Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Ý NGHĨA THỜI ĐẠI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA 1917 LÀ GÌ?

 

Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 như sau:

Một là, Cách mạng Tháng Mười mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Kể từ sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực ở nước Nga và sau đó ở hàng loạt nước trên thế giới, trở thành hệ thống đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa tư bản.

Hai là, Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành chính quyền giành độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Mười thành công, chủ nghĩa cộng sản từ lý luận đã trở thành hiện thực ở Nước Nga Xôviết. Lúc ấy, nhân dân thế giới mới biết chủ nghĩa cộng sản là thế nào, nước Nga tự do là thế nào và họ “ngồi mơ nước Nga”. Đó là niềm khát khao của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới; đồng thời cổ vũ họ trong cuộc đấu tranh xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ba là, Cách mạng Tháng Mười vạch ra con đường giải phóng cho các dân tộc và là mẫu mực về chiến lược và sách lược của giai cấp công nhân. Cách mạng Tháng Mười không những chỉ có giá trị trong những năm đầu của thế kỷ XX mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” [1]



2.       Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, H, 1980, tr. 461.

NỘI DUNG CHÍNH TRONG DIỄN BIẾN CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA 1917 NHƯ THẾ NÀO?

 

Ngày 10 tháng 10 năm 1917, V.I.Lênin triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương; ngày 16 tháng 10 lại triệu tập Hội nghị mở rộng. V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã phân tích tình hình trong nước, quốc tế, những điều kiện khó khăn, thuận lợi… để đi đến quyết định và thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang trong toàn nước Nga, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa được ấn định trong toàn quốc vào ngày 25 tháng 10 năm 1917, cùng ngày khai mạc của Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ II ở thành phố Pêtrôgrát. Nhưng do tình thế cách mạng nên khởi nghĩa nổ ra sớm hơn so với dự kiến ban đầu là 1 ngày.

Ngày 24 tháng 10 năm 1917, từ Điện Xmônưi, V.I.Lênin viết thư gửi các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương quyết định ngay tức khắc khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 24 tháng 10, các đại biểu của các đơn vị khởi nghĩa đã về Xmônưi nhận lệnh khởi nghĩa và khởi nghĩa đã diễn ra đúng như kế hoạch. Sáng 25 tháng 10, các địa bàn, vị trí quan trọng như ngân hàng, nhà ga xe lửa, bưu điện…v.v. ở Pêtrôgrát đã bị quân khởi nghĩa chiếm giữ.

Chiều 25 tháng 10, sào huyệt cuối cùng của Chính phủ lâm thời là Cung điện Mùa Đông đã bị chiến hạm Rạng Đông nổ pháo. Đêm 25 tháng 10, toàn bộ Chính phủ lâm thời bị bắt. Khởi nghĩa đã thắng lợi ở Pêtrôgrát.

Đúng 10 giờ đêm ngày 25 tháng 10, Đại hội II các Xôviết đã khai mạc ở điện Xmônưi. Thay mặt hơn 400 Xôviết toàn quốc, Đại hội đã tuyên bố: Toàn bộ chính quyền đã về tay các Xôviết; Đại hội ra lời hiệu triệu gửi công nhân, nông dân, binh lính và thông qua các Sắc lệnh về hòa bình, Sắc lệnh về ruộng đất, Sắc lệnh thành lập Chính phủ công nông do V.I.Lênin đứng đầu. Sau thắng lợi ở thủ đô, Cách mạng Tháng Mười tiếp tục giành thắng lợi ở các thành phố, khu công nghiệp và các vùng nông thôn xa xôi trên khắp nước Nga. Đầu tháng Hai năm 1918, cách mạng đã thắng lợi trên toàn quốc.

CÁCH MẠNG THÁNG HAI NĂM 1917 Ở NGA DIỄN RA TRONG BỐI CẢNH NHƯ THẾ NÀO?

 Một là, Sau cách mạng 1905 - 1907, đến năm 1916 sau 2 năm tham gia Thế chiến lần thứ Nhất, nền kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng, kiệt quệ. Nạn đói lan tràn từ nông thôn đến thành thị, nền độc lập bị đe dọa, phụ thuộc và có nguy cơ trở thành thuộc địa của nước Anh và Pháp. Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân, binh lính và các dân tộc bị Nga Hoàng áp bức phát triển mạnh hơn bao giờ hết đã vùng lên đòi lật đổ chế độ Nga Hoàng. Đến tháng 1 năm 1917, phong trào bãi công nổ ra rất rầm rộ nhất là ở thủ đô, dưới khẩu hiệu “bánh mì”, “đả đảo chiến tranh”, “đả đảo Nga Hoàng”.

Hai là, các cuộc bãi công chính trị của công nhân nổ ra liên tiếp, quy mô ngày càng lớn.  Ngày 18 tháng 2, một cuộc bãi công nổ ra ở Pêtơrôgrat trong nhà máy Pulitốp. Ngày 22 tháng 02, phần lớn công nhân ở các xí nghiệp lớn cũng bãi công. Ngày 23 tháng 02, theo lời kêu gọi của Ban Chấp hành Bônsêvích ở Pêtơrôgrat, các nữ công nhân đã biểu tình chống đói, chống chiến tranh và chế độ Nga Hoàng. Cuộc bãi công biến thành cuộc tổng biểu tình chính trị, chống chế độ Nga Hoàng.

Ngày 24 tháng 2 đã có 20 vạn công nhân bãi công. Ngày 25 tháng 2, bắt đầu cuộc tổng bãi công, biểu tình, công nhân đã tước vũ khí của cảnh sát để trang bị cho mình. Sáng ngày 26 tháng 2, bãi công chính trị và biểu tình bắt đầu biến thành khởi nghĩa. Ngày 26 tháng 2, Ủy ban khởi nghĩa ở Pêtơrôgrat đã ra bản tuyên ngôn kêu gọi tiếp tục đấu tranh vũ trang chống chế độ Nga Hoàng, lập ra chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày 27 tháng 2, binh lính Nga Hoàng ở Pêtơrôgrat không bắn vào người biểu tình mà chạy sang hàng ngũ cách mạng, chế độ Nga Hoàng sụp đổ, cách mạng giành được thắng lợi.

Các Xôviết đại biểu công nhân và binh lính được thành lập ngay trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa. Nhưng đứng đầu Xôviết ở Pêtơrôgrat và Mátxcơva và một số thành phố khác là bọn Mensêvích và xã hội cách mạng. Quần chúng chưa giác ngộ đầy đủ về chính trị, chưa có kinh nghiệm về tổ chức để nhận rõ bộ mặt và âm mưu thỏa hiệp của chúng. Ban lãnh đạo thỏa hiệp của Xôviết Pêtơrôgrat giao chính quyền cho giai cấp tư sản. Ngày 2 tháng 3, Chính phủ lâm thời được thành lập. Nhưng bên cạnh Chính phủ lâm thời tư sản còn có một chính phủ khác là Xôviết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính.

Ba là,  sau Cách mạng Tháng Hai, toàn bộ chính quyền chưa thuộc về tay giai cấp công nhân mà tồn tại song song hai chính quyền đó là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các Xôviết công, nông, binh. Mặt khác, những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng cũng chưa được giải quyết, ruộng đất vẫn nằm trong tay bọn địa chủ; nhà máy, công xưởng vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản

NỘI DUNG CƯƠNG LĨNH CỦA PHÁI TẢ DO V.I.LÊNIN VẠCH RA LÀ GÌ?

 

Hưởng ứng lợi kêu gọi của V.I.Lênin, những người xã hội chủ nghĩa ở các nước đã tổ chức hai hội nghị liên tiếp ở Dimmécvan (9/1915) và Kientan (4/1916) ở Thụy Sĩ. Sau hội nghị, phái tả Dimmécvan đã được thành lập, bao gồm Đảng Bônsêvích Nga, đại biểu của phái tả Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan. Thay mặt cho phái tả, V.I.Lênin vạch ra cương lĩnh gọi là Cương lĩnh của phái tả với nội dung:

- Biến chiến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng. Nghĩa là làm cho chính phủ nước mình thất bại trong chiến tranh đế quốc, không được bỏ phiếu cho chiến tranh, những người xã hội chủ nghĩa phải rút khỏi chính phủ tư sản.

- Đoạn tuyệt hoàn toàn với Quốc tế II, tiến tới thành lập Quốc tế Cộng sản. Nhưng đến cuối năm 1916, những người trong liên minh phái tả Dimmécvan (trừ Đảng Bônsêvích Nga) đã rơi vào lập trường hòa bình tư sản, kỳm hãm việc mở rộng phong trào cách mạng của giai cấp công nhân. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga kiên quyết tách khỏi phái này. Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương của Đảng tháng 4 năm 1917, V.I.Lênin cho rằng, không thể trông chờ vào lực lượng nào khác, đề nghị Đảng Bônsêvích Nga phải đảm nhiệm lấy sứ mệnh lịch sử đứng ra thành lập quốc tế mới - Quốc tế III.

V.I.LÊNIN ĐẤU TRANH VỚI TRÀO LƯU DÂN TÚY Ở NGA NHƯ THẾ NÀO?

 

Trào lưu dân túy ở Nga, một trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng tiểu tư sản ở Nga. Thời kỳ này, nó cản trở việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga. Bởi vậy, muốn đem chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân Nga và thành lập chính đảng mác xít cách mạng nhất thiết phải đập tan ảnh hưởng của trào lưu dân túy này.

Plêkhanốp và nhóm “giải phóng lao động Nga” đã làm việc đó, nhưng chỉ có cuộc đấu tranh của V.I.Lênin mới đập tan được chủ nghĩa dân túy. Các tác phẩm: “Những người bạn dân…” (1894), “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga” (1899), “Gửi nông dân nghèo” (1903) của V.I.Lênin đã giáng những đòn chí tử vào trào lưu dân túy.

V.I.Lênin tạm thời bắt tay với phái Mác xít hợp pháp để cùng chống dân túy nhưng về nguyên tắc vẫn kịch liệt phê phán phái Mác xít hợp pháp là cắt xén chủ nghĩa Mác, mưu toan làm cho chủ nghĩa Mác thích nghi với chủ nghĩa tư bản, xét lại chủ nghĩa Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chuyên chính vô sản.

V.I.Lênin gọi phái dân túy là kẻ thù công khai và phái Mác xít hợp pháp là kẻ thủ giấu mặt của phong trào cách mạng Nga. Về sau, phái Mác xít hợp pháp chuyển thành đảng của giai cấp tư sản tự do, hoàn toàn chống lại chủ nghĩa Mác.

NHẬN DIỆN TRÀO LƯU DÂN TÚY DỰA VÀO NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GÌ?

 

Để nhận diện trào lưu dân túy, cần phải dựa vào các đặc điểm sau đây:

Một là, tư tưởng theo đuổi những chính sách trước mắt được dân chúng ủng hộ trong đoản kỳ nhưng không bền vững như trong trường kỳ, thường là những chính sách xã hội, như những chính sách trợ giá hàng hóa, trả tiền lương hưu hậu hĩ hoặc miễn phí chăm sóc y tế, …

Hai là, một khuynh hướng chính trị lấy danh nghĩa “nhân dân” làm căn bản cho tính chính danh của chế độ, tuy nhiên nhiều quan điểm của chủ nghĩa dân túy không coi “nhân dân” là toàn bộ dân số mà thay vì đó chỉ một số nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc được coi là nhân dân “thực thụ”.

Ba là, một khuynh hướng chính trị sùng vai trò cá nhân, biểu hiện tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực, không phụ thuộc vào các thiết chế như đảng phái chính trị; Phát triển mối quan hệ trực tiếp, không qua trung gian với “nhân dân” mà tự xưng là người đại diện, hướng những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của người dân vào một hành động tức thời. 

TRÀO LƯU DÂN TÚY LÀ GÌ VÀ RA ĐỜI TỪ KHI NÀO?

 

Trào lưu dân túy được dùng để nói về trào lưu tư tưởng, đường hướng chính trị mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân tổ chức phong trào nhằm phục vụ mục đích chính trị của cá nhân và tổ chức chính trị.

Trào lưu dân túy xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm giữa thế kỷ XIX ở châu Âu. Sự kiện tháng 6 năm 1848 ở Pháp và tấn bi kịch Công xã Pari năm 1871, đã có ảnh hưởng quan trọng tới sự hình thành hệ tư tưởng của trào lưu dân túy. Ở Mỹ, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) được sử dụng rộng rãi từ những năm 1890, khi phong trào dân tuý thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống ở đô thị.

Ở Nga, thuật ngữ “dân túy”, được sử dụng để đề cập đến phong trào dân túy của Nga vào thế kỷ XIX, chủ yếu thức tự ghét bỏ tầng lớp mình đồng cảm với giai cấp nông dân, ấp ủ mộng ước xây dựng “công xã nông thôn” cho nông dân dựa trên tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Trào lưu dân túy có nguồn gốc xã hội từ cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, đòi ruộng đất, thủ tiêu các hình thức bóc lột của chế độ nông nô.

Bản chất của trào lưu dân túy là sự hỗn tạp những tư tưởng dân chủ nông thôn với những ước mơ xã hội chủ nghĩa, với hy vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản, một biến dạng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản, đó là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân.

. V.I.LÊNIN ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI TRONG QUỐC TẾ II NHƯ THẾ NÀO?

 

Sau khi Ph.Ăngghen chết (1895), cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng cách mạng và cơ hội trong Quốc tế II càng trở nên gay gắt. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác buộc phải dùng thủ đoạn mới giả danh là người mác xít để xét lại chống chủ nghĩa Mác. Trào lưu cơ hội chủ nghĩa mới xuất hiện, đại biểu của nó là Bécxtanh. Đồng thời với cuộc đấu tranh chống Bécxtanh, V.I.Lênin còn phải tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của Cauxki, một phần tử thuộc phái giữa âm mưu “ôm hôn” chủ nghĩa Mác để bóp chết chủ nghĩa Mác, trên đầu lưỡi thì ca ngợi chủ nghĩa Mác nhưng trong hành động thì hoàn toàn ngược lại.

V.I.Lênin đã đấu tranh không ngừng chống chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II. Các tác phẩm của Ông thời kỳ này đã góp phần quan trọng trước hết về mặt lý luận, đã giáng những đòn quyết liệt vào chủ nghĩa cơ hội, chỉ cho phong trào công nhân phương Tây con đường thoát ra khỏi chủ nghĩa cơ hội, tiến lên cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

V.I.Lênin đã đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Mác, thấy rõ vai trò lịch sử của giai cấp vô sản Nga. Người đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Nga đấu tranh chống lại chính quyền Nga Hoàng, là người đi tiên phong trong phong trào công nhân quốc tế.

Từ năm 1888, V.I.Lênin tham gia các tổ chức mácxít ở Cadan, Xamara, bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ănghen như: Tư bản, Sự khốn cùng của triết học, Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản…v.v.

Năm 1893, V.I.Lênin viết bài: “Những đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân”, bước đầu vận dụng các nguyên lý lý luận mác xít vào luận giải một vấn đề thực tiễn. V.I.Lênin tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác trong thanh niên trí thức, công nhân Nga ở Xamara, Pêtécbua. Năm 1895, V.I.Lênin hợp nhất các tổ chức mác xít của công nhân ở Pêtécbua thành “Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”; xác định nhiệm vụ của Hội là truyền bá chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân, thiết lập mối liên hệ với công nhân, lãnh đạo phong trào công nhân về mặt chính trị, tư tưởng; hướng cuộc đấu tranh của công nhân vào đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị.

Trong quá trình tiến tới thành lập đảng mác xít cách mạng, V.I.Lênin đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân Nga và đấu tranh chống các loại chủ nghĩa cơ hội ở Nga và Quốc tế II.

TẠI SAO NÓI, CÁCH MẠNG 1905 - 1907 ĐƯỢC COI LÀ CUỘC “TỔNG DIỄN TẬP” ĐẦU TIÊN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN NGA ĐẦU THẾ KỶ XX ?

 

Cuộc cách mạng 1905 - 1907 được coi là cuộc “tổng diễn tập” đầu tiên của giai cấp công nhân Nga, bởi vì:

Một là, lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp công nhân Nga làm cuộc cách mạng chống chế độ áp bức, bóc lột với tư cách là lực lượng chính trị độc lập, với số lượng tham gia đông đảo, quy mô rộng khắp.

 Ngày 9 tháng 1 năm 1905 bùng nổ cuộc cách mạng ở Pêtécbua, 140.000 công nhân kéo tới cung điện Mùa Đông biểu tình. Chiều 09 tháng 01 năm 1905 công nhân Nga bãi công để phản đối tội ác của Nga Hoàng và đưa ra các yêu sách chính trị, các cuộc biểu tình đều hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chế độ chuyên chế”; “Đả đảo Nga Hoàng”. Trong tháng Giêng, có tới 440.000 lượt người tham gia bãi công, biểu tình, nhiều hơn số người bãi công của 10 năm trước đó. Mùa thu năm 1905, cách mạng đã lan rộng khắp nước Nga với khí thế không gì ngăn cản nổi. Chính phủ Nga Hoàng, sau khi ký hòa ước với Nhật đã chuyển sang phản kích phong trào đấu tranh của công - nông - binh.

Hai là, giai cấp công nhân Nga được tôi luyện, thử thách trong đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang. Tháng 5 năm 1905, nhiều cuộc bãi công kinh tế chuyển sang đấu tranh chính trị, có nơi có vũ trang chống lại quân đội Nga Hoàng. Tháng 6 năm 1905, cuộc khởi nghĩa của binh lính Nga ở Hạm đội Hắc Hải nổ ra trên chiến hạm Pôchenkin, hưởng ứng cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nông dân. Đầu tháng 10 năm 1905, cuộc bãi công của công nhân xe lửa tuyến Mátxcơva - Cadan nổ ra và tiếp đó lan rộng ra toàn quốc thành bãi công chính trị với gần một triệu người tham gia.

Ba là, cách mạng 1905 - 1907 để lại nhiều bài học kinh nghiệm phong phú cho giai cấp công nhân nói chung, công nhân, lao động Nga nói riêng. Đó là bài học về việc nhận định đánh giá sức mạnh của kẻ thù, về tổ chức một trung tâm lãnh đạo thống nhất, về tổ chức lực lượng cách mạng, về xây dựng khối liên minh công - nông kết hợp với giác ngộ binh lính trong hàng ngũ kẻ thù. Nhờ đó cách mạng tháng 2 năm 1917 giành thắng lợi nhanh chóng và Cách mạng Tháng Mười giành thắng lợi triệt để.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ NƯỚC NGA CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX NHƯ THẾ NÀO?

 

Hoàn cảnh lịch sử nước Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được thể hiện trên các vấn đề cơ bản sau:

Về kinh tế, chủ nghĩa tư bản Nga chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và là một trong những đế quốc lớn, mạnh nhất thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX. Các ngành công nghiệp nặng luyện kimcơ khíhoá dầu,… phát triển với nhiều thành tựu. Năm 1913 sản lượng công nghiệp Nga chiếm 5,5% sản lượng công nghiệp thế giới, đứng thứ 5 thế giới. Tư bản độc quyền thao túng toàn bộ nền kinh tế Nga, mức độ tập trung công nghiệp rất cao.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng nhưng muộn màng của chủ nghĩa tư bản Nga vẫn không thể thay đổi một thực tế nước Nga là vẫn là một nước nông nghiệp với mối quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Tàn tích của chế độ nông nô vẫn còn tồn tại sâu rộng ở nước Nga; Địa chủ bóc lột nông dân nặng nề, tàn bạo. Trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, nạn mất mùa và đói kém xảy ra thường xuyên. Sau khi Nga tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), chiến tranh đã làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ.

Về chính trị, xã hội, Nước Nga là một nước quân chủ chuyên chế điển hình dưới sự cai trị của Nga Hoàng Nikolai II, Nga Hoàng quyết định một mình tất cả mọi công việc. Sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản độc quyền và những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa, sự kết hợp giữa hình thái kinh tế tiên tiến nhất và lạc hậu nhất đã làm cho nước Nga trở thành nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc: mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Nga với chế độ quân chủ chuyên chế của Nga Hoàng; mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân; mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản; mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các dân tộc trong đế quốc; mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các đế quốc khác.

Tình hình trên làm cho đế quốc Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, tạo nên tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành thắng lợi.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC TẾ II ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO?

 

Sự tồn tại và hoạt động của Quốc tế II có ý nghĩa như sau:

Một là, sự tồn tại và hoạt động của Quốc tế II ở giai đoạn đầu do Ph.Ăngghen lãnh đạo đã giúp cho các đảng dân chủ xã hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác; tạo ra những tổ chức công nhân có tính chất quần chúng rộng rãi, tập hợp, giáo dục họ để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành chính quyền.

Hai là, Quốc tế II đã tích cực đấu tranh phê phán các trào lưu cơ hội xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tạo điều kiện cho chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào công nhân và giữ địa vị thống trị trong các đảng dân chủ xã hội ở giai đoạn do Ph.Ăngghen lãnh đạo.

Ba là, Quốc tế II đã đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, góp phần thúc đẩy phong trào công nhân phát triển sâu rộng. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định, Quốc tế II có vị trí, vai trò rất quan trọng, nó đánh dấu một thời kỳ chuẩn bị cơ sở để cho phong trào lan rộng trong quần chúng ở nhiều nước.

NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN QUỐC TẾ II BỊ PHÁ SẢN ?

 

Quốc tế II phá sản xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:

 Một là, chủ nghĩa cơ hội xét lại làm phân hóa nội bộ giai cấp công nhân. Tình trạng “tư sản hoá” giai cấp công nhân, xuất hiện “tầng lớp công nhân quý tộc” do giai cấp tư sản sử dụng một phần nhỏ trong số lợi nhuận thu được để mua chuộc một số người thuộc tầng lớp trên của giai cấp vô sản, đảm bảo cho những người này trong thời bình có được một cuộc sống tiểu thị dân khá giả và bắt những thủ lĩnh của tầng lớp đó phục vụ cho chúng.

- Ba là, chủ nghĩa cơ hội xét lại “khoác áo mácxít, “hóa trang làm người mácxít”, “bọc đường chủ nghĩa cơ hội của mình bằng những câu chữ mácxít” nhưng chống lại những quan điểm mácxít trong Quốc tế II, tạo nên tính do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị trong phong trào đấu tranh của công nhân.

­- Bốn là, chủ nghĩa cơ hội xét lại đưa các vấn đề chính trị chung, trừu tượng lên hàng đầu, làm lu mờ các vấn đề, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng, đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích của Quốc tế II.

Phái hữu do Béctanh đứng đầu đã công khai lên tiếng đòi xét lại chủ nghĩa Mác; Cho rằng, dưới chế độ tư bản công nhân không những không bị bần cùng, mà còn được thường xuyên cải thiện điều kiện hành động cùng với giai cấp tư sản tự do, nhờ đó mà có thể thu được thắng lợi to lớn hơn trong các cuộc tuyển cử và hoạt động nghị viện; nhiệm vụ chính của giai cấp công nhân là hoạt động nghị trường, câu “tuyên ngôn” xét lại nổi tiếng của Bextanh là: “phong trào là tất cả, kết quả cuối cùng là con số không”.

Phái giữa do Cauxki là phần tử của chủ nghĩa cơ hội dùng thủ đoạn “ôm hôn” chủ nghĩa Mác để bóp chết chủ nghĩa Mác. Cauxky cho chuyên chính vô sản chỉ là vấn đề cỏn con mà C.Mác nhỡ miệng nói có vài lần, chứ không có gì quan trọng; việc thực hành chuyên chính là nhiệm vụ của tương lai chứ chưa đặt ra trực tiếp, để đánh lạc hướng mục đích cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đầu thế kỷ XX.

V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II, đóng góp quan trọng về lý luận thông qua các tác phẩm của mình, giáng những đòn quyết liệt vào chủ nghĩa cơ hội; chỉ cho phong trào công nhân con đường thoát ra khỏi chủ nghĩa cơ hội, tiến lên cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA QUỐC TẾ II BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG GÌ?

 

Hoạt động chủ yếu của Quốc tế II gồm những nội dung chủ yếu diễn ra qua hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất những năm 90 của Thế kỷ XIX

 Quốc tế II trải qua 3 kỳ Đại hội: Đại hội ở Brúcxen (Bỉ) năm 1891; Đại hội ở Duyrích (Thụy Sỹ) năm 1893; Đại hội ở Luân đôn (Anh) năm 1896. Nội dung hoạt động của Quốc tế II thể hiện trên những vấn đề cơ bản là:

Một là, đấu tranh với chủ nghĩa vô chính phủ, thông qua một nghị quyết đặc biệt nêu rõ, chỉ những tổ chức công nhân thừa nhận sự cần thiết của hoạt động chính trị, kể cả hoạt động nghị trường mới được tham gia Đại hội quốc tế.

Hai là, kiên quyết lên án chủ nghĩa quân phiệt và phản đối âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc. Vấn đề đấu tranh chia lại thuộc địa giữa các cường quốc luôn được đặt ra trên bàn hội nghị; các nước đế quốc đang ngấm ngầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh; các tổ chức liên minh quân sự lần lượt ra đời.

Ba là, xác định phương pháp, hình thức đấu tranh của Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nghị trường hợp pháp, nửa hợp pháp tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể và tương quan so sánh lực lượng; Song lấy đấu tranh chính trị và mục tiêu giành chính quyền là điều kiện tiên quyết. Để giành chính quyền thì việc tập hợp, giáo dục quần chúng là hết sức quan trọng vì sự nghiệp cách mạng là của quần chúng.

Giai đoạn từ năm 1896 đến năm 1914.

Sau khi Ph.Ăngghen mất (1895), Quốc tế II do Bécxtanh và Cauxki lãnh đạo từng bước rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại và phá sản.

- Về tư tưởng, Quốc tế II núp dưới ngọn cờ “tự do phê bình”, các phần tử cơ hội đòi xét lại toàn bộ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, như chuyên chính vô sản, cách mạng vô sản, liên minh giai cấp. Họ say sưa với đấu tranh nghị trường, hòa hợp giai cấp thực hiện khẩu hiệu “ Phong trào là tất cả, kết quả cuối cùng là con số không”.

- Về chính trị, Quốc tế II hoàn toàn trở thành tay sai cho chủ nghĩa đế quốc, bênh vực bao che cho hành động xâm lược của chủ nghĩa đế quốc dưới chiêu bài “khai hóa văn minh”, tán thành tăng ngân sách quân sự, quân sự hóa kinh tế, phát xít hóa bộ máy, tích cực chuẩn bị chiến tranh, kêu gọi giai cấp công nhân “bảo vệ tổ quốc” của giai cấp tư sản.

- Về tổ chức, Quốc tế II từng bước bị phân liệt thành phái tả, phái hữu và phái giữa, nội bộ mất đoàn kết, bè phái, chia rẽ. Có thể nói, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra thì Quốc tế II cũng hoàn toàn phá sản.

QUỐC TẾ II RA ĐỜI TRONG BỐI CẢNH PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO?

 

Sau khi Công xã Pari năm 1871 thất bại, chủ nghĩa tư bản phát triển trong điều kiện tương đối hoà bình đã chuyển dần thành chủ nghĩa đế quốc. Phương Tây lúc này những cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã cơ bản hoàn thành; Phương Đông cách mạng dân chủ tư sản chưa tới.

Phong trào công nhân thời kỳ này có bước phát triển mới về chất, số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân được tăng lên. Nhưng, đời sống vật chất, tinh thần của họ lại vô cùng cực khổ, tỷ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản.

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh, bãi công kinh tế trở thành một hình thức đấu tranh quan trọng của phong trào công nhân cùng với đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp là hình thức đấu tranh mới của phong trào công nhân thời kỳ này.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân tạo cơ sở xã hội cho sự hình thành, phát triển nhiều tổ chức công đoàn ở các nước với các quy mô từ cấp ngành, địa phương đến liên ngành, toàn quốc với tập trung, thống nhất cao. Sự phát triển công đoàn là một trong những nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự ra đời các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu, là cầu nối các mối liên hệ giữa đảng xã hội dân chủ với giai cấp công nhân.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và sự thâm nhập lý luận cách mạng chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân đã dẫn đến sự ra đời hàng loạt các đảng xã hội dân chủ.

Nắm bắt được yêu cầu của phong trào công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã đứng ra tổ chức thành lập Quốc tế II vào ngày 14 tháng 7 năm 1889 tại Hội trường Pêtơren ở Pari thủ đô của Pháp với 390 đại biểu của 20 nước tham dự, chủ yếu là các nước châu Âu, Mỹ và Achentina.

PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ TỪ SAU CÔNG XÃ PARI NĂM 1871 ĐẾN CUỐI NHỮNG NĂM 70 CỦA THẾ KỶ XIX DIỄN RA TRONG BỐI CẢNH NHƯ THẾ NÀO?

 

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ sau Công xã Pari năm 1871 đến cuối những năm 70 của thế kỷ XIX có những đặc điểm sau:

- Chủ nghĩa tư bản phát triển trong điều kiện tương đối hòa bình đã chuyển dần thành chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng dân chủ tư sản phương y đã cơ bản hoàn thành; Cách mạng dân chủ tư sản phương Đông chưa tới. Khoa học kỹ thuật và công nghiệp phát triển dẫn đến tình trạng kinh tế phát triển không đều, đảo lộn trật tự kinh tế thế giới, làm cho mâu thuân vốn có của chủ nghĩa tư bản ngày càng gay gắt, những mầm mống cho chiến tranh thế giới bắt đầu hình thành. Phong trào công nhân thời kỳ này có bước phát triển mới về chất: bãi công kinh tế trở thành một hình thức quan trọng, nét đặc trưng trong cuộc đấu tranh giai cấp của phong trào công nhân thời kỳ này. Đây là hình thức đấu tranh thường xuyên và đem lại cho giai cấp công nhân những thành quả nhất định về cải thiện chế độ tiền lương, thời gian lao động, điều kiện làm việc và đời sống sinh hoạt…

          - Đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp là hình thức đấu tranh mới của phong trào công nhân. Tiêu biểu là phong trào công nhân Đức, được công nhân ở các nước châu Âu noi theo. Từ đó, “người ta bắt đầu ngày càng hiểu rõ rằng cần phải xem xét lại sách lược cũ. Đâu đâu người ta cũng theo công nhân Đức trong việc lợi dụng quyền bầu cử, trong việc dành lấy tất cả những vị trí có thể giành được”[1].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 1, Nxb ST, H.1970, tr.148

NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN QUỐC TẾ ỦNG HỘ CÔNG XÃ PARI LÀ GÌ?

 

Công xã Pari luôn được sự ủng hộ của giai cấp công nhân quốc tế với các hoạt động cụ thể sau đây:

Đó là sự hoạt động tích cực, kịp thời của Tổng hội đồng quốc tế, nổi lên trong đó là vai trò của C.Mác và Ph.Ăngghen. Hai ông là người lãnh đạo Tổng hội đồng và là những người ủng hộ Công xã một cách nồng nhiệt nhất, có trách nhiệm nhất; giúp Công xã không chỉ giới hạn ở sự vận động mà còn đóng góp những ý kiến có liên quan đến sách lược lãnh đạo và các hoạt động quân sự; đã góp ý kiến về những chính sách kinh tế của Công xã, đặc biệt về những sách lược liên minh giữa giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. C.Mác đã đề nghị Công xã ra một sắc lệnh đặc biệt cho nông dân hoãn trả nợ cầm cố.

Phong trào công nhân ủng hộ, đoàn kết với giai cấp vô sản Pháp rất sôi nổi, mạnh mẽ và rộng khắp. Đi đầu là phong trào đoàn kết của công nhân Đức, sau đó đến công nhân Áo, Hung, công nhân Anh, Thụy Sĩ, công nhân các thành phố Bắc Mỹ và ở một số nước khác. Trong những ngày “tuần lễ đẫm máu” của Công xã, công nhân đã lợi dụng diễn đàn nghị viện để vạch trần sự tiếp tay bẩn thỉu của Bixmác cho chính phủ phản động Chie. Báo “Nhà nước nhân dân” - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội dân chủ, tuy bị phạt và tịch thu, nhưng khi nói về Công xã Pari vẫn dũng cảm trình bày những biện pháp của công nhân Đức bảo vệ chiến sĩ Công xã và vạch trần những luận điệu vu khống của giới báo chí phản động Đức. Mặc cho nhà cầm quyền đe dọa giải tán, đại hội thường kỳ của Đảng Xã hội dân chủ Đức vẫn bầy tỏ thái độ đoàn kết với Công xã.

Ở một số nước như Áo, Hung, Anh và cả các nước kể trên, công nhân đã có nhiều hình thức ủng hộ Công xã như mít tinh, biểu tình tưởng nhớ các chiến sĩ Công xã, đòi nhà cầm quyền của nước họ không giao nộp cho chính phủ Chie những chiến sĩ Công xã đang lánh nạn ở các nước. Đặc biệt, ở Thụy Sĩ công nhân đã in lời kêu gọi, lập đội võ trang dự định ủng hộ phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Nam nước Pháp. Công nhân ở một số nước đã biết kết hợp đưa yêu sách đấu tranh của mình gắn với nội dung đấu tranh bảo vệ sự nghiệp Công xã.

Nhiều chiến sĩ cách mạng của phong trào công nhân ở các nước đã trực tiếp cùng chiến đấu với giai cấp công nhân Pháp trong những ngày Pari sôi sục cách mạng, như Ba Lan, Hunggari, Nga … Phong trào quốc tế ủng hộ Công xã đã rất kịp thời và sâu rộng, không chỉ bằng tinh thần mà cả một phần xương máu của một số nhà cách mạng của các nước trực tiếp chiến đấu cùng Công xã. Trong đó, Tổng hội đồng quốc tế do C.Mác và Ph.Ăngghen lãnh đạo là trung tâm của sự đoàn kết, ủng hộ Công xã Pari.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÔNG XÃ PARI LÀ GÌ?

 

Công xã Pari năm 1871 của giai cấp công nhân Pháp đã giành thắng lợi chỉ trong vòng 72 ngày. Đây là lần đầu tiên giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị. Tuy thất bại, nhưng Công xã đã để lại cho giai cấp vô sản Pháp và thế giới những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý báu:

Bài học về sự cần thiết phải có sự lãnh đạo thống nhất của chính đảng cách mạng. Công xã Pari nổ ra tự phát, chưa có sự chuẩn bị một cách đầy đủ, chưa có cương lĩnh, chiến lược, sách lược cách mạng, chưa có mục đích rõ ràng, công việc diễn ra đến đâu thì làm đến đó, chưa có một chính đảng trực tiếp thống nhất lãnh đạo, cách mạng càng phát triển thì lại càng gặp phải khó khăn, bế tắc.

Bài học về thực hành chuyên chính vô sản. Đây là bài học nổi bật nhất của Công xã Pari. Công xã đã đem lại một kiểu mẫu nhà nước mới của giai cấp vô sản cả về thiết lập chuyên chính vô sản và cách thức tổ chức hoạt động của chính quyền cách mạng. Công xã Pari là một hình thức nhà nước sau cuộc cách mạng của giai cấp vô sản.

Bài học về kết hợp giải quyết nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp. Thực chất đây là bài học về giương cao hai ngọn cờ dân tộc và giai cấp, là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Hai nhiệm vụ đó hoàn toàn gắn bó chặt chẽ với nhau. Ở Công xã Pari, giai cấp vô sản đã cùng một lúc giải quyết hiệm vụ giải phóng dân tộc và nhiệm vụ giải phóng giai cấp.

Bài học về sử dụng bạo lực cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công. Đây là một vấn đề quan trọng về phương pháp cách mạng. Công xã chưa sử dụng triệt để bạo lực cách mạng, thiếu một tinh thần liên tục tiến công, thậm chí còn để cho tàn quân của Chie rút chạy khỏi Pari, tạo cơ hội cho chúng tập hợp tất cả những lực lượng phản động quay về tấn công lại Pari, tiến công vào Công xã và cuối cùng Công xã thất bại.

Bài học về liên minh công nông. Đây là vấn đề sống còn, vấn đề chiến lược của cách mạng vô sản. Đáng tiếc là Công xã đã không thực hiện được việc đó; đã thiếu mất sự phối hợp, sự ủng hộ của công nhân ở các thành phố khác, thiếu mối quan hệ liên minh trên thực tế với giai cấp nông dân.

TẠI SAO NÓI CÔNG XÃ PARI LÀ MỘT HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN?

 

Công xã Pari là một hình thức nhà nước đầu tiên của chuyên chính vô sản, điều đó được chứng minh qua các hoạt động, chính sách mang lại lợi ích cho nhân dân lao động:

Về chính trị: Sau khi cuộc chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng và phản cách mạng tạm thời kết thúc, Ủy ban Trung ương Đội cận vệ tuyên bố thả tất cả tù chính trị. Sắc lệnh đầu tiên là hủy bỏ quân đội thường trực, thay thế bằng việc vũ trang nhân dân, thủ tiêu lực lượng cảnh sát chính trị, giao lại nhiệm vụ này cho nhân dân. Công xã bãi bỏ các chức vụ quan lại của bộ máy chính quyền cũ, nêu lên nguyên tắc những người làm trong chính quyền mới đều phải do nhân dân bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước dân và nhân dân có quyền bãi miễn chức vụ của họ.

Công xã Pari đã tổ chức bầu cử Hội đồng Công xã - cơ quan quyền lực do nhân dân lao động bầu ra và vì lợi ích của đa số nhân dân. Hội đồng Công xã bao gồm cơ cấu nhiều thành phần nhưng về thực chất nó là một nhà nước vô sản. Lập ra Hội đồng Công xã và các ủy ban. Những việc làm trên một mặt nhằm xóa bỏ triệt để bộ máy nhà nước của chế độ xã hội cũ, mặt khác hướng tới xây dựng ở tất cả các cấp những cơ quan quản lý chính quyền mang tính chất hoàn toàn mới: tính chất vô sản và chuyên chính vô sản.

Về kinh tế: Công xã đã dành một phần hoạt động quan trọng nhằm ổn định, cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động; giải quyết việc làm cho người thất nghiệp; nâng lương cho người có mức lương thấp, nhất là giáo viên; chuyển những người công nhân, lao động đang sinh sống trong các túp lều chật hẹp, bẩn thỉu đến ở những ngôi nhà của bọn giàu có; chuyển giao các xí nghiệp không hoạt động, vắng chủ cho các hội hợp tác của công nhân quản lý, giảm bớt tiền lương các viên chức nhà nước; trợ cấp tiền cho những gia đình gặp khó khăn; cũng ấn định mức lương của các nhân viên nhà nước không vượt quá mức lương của người công nhân.

Về văn hóa - xã hội: Đời sống tinh thần của nhân dân thủ đô được bảo đảm. Các rạp hát, chiếu bóng, viện bảo tàng, cung văn hóa và các nhà triển lãm đều mở cửa. Công xã quyết định tách giáo hội, nhà thờ ra khỏi bộ máy nhà nước, hệ thống nhà trường và đề ra một chế độ giáo dục lành mạnh, khoa học, chân chính cho con em người lao động. Thay thế cho chế độ giáo dục trước đây nhồi sọ những tư tưởng tôn giáo thần bí của các thầy dòng, cha cố.

Về an ninh trật tự: Trong những ngày Pari thuộc Công xã, thủ đô trở nên an toàn, không còn những vụ cướp giật, tống tiền như trước đó. Đời sống sinh hoạt của nhân dân thủ đô được bảo đảm an ninh, các tệ nạn xã hội đều bị lên án, loại khỏi đời sống xã hội.

Toàn bộ hoạt động của Công xã đã phản ánh lợi ích của đa số nhân dân lao động Pháp, mang đậm nét tính chất một nhà nước mới, tiêu biểu trong lịch sử từ trước tới nay - nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử.

CÔNG XÃ PARI NĂM 1871 DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Dưới ách thống trị của nền Đế chế II, nhân dân lao động Pháp vô cùng cực khổ và đầy căm phẫn, mâu thuẫn giai cấp xã hội ngày càng tăng lên. Chính quyền Pháp đã gây ra chiến tranh với Phổ (19 tháng 7 năm 1870). Thủ đô Pari bị quân Phổ bao vây, Đế chế II tỏ ra bất lực, nhu nhược trong việc đấu tranh chống quân xâm lược Phổ. Sau khi Quốc hội và Chính phủ mới do Chie cầm đầu quỳ gối đầu hàng một cách nhục nhã kẻ xâm lược, thì đồng thời chúng lập tức chuyển sang tiến công các lực lượng cách mạng.

Ủy ban Trung ương của Đội cận vệ được thành lập đã ra lời kêu gọi không nộp vũ khí và không để chính phủ tước vũ khí do nhân dân trang bị cho các chiến sĩ cận vệ cách mạng. Lời kêu gọi đó được tất cả lính Cận vệ quốc gia và nhân dân Pari hưởng ứng. Rạng sáng ngày 18 tháng 3 năm 1871, theo kế hoạch của Chie, một đội quân chính phủ gần 6.000 người đã đến đồi Môngmáctơrơ để cướp đi 300 khẩu đại bác của lính Cận vệ. Lập tức, các chiến sĩ trong Đội cận vệ cùng nhân dân lao động xông lên đồi quyết giữ bằng được những khẩu súng do tiền của của nhân dân và công nhân Pari đóng góp.

Một bộ phận khá đông quân chính phủ đã đứng về phía cách mạng, không dùng vũ khí bắn vào nhân dân mà quay lại bắn vào những tên dẫn đầu cuộc cướp súng. Thừa cơ, Ban Chấp hành Trung ương Đội cận vệ quốc gia ra lệnh tiến quân vào trung tâm thủ đô Pari. Từ Môngmáctơrơ, từ Benlơvilơ và từ cả ngoại ô Xanhăng, toàn dân cùng các đơn vị Cận vệ và cả số quân chính phủ đã đứng về phía cách mạng, lập tức tiến đến trung tâm thủ đô. Quân cách mạng đã chiếm giữ những vị trí quan trọng như Tòa thị chính, nhà ga Oóclêăng và một số trại lính.

Vào 16 giờ ngày 18 tháng 3, khi nghe tin quân đội và nhân dân đã kết lại với nhau, cùng chung hành động cách mạng thì Chie hết sức hoảng hốt, lo sợ. Hắn đã ra lệnh rút tất cả quân lính còn lại ra khỏi thủ đô Pari và đưa cơ quan chính phủ về Vécxai để tránh những đòn sấm sét của lực lượng khởi nghĩa.

 Chiều 18 tháng 3, toàn bộ Pari về tay nhân dân. Những lá cờ đỏ cách mạng phấp phới tung bay trước Tòa thị chính và khắp các công sở của thủ đô Pari điểm giờ thắng lợi, chính quyền về tay Công xã và giai cấp công nhân Pari.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CÔNG XÃ PARI DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Đến năm 70 của thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Pháp đã cơ bản hoàn thành, làm cho sản xuất và vận tải đường sắt tăng, ngân hàng phát triển mạnh, kèm theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của thương nghiệp, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tất cả những điều kiện đó đã mang lại cho giai cấp tư sản Pháp những nguồn lợi to lớn. Bên cạnh nguồn lợi to lớn thu được của giai cấp tư sản thì ngược lại, giai cấp vô sản Pháp lại càng bị bóc lột tàn tệ, nặng nề. Tình hình trên làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản càng thêm gay gắt.

Giai cấp công nhân Pháp đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Quá trình đấu tranh chống giai cấp tư sản, họ đã dần ý thức được sự cần thiết phải thay đổi về căn bản chế độ chính trị đang tồn tại - nền Đế chế II và cũng đã có những khuynh hướng muốn thành lập các tổ chức bí mật. Phong trào công nhân còn mang nặng những tàn dư của chế độ lao động thủ công, ảnh hưởng tư tưởng của Pruđông và Bơlăngki. Việc Quốc tế I ra đời đã tác động tích cực, mạnh mẽ đối với phong trào công nhân.

Các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, đứng đứng trước nguy cơ bị phá sản buộc phải vay nặng lãi, bị chèn ép, kìm hãm và ngày càng bị lệ thuộc vào bọn chủ ngân hàng. Sự bất bình của họ đối với chế độ ngày càng tăng. Tầng lớp tư sản bị phá sản cũng tỏ rõ thái độ chống chính phủ đế chế và gia nhập Đảng Cộng hòa.

Các tầng lớp xã hội trước sức ép của chủ nghĩa tư bản đã vô cùng căm phẫn đối với chế độ của nền Đế chế II. Những cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công mang tính chất quần chúng rộng rãi liên tiếp nổ ra. Trong đó tầng lớp nông dân phản ánh nỗi bất bình ngày càng tăng lên vì những gánh nặng thuế khóa của nhà nước tư sản và sự bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ và bọn cho vay lãi.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến Công xã Pari năm 1871. Do bản chất phản động của Đế chế II, mâu thuẫn trong nước Pháp đã lên cao, cần đẩy mâu thuẫn ra ngoài, thông qua chiến tranh. Pháp đã gây chiến với Phổ, vì Phổ đang tranh giành thuộc địa và phản bội Pháp trong chiến tranh với Áo, có âm mưu thống nhất nước Đức bằng “sắt và máu”. Phổ cũng muốn diệt Đế chế II để chiếm thuộc địa và đánh tan trở lực thống nhất của Phổ mà Pháp muốn ngăn chặn.

Bixmác liên minh với Áo đánh Đan Mạch, sau đó tấn công luôn bạn đồng minh của mình. Để gạt bỏ nước Pháp, Bixmác âm mưu bày ra cái cớ để có thể đánh Pháp. Với việc đánh tráo bức thư của Vinhem I gửi cho Napôlêông III, có lời lẽ ngạo mạn, sỉ nhục, Bixmác đã khiến cho Napôlêông III tức giận tuyên chiến với Phổ. Lúc này, uy tín của vương triều Napôlêông III ở nước Pháp vốn đã sa sút lại càng làm tăng thêm tình trạng khủng hoảng toàn diện dẫn đến quần chúng đã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ Đế chế II để thiết lập nền Cộng hòa.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

TRÌNH BÀY NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA QUỐC TẾ I?

 

Trải qua thời gian 12 năm tồn tại và hoạt động (1864 – 1876), Quốc tế I đã để lại những giá trị to lớn, có ý nghĩa đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế:

Quốc tế I là tiền thân của Quốc tế Cộng sản và phong trào cộng sản thế giới, là tiền đề để sau này Quốc tế II ra đời. Quốc tế I đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trong điều kiện “khi giai cấp công nhân châu Âu đã lấy lại được đầy đủ sức lực” sau thất bại của cuộc cách mạng 1848-1849, để “mở một cuộc tấn công mới chống các giai cấp thống trị”. Sự ra đời và hoạt động tích cực của Quốc tế I đã để lại cho phong trào công nhân quốc tế một kho tàng kinh nghiệm quý báu về xây dựng một tổ chức công nhân quốc tế cả về tư tưởng và tổ chức mang tính chất công nhân rộng rãi.

Quốc tế I đã tiến hành thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân, xây dựng sự thống nhất giai cấp công nhân về tư tưởng và tổ chức trên phạm vi quốc tế. Sự liên hiệp bất diệt do Quốc tế I xây dựng được giữa những người vô sản ở tất cả các nước vẫn tồn tại và càng mạnh hơn bao giờ hết.

 Thông qua hoạt động của Quốc tế I, chủ nghĩa Mác bước đầu thâm nhập rộng rãi vào phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và các trào lưu đối lập, chủ nghĩa Mác, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân ngày càng phát triển sâu rộng. V.I.Lênin đã viết về vai trò lịch sử của Quốc tế I như sau: “Quốc tế I không thể bị lãng quên được, nó sống mãi trong lịch sử đấu tranh của công nhân nhằm tự giải phóng. Nó đã xây nền đắp móng cho lâu đài cộng hòa xã hội chủ nghĩa thế giới mà ngày nay chúng ta đang được vinh hạnh xây dựng” [1]



2.       V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 272.