Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG HIỆN NAY

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về công tác đấu tranh. Chúng ta cần tuyên truyền, quán triệt để tất cả mọi công dân Việt Nam đều có hiểu biết, nhận thức được vấn đề này, mà trước hết là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quán triệt sâu sắc phương hướng, triển khai cụ thể nhiệm vụ, xây dựng lực lượng đấu tranh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ phải nhận nhiệm vụ kép: vừa đấu tranh phản bác, vừa tuyên truyền, thuyết phục nhân dân.

Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về công tác đấu tranh. Đảng và Nhà nước phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu, phù hợp thực tiễn trên lĩnh vực tư tưởng. Hiện nay, nhìn chung pháp luật, cơ chế, chế tài cơ bản đã đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, đã tương đối đầy đủ và toàn diện. Đó là cơ sở thuận lợi cho công tác đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại, thù địch. Các “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Tội phản bội Tổ quốc”, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”… đã được Bộ Luật hình sự hiện hành quy định khá chi tiết. Các văn bản pháp quy liên quan như Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2017), Luật Xuất bản (năm 2012), Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)… và các Nghị định, Thông tư, Quy định, Quy tắc… của các cơ quan chức năng quy định khá đầy đủ, cụ thể. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nhất là đối với các cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí và mạng xã hội.

Thứ ba, xây dựng, phối hợp, phát triển lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đã có chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhưng lực lượng để thực thi nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn là hết sức quan trọng, là yếu tố bảo đảm thành công. Vì vậy, cần có sự phối hợp một cách đồng bộ cả theo chiều ngang và chiều dọc. Tức là các bộ, ban, ngành ở cấp Trung ương cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và cùng chỉ đạo, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền ở địa phương, và cả theo ngành dọc từ trên xuống. Có như vậy mới tạo được cơ chế thống nhất nhằm phát huy sức mạnh định hướng dư luận một cách đồng bộ. Trong đó, các cơ quan trực tiếp liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa như Ban Tuyên giáo, hệ thống trường Đảng, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, ngành văn hóa, thông tin, cơ quan xuất bản, cơ sở nghiên cứu, cơ quan công an, quân đội, cơ quan báo chí… các cấp cần có sự phân công lực lượng thường trực để thực hiện công tác đấu tranh. Cần bảo đảm điều kiện làm việc, có chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là đối với những vị trí kiêm nhiệm vai trò thường trực trong công tác này.

Thứ tư, bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ trong công tác đấu tranh. Các cơ quan chức năng liên quan cần bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ để thực hiện công tác đấu tranh một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin, Internet, các trang mạng xã hội,… có tầm phổ rộng trong toàn xã hội đối với người dân, thì vấn đề quản lý trong lĩnh vực này là hết sức khó khăn và phức tạp. Cần thực thi nghiêm các căn cứ pháp lý nhằm đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, nhất là trên môi trường mạng hiện nay. Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đủ mạnh, bảo đảm cơ sở vật chất để có thể thực thi, tác chiến, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa