Có thể nói rằng,
việc nhiều người dân cũng như dư luận xã hội quan tâm đến những đổi mới của
lĩnh vực giáo dục nói chung, chương trình cải cách giáo dục và sách giáo khoa
nói riêng, là điều bình thường, vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn
dân. Người dân lo toan đến giáo dục là lo toan đến vận mệnh đất nước. Thế
nhưng, cần tỉnh táo nhận diện, phân biệt đâu là những ý kiến thẳng thắn, tâm
huyết, trách nhiệm, vì lợi ích chung; đâu là ý kiến đội danh “phản biện” mà “biện”
thì ít, còn “phản” thì nhiều! Mặt khác, khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề giáo
dục rất cần có thái độ thận trọng, khách quan và cái nhìn biện chứng, khoa học.
Ví như khi nhận
định về tài liệu TV1-CNGD, không nên và cũng không thể chỉ lấy một phương pháp
đánh vần mới, không giống cách đánh vần truyền thống, rồi đưa ra hai thái cực,
hoặc là phủ nhận hoàn toàn, hoặc là ủng hộ tuyệt đối. Về vấn đề này, đại diện
lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định, tài liệu TV1-CNGD về cơ bản bảo đảm các
yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp tiểu học. Tài liệu này là một trong
những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn
Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình GDPT hiện hành, nhất là với học sinh
vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sẽ không mở rộng triển khai
chương trình để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới được
triển khai từ năm học 2019-2020.
Mặc dù cơ
quan chức năng đã thông tin chính thức như vậy, nhưng một số người coi việc
đánh vần “lạ” theo tài liệu TV1-CNGD như là cái cớ để “xới tung” một vấn đề
không mới, nhưng lại ẩn chứa những dụng ý chính trị cũ rích khi cho rằng, giáo
dục Việt Nam “rối rắm vì thiếu triết lý”, lại “không cải tiến được vì không có
làn gió mới, máu mới vào nền giáo dục”, rồi từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với sự nghiệp giáo dục, xuyên tạc bản chất của nền giáo dục cách mạng
Việt Nam đã được bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bền bỉ vun trồng,
bồi đắp suốt 73 năm qua.
Thực tế, nền
giáo dục Việt Nam luôn vận động theo sự phát triển của xã hội. Việt Nam đã tiến
hành ba lần cải cách giáo dục (các năm 1950, 1956, 1981) cho phù hợp với từng
thời kỳ lịch sử và đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Hiện nay,
sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số
29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đang được triển khai tích cực
với những bước đi, giải pháp phù hợp.
Theo đánh giá
của nhiều chuyên gia giáo dục, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng
từ năm 2013 đến nay, nhiều đổi mới trong ngành giáo dục có tín hiệu khả quan. Việc
triển khai chương trình GDPT mới đang đi đúng lộ trình. Theo kế hoạch đề ra đến
năm học 2019-2020, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai ở bậc tiểu học,
bắt đầu từ lớp 1. Đến nay, đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ. Một trong
những thành tựu của ngành giáo dục thời gian qua là chất lượng giáo dục mũi nhọn
tiếp tục được giữ vững, nổi bật là các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic
quốc tế hằng năm đều đoạt giải cao...
Theo báo cáo
được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15-3-2018, 7 trong số 10 hệ thống
giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó
sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung
Quốc. WB gọi Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới
giáo dục.
Nỗ lực vượt
qua thách thức, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục
Tất nhiên,
nói thế không có nghĩa là giáo dục Việt Nam chỉ có những thành tựu, mà cũng
đang phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt
Nam, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã nhận thấy những bất cập, hạn
chế của ngành giáo dục cần phải khắc phục, đó là: Chương trình học có môn còn
quá tải; phương pháp dạy học còn thiên về truyền thụ kiến thức nên chưa phát
huy được tính tích cực của người học; việc kiểm tra, thi cử còn nặng về điểm số
dẫn tới áp lực cho học sinh; giáo dục đại học chưa đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao cho đất nước…
Nhận thức sâu
sắc vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ
trương, chính sách nhằm từng bước khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực giáo dục,
tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuyển mạnh quá trình
giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm
chất người học; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông
giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD&ĐT; xây dựng nền giáo
dục mở, thực học, thực nghiệp; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn
hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống
GD&ĐT. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
và kỳ họp của Quốc hội đã góp ý, thảo luận sôi nổi về việc sửa đổi Luật Giáo dục
và Luật Giáo dục Đại học hiện hành để sớm thông qua vào kỳ họp gần nhất. Động
thái này của Quốc hội cũng không ngoài mục đích tạo ra “cú hích” mới, động lực
mới thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà trong thời gian tới.
Giáo dục liên
quan đến mọi người, mọi nhà và ảnh hưởng mật thiết đến sự ổn định, phát triển của
quốc gia. Do vậy, khi nhìn nhận, đánh giá về giáo dục rất cần phải được xem xét
toàn diện, thấu đáo ở mọi khía cạnh, đặt trong mối quan hệ giữa cái chung và
cái riêng, giữa những thành quả đổi mới đã đạt được và những sức ỳ, lực cản
trong lộ trình đổi mới cần phải khắc phục. Không nên lấy một vài cái sai đơn lẻ
trong hoạt động giáo dục hay những vấn đề đang còn tranh luận để phủ nhận những
nỗ lực đổi mới giáo dục cũng như những thành quả giáo dục của Việt Nam trong những
năm qua. Vì điều đó làm tổn thương đến tình cảm, niềm tin, tinh thần nhiệt huyết,
trách nhiệm cao cả của hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên và hàng vạn cán bộ
quản lý giáo dục đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.