Trong bối cảnh
toàn cầu hóa hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ kiên định trụ vững,
mà còn từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện cải
cách, đổi mới thắng lợi về mọi mặt và nâng cao vị thế quốc tế của mình. Con đường
cải cách và đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa đã đóng góp nhiều thành tựu về
lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa đã,
đang và sẽ là những chủ thể quốc tế quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự hình
thành trật tự thế giới mới sau “chiến tranh lạnh”.
Thành tựu cải cách
và đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua đã chứng tỏ sức sống
và khả năng tự đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội là rất mãnh liệt. Sự khai
phá, tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc, Việt Nam và một
số nước có một giá trị nhân đạo cao cả, đóng góp cả về mặt lý luận và thực tiễn
giúp các Đảng Cộng sản vững niềm tin trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội. Tại Hội thảo quốc tế "Phát triển và sáng tạo: chủ nghĩa xã hội
thế giới đầu thế kỷ XXI" được tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng
10-2004), học giả nhiều nước đánh giá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thông
qua kinh tế thị trường mà các nước xã hội chủ nghĩa đang tiến hành đã làm cho
các Đảng Cộng sản - công nhân và cả thế giới phải chú ý. Tỷ trọng các nước xã hội
chủ nghĩa hiện nay trong nền chính trị và kinh tế quốc tế đã vượt xa thời kỳ
Liên Xô đầu thế kỷ XX.
Trong bối cảnh toàn
cầu hóa hiện nay, những mâu thuẫn vốn có của xã hội tư bản càng trở nên sâu sắc
hơn. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất chiếm
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên gay gắt.
Toàn cầu hóa hiện nay không "san lấp" mà còn "đào sâu thêm hố
ngăn cách" giàu nghèo. Toàn cầu hóa đang làm nảy sinh những vấn đề toàn cầu
cấp bách, môi trường sống của con người đang bị phá hủy nghiêm trọng. Do đó,
trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước tư bản phát triển đã và đang xuất hiện
nhiều phong trào xã hội hoài nghi về sự “trường cửu” của chế độ tư bản và đấu
tranh nhằm khắc phục chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới bền vững.
Toàn cầu hóa hiện đang dẫn đến tình trạng cường quyền, hiếu chiến ngày
càng tăng của chủ nghĩa đế quốc. Lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố sau “sự kiện
11-9-2001”, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Áp-ga-ni-xtan (2001)
và I-rắc (2003). Năm 1999, Mỹ tiến hành can thiệp quân sự ở bất cứ nơi nào trên
thế giới mà Mỹ cho là ở đó có biểu hiện “vi phạm” dân chủ, nhân quyền. Cuối năm
2002 - Mỹ lại thông qua học thuyết “đánh đòn phủ đầu” đối với những lực lượng,
những quốc gia mà Mỹ coi là mối đe dọa đến lợi ích chiến lược của Mỹ. Hiện nay,
Mỹ "bật đèn xanh”, dung túng cho I-xra-en đàn áp phong trào giải phóng dân
tộc của người Pa-le-xtin, gây chiến tranh với Li-băng, đe dọa Xy-ri và I-ran...
làm cho tình hình Trung Đông càng thêm căng thẳng...
Những biểu hiện
trên càng làm cho nhân loại tiến bộ và trước hết là những người cộng sản nhận
rõ hơn bản chất thực của chủ nghĩa tư bản. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, các
trào lưu đấu tranh nhằm khắc phục chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới,
nhân văn, nhân đạo hơn đã xuất hiện ở nhiều nước. Hướng tới thời đại mới, xã hội
mới sau tư bản chủ nghĩa, theo nhận định của các học giả tham dự hội thảo nói
trên, là tiếng nói chung của các khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Phi và Mỹ
La-tinh. Các trào lưu nhân văn, khắc phục chủ nghĩa tư bản sẽ liên kết với nhau
tạo thành những biến động quyết liệt trong thế kỷ XXI. Điều này là cơ sở thúc đẩy
sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại tiến bộ trên thế giới
nói chung và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng.