắm vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, kịp thời nắm bắt, phân loại các đối tượng; xây dựng kế hoạch, theo dõi quá trình diễn biến của vụ việc, kịp thời tuyên truyền, vận đồng đồng bào không nghe, không tin, không làm theo kẻ địch; khi xảy ra tình trạng tụ tập đông người phải nhanh chóng phối hợp với chính quyền đại phương xử lý ngay, không để lây lan rộng.

Ba là, quan tâm xây dựng lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh, thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở, địa bàn đóng quân vùng đồng bào dân tộc. Để giành thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống âm ưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng đòi hỏi phải quan tâm xây dựng lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo ra sức mạnh tổng hợp đủ sức để nắm tình hình, kịp thời ứng phó và xử lý mọi tình huống xảy ra mà không bị động bất ngờ.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng với phát triển kinh tế, phát triển kinh tế gắn với giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng đồng bào dân tộc.

Năm là, nắm vững và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng. Thực tin cho thấy, chỉ khi nào có sự phi hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quân đội với các lực lượng trên địa bàn thì công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng nước ta mới thu được kết quả tích cực. Ngược lại, sự phối hợp thiếu một cơ chế cụ thể, rõ ràng sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong triển khai thực hiện, dẫn đến hiệu quả đấu tranh thấp.

QUÂN ĐỘI THAM GIA ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY THÔNG QUA NHỮNG PHƯƠNG THỨC CƠ BẢN NÀO?

Một là, tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch cho toàn dân. Đồng thời, tập trung phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc, các tôn giáo. Phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước, khơi dậy lòng tự tôn tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đấu tranh  với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng. Các đơn vị quân đội cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tham gia tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ chính quyền cơ sở về công tác dân tộc để nâng cao khả năng phát hiện và xử lý những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc để gây mất ổn định chính trị. Thông qua những hoạt động này trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh và hiệu quả của khu vực phòng thủ trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch.

Ba là, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng khác phòng chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch. Trước hết, các đơn vị cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật; phối hợp giải quyết các vụ khiếu kiện đòi lại đất đai, tranh chấp đất đai cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo ở các vùng dân tộc; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng khác nơi đóng quân để tham gia phòng, chống làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giải quyết những điểm nóng về dân tộc.

Bốn là, trực tiếp tiến hành các biện pháp: nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng; đấu tranh trên phương diện tư tưởng lý luận, bảo vệ quan điểm dân tộc của Đảng và Nhà nước; đấu tranh trên không gian mạng với các thế lực thù địch, định hướng dư luận,…. 

QUÂN ĐỘI THAM GIA ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM TRÊN NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN NÀO?

Một là, chủ động, tích cực tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng. Công tác tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc của quân đội góp phần làm cho đồng bào các dân tộc hiểu đúng đường lối của Đảng, kiên định với con đường và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội tuyên truyền vận động nhân dân trực tiếp nâng cao nhận thức âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, đồng thời tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp trong quan hệ dân tộc, quan hệ tôn giáo. Các đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền tốt sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, phức tạp trong quan hệ dân tộc cũng như các mối quan hệ xã hội khác.

Hai là, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trực tiếp xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc vùng dân tộc thiểu số, góp phần đấu tranh, xử lý vô hiệu hoá các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng. Quân đội là lực lượng quan trọng tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc. Trong tình hình phức tạp hiện nay, các đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn dân tộc miền núi có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong vận động đồng bào nêu cao cảnh giác, ngăn ngừa và kịp thời làm thất bại âm mưu, hành động gây mất ổn định chính trị xã hội, phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các đơn vị ở từng cấp cùng với địa phương xây dựng kế hoạch phòng thủ khu vực trọng điểm, huy động lực lượng quốc phòng, an ninh từ đồng bào dân tộc, gắn việc xây dựng quốc phòng, an ninh với bảo vệ cuộc sống của người dân; thường xuyên bổ sung, điều chỉnh phương án tác chiến, tổ chức luyện tập, diễn tập sát với khả năng diễn biến thực tế.  

Ba là, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; thiết thực góp phần chủ động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch. Các đơn vị quân đội có nhiệm vụ xây dựng chương trình kế hoạch công tác tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân, tham gia tích cực và có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo. Cùng với nhân dân các dân tộc và chính quyền địa phương, quân đội có nhiệm vụ tham gia thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế vùng dân tộc thiểu số. Quân đội là lực lượng đóng vai trò quan trọng và hoạt động có hiệu quả đưa văn hoá mới đến vùng sâu, vùng xa; tham gia hướng dẫn bà con dân tộc lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng, xoá bỏ cây thuốc phiện, tham gia phổ biến khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp. Quân đội là lực lượng xung kích trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống ở vùng miền núi dân tộc, tôn giáo vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các đơn vị đóng quân ở vùng dân tộc thiểu số có vai trò tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân, giữ vững đoàn kết dân tộc; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở địa phương.  

Bốn là, chủ động phối hợp và trực tiếp đấu tranh ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kiên quyết, kịp thời các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng, các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo ở trong nước và từ bên ngoài. Quân đội là lực lượng nòng cốt trong việc giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược xung yếu, góp phần quan trọng làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn để dân tộc chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, chính cuộc đấu tranh đó lại là một trong những điều kiện cơ bản để xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng biên cương vững mạnh về mọi mặt. Thực tiễn quân đội tham gia gia đấu tranh phòng, chống hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc những năm qua đã cho thấy, các đơn vị trong toàn quân đã tập trung xây dựng địa bàn an toàn, tham gia giải quyết có hiệu quả các “điểm nóng”, các vụ khiếu kiện kéo dài; răn đe và trấn áp các phần tử phản động, gây rối phù hợp vối chức năng, nhiệm vụ được giao.


QUÂN ĐỘI CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG NƯỚC TA HIỆN NAY?

Một là, quân đội là lực lượng quan trọng trong tuyên truyền và vận động đồng bào dân tộc hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng, đồng thời tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp trong quan hệ dân tộc.

Hai là, quân đội tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vùng dân tộc, góp phần đấu tranh, xử lý vô hiệu hoá các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng. Các đơn vị quân đội có vai trò và trách nhiệm rất lớn cùng với địa phương thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nắm chắc các vấn đề liên quan đến các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch. Từ đó, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các địa phương hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Ba là, quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Thông qua các hoạt động tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế vùng dân tộc, góp phần giữ vững đoàn kết, củng cố lòng tin vào Đảng, Nhà nước; tham gia nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở địa phương.  

Bốn là, quân đội là lực lượng quan trọng tham gia đấu tranh âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng; giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược xung yếu, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng biên cương vững mạnh về mọi mặt.     

MỘT SỐ VẤN ĐỀ DÂN TỘC NỔI LÊN Ở CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC KHMER TÂY NAM BỘ HIỆN NAY LÀ GÌ?

Cộng đồng dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ nhiều thế kỷ, người Khmer sống đan xen, chan hòa cùng cộng đồng người Kinh, người Hoa, người Chăm. Trong quá trình chung sống với nhau, có một số vấn đề nổi lên đối với người Khmer ở Tây Nam Bộ như sau:

Một là, thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất là vấn đề lớn của người Khmer ở Tây Nam Bộ. Không có đất, thiếu đất sản xuất và khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong vùng người Khmer là một hiện tượng đáng quan tâm ở các địa phương có đông người Khmer sinh sống, nhất là các huyện miền núi ven biên giới của tỉnh An Giang.

Hai là, trình độ học vấn của tộc người Khmer hiện ở mức thấp và có yếu tố liên đến quan niệm tín ngưỡng.

Ba là, phân hóa giàu nghèo theo hướng tiêu cực ở các cộng đồng người Khmer vùng Tây Nam Bộ diễn ra khá sâu sắc; hộ nghèo, cận nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến tộc người, quan hệ tộc người. 

Bốn , có nhiều đồng bào Khmer bỏ tôn giáo truyền thống để theo đạo Tin lành và Công giáo. Một bộ phận lớn trong cộng đồng đã cải đạo theo đạo Tin lành hoặc theo các chi phái khác của đạo Tin lành do nó đã có sự điều chỉnh về hình thức, nội dung, giáo lý theo tính chất mềm dẻo, đơn giản hóa, quần chúng hóa.

Năm  là, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng người Khmer hình thành các lực lượng đối lập, dựng ngọn cờ làm cơ sở chống phá cách mạng nước ta. Các thế lực thù lợi dụng việc tranh chấp đất đai, những sơ hở trong chính sách và những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của chính quyền địa phương, để kích động khiếu kiện đông người, khi có điều kiện thì biểu tình, gây bạo loạn, làm mất ổn định chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. 

NHỮNG HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG CỦA FULRO LÀ GÌ?

Hiện nay, có 5 tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ, trong đó, hoạt động mạnh là tổ chức Hội những người miền núi - MFI của Ksor Kơk và tổ chức Nhân quyền người Thượng - MHRO của Nay Rông. MFI (Montagnard Foundation Inc), thành lập năm 1992, tại Spartanburg, bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, là tiền thân của tổ chức “Nhà nước Đề Ga độc lập” với mục đích là đấu tranh đòi lại đất Tây Nguyên, lập “Nhà nước Đề Ga” của người Tây Nguyên.  

Thành lập tổ chức “Người Thượng thống nhất - UMP” với mục đích kêu gọi người Thượng trong và ngoài nước tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thành lập “Nhà nước” cho người Tây Nguyên; công bố lá cờ của tổ chức UMP, đơn tham gia, bản tuyên thệ (gồm 7 lời thề). Đặt tên cho “Nhà nước” của người Tây Nguyên là “Chính phủ Đề Ga PMSI” (Đất nước của người Thượng Nam Đông Dương).

Các tổ chức này tích cực củng cố, chuẩn bị các điều kiện để cho ra đời cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” tại Tây Nguyên. Các đối tượng cầm đầu thường xuyên tham dự các diễn đàn, các hội nghị quốc tế về nhân quyền, tôn giáo và người tị nạn nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ, liên kết của các thế lực thù địch, phản động; vận động hành lang các nước ủng hộ tài chính; mở các lớp đào tạo kiến thức văn hóa cho đồng bào; tổ chức các thành viên học “Luật Đề Ga”; thu thập cờ, tài liệu, bản đồ liên quan “Nhà nước Đề Ga”. Từ nước ngoài, chúng gửi kinh phí, cờ vào trong nước, khẳng định “phong trào Đề Ga” sẽ thành công vì được nhiều nước ủng hộ.

Chúng triệt để lợi dụng các văn bản pháp lý quốc tế để xuyên tạc sự thật ở Việt Nam, đặc biệt là Tuyên ngôn về quyền của người bản địa 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia; thường xuyên thu thập về tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từ đó bóp méo, xuyên tạc, làm “bằng chứng” đấu tranh với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền; quyên tiền thuê Hội luật sư ở Washington giúp đỡ trình bày các vấn đề liên quan trước Liên hợp quốc; chuẩn bị tài liệu để tổ chức vụ kiện Việt Nam ra Tòa án Quốc tế... Chúng đã triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng di động để liên lạc, tuyên truyền lừa bịp gây chia rẽ đoàn kết, củng cố tổ chức, lừa mị về sự thành công của tổ chức Đề Ga để củng cố niềm tin cho bọn phản động trong nước.

Sử dụng các diễn đàn chính trị can thiệp trực tiếp vào vấn đề dân tộc, tôn giáo. Thông qua hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ, các đoàn lâm thời và một số người Thượng lưu vong tại Mỹ về Việt Nam thăm thân, chúng tìm cách thu thập tình hình cũng như việc thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc của Nhà nước ta ở Tây sự thật Nguyên. Trên cơ sở đó, chúng thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của ta, xuyên tạc, tố cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số trong các cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ. Đặc biệt, từ khi Thượng Nghị viện Mỹ thông qua luật HR 2431 về tự do tín ngưỡng quốc tế, các hoạt động điều tra nhằm kích động vấn đề nhân quyền trong dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên được tiến hành công khai, ráo riết hơn. 

NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN CẦN NẮM VỮNG HIỆN NAY?

Hiện nay, Tây Nguyên có cư dân của 54 tộc người đang sinh sống, trong đó có 12 tộc người tại chỗ. Trong quá trình phát triển, quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên ngày càng phát triển tốt đẹp, nhưng hiện nay cũng đang tồn tại những vấn đề dân tộc cũ và cả những vấn đề mới, bao gồm:

Một là, nghèo và chênh lệch giàu - nghèo khá lớn, ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến tộc người, quan hệ tộc người. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo của đồng bào còn cao sẽ dẫn đến nguy cơ mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Hai là, vấn đề đất đai (thiếu đất sản xuất, tranh chấp, khiếu kiện) của người dân tộc thiểu số vẫn là hiện tượng đáng chú ý và phải giải quyết về cơ bản. Ngoài ra, nạn phá rừng, khai thác gỗ quý không được kiểm soát chặt chẽ và không quan tâm đến việc trồng mới và bảo vệ rừng cũng là nội dung cần quan tâm hiện nay.

Ba là, các giá trị văn hóa truyền thống, thiết chế xã hội cổ truyền của các dân tộc thiểu số đang thay đổi và bị mai một dần. Sự hội tụ nhiều luồng cư dân khác nhau ở đây đã tạo nên sự phong phú và không ít phức tạp trong phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo. Phá hỏng hoặc thay đổi cơ cấu cổ truyền làng xã và đời sống tâm linh của người dân tộc. Bên cạnh đó, thái độ của cán bộ và người Kinh đối với phong tục, tập quán cổ truyền của các dân tộc chưa tương xứng, có mặt còn hạn chế.

Bốn là, chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn thấp xa so với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Tày và mặt bằng chung của cả nước. Điểm nghẽn lớn nhất là học sinh, sinh viên ra trường, thanh niên đến độ tuổi lao động không tiếp cận và nắm bắt cơ hội việc làm, không có việc làm.

Năm là, hệ thống chính trị ở một số địa phương còn yếu, tệ nạn quan liêu, tham nhũng ở các mức độ khác nhau chưa chấm dứt, công tác xây dựng Đảng chưa được coi trọng đúng mức.

Sáu là, vấn đề tôn giáo còn khá phức tạp, việc hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở một số nơi chưa tốt, chưa xin phép chính quyền; việc cơi nới, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện chưa được quản lý tốt, có nơi liên quan đến khu vực quân sự, quốc phòng.

Bảy là, các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động tư tưởng ly khai với nhiều thủ đoạn mới nguy hiểm.

Tám là, những thách thức từ hội nhập quốc tế ảnh hưởng đến đồng bào dân tộc, tạo điu kiện thuận lợi để các thế lực thù địch sẵn sàng tạo cớ, can thiệp vào công việc nội bộ hòng gây bất ổn, chia cắt sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa cũng từ vấn đề dân tộc. 

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM GIẢI QUYẾT TRONG QUAN HỆ DÂN TỘC – TÔN GIÁO Ở TÂY BẮC HIỆN NAY LÀ GÌ?

Khu vực Tây Bắc của Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình; là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc thiểu số. Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc có sự hiện diện của các tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và khoảng 20 hiện tượng tôn giáo mới. Trong quan hệ dân tộc – tôn giáo ở khu vực này đang có những biến động lớn cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:

 Một là, sự phát triển của các tôn giáo lớn đã làm hình thành nên các cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Trước đây, các giá trị văn hóa tộc người với những quy ước chung của dòng họ, tộc người là yếu tố cơ bản gắn kết các cộng đồng dân tộc thì từ khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn, niềm tin tôn giáo, nhất là của  Công giáo và đạo Tin lành trở thành yếu tố gắn kết các nhóm tộc người.

Hai là, các mối quan hệ dân tộc - tôn giáo xuyên quốc gia và liên khu vực. Sự phát triển của đạo Tin lành trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã tạo điều kiện cho các tộc người ở khu vực này mở rộng giao lưu với các tộc người khác có cùng niềm tin tôn giáo, với cộng đồng đồng tộc có cùng đức tin ở các khu vực khác trong nước, thậm chí là ở nước ngoài. Nội dung này, đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Ba là, yếu tố tôn giáo làm biến đổi các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Sự tác động của tôn giáo tín ngưỡng trong quan hệ dân tộc đã làm cho các mối quan hệ truyền thống của dân tộc thiểu số biến đổi theo cả hai chiều hướng, tích cực và tiêu cực. Trong đó, chiều hướng biến đổi tiêu cực dường như nổi trội hơn. Khi các tôn giáo lớn du nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã dẫn đến hiện tượng một bộ phận đồng bào dân tộc cải đạo, dẫn đến những xáo trộn lớn trong quan hệ tộc người. Ở bộ phận đồng bào dân tộc theo Phật giáo, về cơ bản các mối quan hệ truyền thống không xảy ra những xáo trộn. Ở bộ phận đồng bào theo Công giáo thì các quan hệ này ít nhiều có sự biến đổi nhất định do sự khác biệt về đức tin nhưng không gây ra nhiều tác động xấu. Còn đối với đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành thì tôn giáo này có tác động rất lớn và gây nên nhiều xáo trộn trong các mối quan hệ truyền thống của tộc người.

 Bốn là, quan hệ dân tộc - tôn giáo đang tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội. Sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới không chỉ gây tác động đến việc làm mai một giá trị văn hóa, gây mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ truyền thống của các cộng đồng tộc người, sự phát triển của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc những năm gần đây còn làm rạn nứt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị, xã hội, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.   

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG CUỘC ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÍ LUẬN HIỆN NAY

Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng ta. Công tác tư tưởng, lý luận giữ vai trò to lớn trong việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần làm cho hệ tư tưởng vô sản thâm nhập sâu vào quần chúng nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh thời đại, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khẳng định vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận, Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX của Đảng chỉ rõ: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố hàng đầu cấu thành hoạt động lãnh đạo cách mạng. Sinh mệnh của Đảng cũng như sự thành bại của cách mạng có quan hệ trực tiếp với hoạt động tư tưởng, lý luận của Đảng”([1]).

Công tác tư tưởng, lý luận trong quân đội là một bộ phận hữu cơ trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, là một mặt cơ bản cấu thành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội đã khẳng định vai trò tích cực và hiệu quả to lớn của công tác tư tưởng, lý luận trong việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần của quân đội, đảm bảo cho quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thật sự là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và đội quân công tác, góp sức làm cho các Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, thực tiễn hoạt động của quân đội. Ngày nay, bước sang thời kỳ mới, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước… Trong điều kiện cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hết sức phức tạp, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Những mặt trái của cơ chế thị trường đang hàng ngày tác động vào cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Do vậy, việc chúng ta nghiên cứu để nắm chắc được mục tiêu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta cũng như phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận trong quân đội nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao là vấn đề bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, có nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy được vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, năng động sáng tạo dám chịu trách nhiệm; có phong cách làm việc dân chủ “nói đi đôi với làm”, gần gũi quần chúng, bám sát thực tiễn, cơ sở, được quần chúng, chiến sĩ tin yêu mến phục. Song trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình và sự tác động tiêu cực xã hội, trong quân đội vẫn còn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu tham nhũng lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng phát triển. Đáng quan tâm là cán bộ, cấp uỷ viên vi phạm kỷ luật còn chiếm tỷ lệ cao, đó trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, sức chiến đấu của đảng bộ và quân đội. Sự suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nếu không được tiếp tục đấu tranh, khắc phục kịp thời sẽ làm suy giảm lòng tin của cán bộ chiến sĩ và nhân dân đối với quân đội, sẽ là cơ hội tốt cho kẻ thù thực hiệm âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội - nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự tồn tại của quân đội cách mạng…

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX đặc biệt quan tâm là: “Nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiên quyết khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ đáng viên”([2]). Cũng như trong Nghị quyết trung ương 5 khóa X xác định về vai trò của “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Nên vấn đề giáo dục chính trị - tư tưởng, rèn luyện đạo đức cánh mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội đã trở thành vấn đề cấp bách, một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng bộ quân đội hiện nay, nhằm “khắc phục có hiệu quả sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tham nhũng, quân phiệt, vi phạm dân chủ, coi thường kỷ cương, kỷ luật, lối sống cơ hội, cá nhân thực dụng”[3].

Xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn cách mạng mới, làm cho mọi đảng viên xứng đáng với danh hiệu cao quí: người đảng viên cộng sản. Theo đó phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hội nghị Trung ương 9 (khoá IX) tiếp tục coi đây là một biện pháp quan trọng hàng đầu, nhằm tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao lập trường giai cấp công nhân, giác ngộ chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố trận địa chính trị tư tưởng, làm cơ sở cho việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với quân đội, với Đảng và Nhà nước. Hiện nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước hết sức phức tạp. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang bị các thế lực phản động tiến công từ nhiều hướng nhằm xuyên tạc, phủ nhận chân lý và sức sống của nó. Trong tình hình đó một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức không đầy đủ, thiếu sâu sắc, thậm chí sai lệch bản chất cáng mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đến có “những quan điểm sai trái, nhận thức mơ hồ về mục tiêu lý tưởng”, thái độ và động cơ chính trị không đúng đắn. Do vậy, việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết.

Việc học tập phải được tiến hành thường xuyên liên tục, gắn với yêu cầu nhiệm vụ quân đội, yêu cầu của công tác xây dựng Đảng bộ quân đội, gắn với cuộc sống thực tiễn của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt phải thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, phải “đưa việc học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thành một trong những nội dung sinh hoạt của mỗi chi bộ”[4]. Trong học tập cần tiến hành đồng bộ, vận dụng tổng hợp các hình thức phương pháp, đặc biệt phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức để quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên nhất là đảng viên giữ cương vị chủ trì; kết hợp chặt chẽ giữa việc tổ chức học tập tập trung với tự học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, coi “học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được qui định thành chế độ”, bởi vì “lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là biểu hiện của sự suy thoái”.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của tự phê bình và phê bình. Theo Người “Thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình” và phải “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình thì nhất định khuyết điểm sẽ hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”. Quán triệt tinh thần ấy, Đại hội IX của Đảng đó xác định “Tiếp tục đưa tự phê bình và phê bình trong các cấp uỷ và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thành nền nếp thường xuyên và theo định kỳ”.

Thông qua tự phê bình và phê bình để đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm lành mạnh hoá các mối quan hệ ở cơ quan, đơn vị. Trong tiến hành tự phê bình và phê bình các cấp uỷ, tổ chức đảng phải “Có biện pháp thiết thực khuyến khích tự phê bình, tự giác sửa chữa khuyết điểm. Xây dựng và thực hiện qui chế khuyến khích, biểu dương, bảo vệ người có tinh thần đấu tranh tố cáo những vi phạm”; phải gắn kết quả tự phê bình và phê bình với xem xét tư cách đảng viên, với phân loại, cất nhắc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, rút kinh nghiệm về tự phê bình và phê bình, xem xét sự chuyển biến về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên sau tự phê bình và phê bình, tránh làm qua loa chiếu lệ, hình thức chủ nghĩa. Chống những biểu hiện hữu khuynh không dám phê bình hoặc lợi dụng phê bình và tự phê bình để đả kích hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên.

Chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên của những yếu kém trong tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong quân đội hiện nay, là mảnh đất tốt để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch gieo mầm “phi chính trị hoá” quân đội. Chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ không được nóng vội chủ quan, phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp, phát huy sức mạnh của mọi tổ chức, mọi người.

Trước hết, cần thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là nâng cao chất lượng Ngày sinh hoạt văn hoá - chính trị tinh thần ở cơ sở, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống mọi biểu hiện của dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan vô chính phủ. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện qui chế làm việc của cấp uỷ, qui định rõ quyền hạn chế độ trách nhiệm theo hướng tăng quyền lực tập thể, tăng trách nhiệm cá nhân.

Thứ hai, tăng cường hướng dẫn kiểm tra thực hiện nghiêm qui định: những điều đảng viên không được làm và các qui chế, qui định về kinh tế tài chính, xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị của đơn vị và quân đội. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra của đảng, công tác thanh tra của chỉ huy và giám sát của quần chúng chiến sĩ, giúp cán bộ, đảng viên, giữ gìn phẩm chất người cộng sản trong điều kiện môi trường mới. Kiên quyết xử lý những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Những đảng viên vi phạm điều cấm, tham ô, tham nhũng, quan liêu, quân phiệt, thoái hoá biến chất sa đọa về đạo đức lối sống cần phải được xử lý nghiêm khắc, càng ở cương vị cao nếu vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm, kiên quyết “Không dùng hình thức xử lý nội bộ, kỷ luật hành chính, thay cho việc xử lý hình sự đối với người đó có đủ chứng cứ về hành vi phạm tội đến mức phải xử lý hình sự”.

Đó là những giải pháp cơ bản, chủ yếu có ý nghĩa quyết định việc nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên trong quân đội. Các giải pháp này phải được tiến hành đồng thời, kết hợp chặt chẽ với nhau, trong đó vai trò chủ quan của từng cán bộ, đảng viên giữ vị trí quyết định.

Công tác tư­ tu­ởng, lý luận của Đảng nói chung và trong quân đội nói riêng trư­ớc tình hình mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải đư­ợc đổi mới và kiện toàn cả về nội dung hình thức và ph­ương pháp tiến hành. Nhiệm vụ của công tác t­ư tư­ởng, lý luận trong quân đội rất nặng nề đòi hỏi phải tiếp tục phân tích đánh giá dự báo để định hư­ớng tư­ tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nâng cao hơn nữa tinh thần chiến đấu, chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch sai trái. Do vậy việc tiếp tục quán triệt nắm chắc mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác t­ư tư­ởng lý luận và phư­ơng hư­ớng yêu cầu nhiệm vụ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác t­ư tưởng lý luận trong quân đội nhằm kiên định với mục tiêu lý tư­ởng của Đảng, bảo vệ vững chắc trận địa tư­ tư­ởng góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền trong giai đoạn hiện nay./.

 

 

 

 

[4] 

PHẢI COI NHÂN TỐ CON NGƯỜI LÀ VẤN ĐỀ SỐ MỘT

Ngày 7 tháng 4 năm 1965, với bút danh Lê Nông, Bác Hồ viết bài “Chúng ta có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm/một hecta” đăng trên Báo Nhân Dân, để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này. Bác cũng khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa, nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học, kỹ thuật, thực hành cần, kiệm trong xây dựng và tự lực cánh sinh; chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí.

Tôn trọng và phát huy sức mạnh của nhân tố con người với tư cách là chủ thể sáng tạo của lịch sử luôn là bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta. Bác luôn coi trọng việc giáo dục về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn để giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng quân sự của Bác với triết lý “người trước, súng sau” đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt quan, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bên cạnh việc đầu tư mới vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn coi trọng và đặt lên hàng đầu việc xây dựng nhân tố con người, coi đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta./. 

KHẲNG ĐỊNH Ý NGHĨA TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG 30/4/1975

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng đã đập tan nền thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang và trọn vẹn nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên phát triển rực rỡ của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa, đồng thời đẩy tới quá trình khủng hoảng toàn diện của đế quốc Mỹ, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước. Quá trình tăng cường nền chuyên chính vô sản và thúc đẩy ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đã dẫn tới những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội, nhờ đó miền Bắc đã đứng vững qua hai cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của giặc Mỹ, đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức của trên một quy mô rộng lớn cho cách mạng miền Nam, cũng như đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính chất thời đại của cách mạng Việt Nam, những thắng lợi do Đảng ta tổ chức và cổ vũ, đã chứng minh đầy đủ rằng: Đảng ta, đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là một đảng Mác - Lênin vững mạnh, đã trải qua nhiều thử thách, có nhiều kinh nghiệm, xứng đáng là đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam anh hùng, và là một đội ngũ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế./. 

MỆNH LỆNH CHO NGÀY TOÀN THẮNG

Cách đây 49 năm, 9 giờ 30 sáng 7/4/1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Điện số 157-HÐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".

Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Mệnh lệnh lịch sử

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi lịch sử ấy bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng bất khuất của toàn quân, toàn dân, gắn liền với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong quá trình kháng chiến.

Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.

Một trong những mệnh lệnh đó do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975. Bức điện với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ” được coi là “kim chỉ nam” để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tuy nhiên, Mỹ - ngụy ra sức phá họai Hiệp định Paris, đẩy mạnh bình định lấn chiếm, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trước tình hình đó, tháng 3/1973, Quân ủy Trung ương đã họp và xác định: trong khi địch dùng biện pháp quân sự để đánh ta, ta cần kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, với pháp lý của Hiệp định Paris, từng bước chuyển sang tiến công chủ yếu bằng chính trị có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn, nhằm thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên thế có lợi cho ta.

Ngày 30/1/1974, Bộ Chính trị họp mở rộng, bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam.

Sáng 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng và nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ một ngày bằng 20 năm. Vì vậy Bộ Chính trị quyết định, nắm vững thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư, không thể chậm” (1).

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh và Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức, ngày 1/4, tôi gọi điện vào B2. Đúng như Bộ Chính trị nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Vấn đề quyết định là phải kịp nắm lấy thời cơ, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh vào Sài Gòn nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị một hai tháng. Vì vậy, bất ngờ hiện nay chủ yếu là khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động…”.

Trước thời khắc quyết định của dân tộc, cuộc tiến quân lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức của Đại tướng. Ngày 4/4, Đại tướng gửi điện cho cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 2 đang hành quân: “… Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (2).

Ngày 6/4, điện của Quân ủy Trung ương gửi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nêu rõ: “… Cần chú trọng coi công tác bảo đảm chi viện và bảo đảm cơ động lực lượng ta vào B2 là công tác trung tâm số 1. Vì vậy, cần có kế hoạch tổ chức thật tốt công tác này, nhất là bảo đảm việc hành quân của các đơn vị, binh khí kỹ thuật và các nhu cầu đạn dược theo đúng thời gian đã định” (3).

Bức điện lúc 22 giờ ngày 6/4 của Quân ủy Trung ương gửi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và Thường vụ Đảng ủy 559 nhấn mạnh: “… Yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Các đồng chí dùng mọi biện pháp tổ chức và đôn đốc các đơn vị hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp, hoàn thành xuất sắc chiến dịch chi viện thần tốc này” (4).

Ngày 7/4/1975, tại Tổng hành dinh Sở Chỉ huy chiến dịch - Nhà D67, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tự tay thảo bức điện 157/ĐK gửi các cánh quân:

"1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ" (5).

Bên dưới ký một chữ Văn.

Bức điện lập tức được giao ban cơ yếu mã hóa. Đồng chí Nguyễn Bá Líu - chiến sỹ báo vụ Lữ đoàn 25 là người trực tiếp được truyền tải bức điện đó tới chỉ huy các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam.

Chỉ với 40 từ, vô cùng ngắn gọn nhưng Bản Mệnh lệnh đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó: Đã thần tốc rồi, cần thần tốc hơn nữa! Đã táo bạo rồi cần táo bạn hơn!

Thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sỹ”.

Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sỹ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy.

Trong đêm 7/4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc; địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn.

Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19/4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.

Cũng trong ngày 14/4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Ngày 22/4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự, chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng.” Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30/4/1975.

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 1/5, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo. Đến ngày 1-5-1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng.

49 năm đã trôi qua kể từ đại thắng Mùa Xuân năm 1975, nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, đã tiến những bước dài trong công cuộc xây dựng đất nước. Song lời mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa …” của Đại tướng Võ nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào và quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đặc biệt, trong những ngày này, khi cả nước đang chung tay chống “giặc” COVID-19, mệnh lệnh thần tốc, tranh thủ từng giờ, từng phút cần được vận dụng để quyết định cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 29/3/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh lại tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta./.