Lịch sử của dân tộc
Việt Nam là lịch sử đấu tranh để tồn tại và phát triển. Trong đó, bản lĩnh vượt
khó, khả năng vượt nghịch cảnh là một giá trị của dân tộc ta, đã được minh
chứng và luôn phát huy vào những thời điểm thách thức, cam go nhất.
Năm 2022 được ghi dấu
là một năm đầy thử thách đối với dân tộc Việt Nam. Những tưởng khi dịch
Covid-19 dần được khống chế, đất nước bắt đầu mở cửa trở lại từ tháng 3 thì nút
thắt đã được tháo gỡ. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Biến động địa chính
trị trên thế giới đã tạo ra những đứt gãy trong quan hệ quốc tế, trong chuỗi
cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao, khủng hoảng giá năng lượng khiến kinh tế
thế giới nhìn chung rất chật vật. Việt Nam với vị thế là nền kinh tế có độ mở
hàng đầu thì cũng chịu rủi ro hàng đầu bởi các tác động bất lợi. Trong thế gian
nan ấy, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng với mức tăng trưởng năm 2022 là 8,02%,
cao nhất trong 12 năm qua và cũng cao nhất trong khu vực ASEAN. Lạm phát được
kìm giữ theo đúng mục tiêu đề ra, với chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,15%.
Trong khi thị trường xuất khẩu giảm cầu do lạm phát nhưng Việt Nam vẫn xuất
khẩu ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Xuất siêu là 11,2 tỷ
USD. Đời sống của người dân cơ bản được giữ ổn định.
Những thành công đó đã
thể hiện bản lĩnh vượt khó và trí tuệ của Việt Nam. Việc nhận thức đúng về thế
giới hiện nay đã được kết tinh thành trường phái “ngoại giao cây tre” rất đặc
trưng của Việt Nam, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, không chọn bên mà chỉ chọn
chính nghĩa, lẽ phải. Nhận thức đúng, ứng xử đúng trong quan hệ quốc tế đã tạo
ra động lực phát triển cho đất nước dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Hội nghị Trung ương 5
và Trung ương 6, khóa XIII của Đảng đã đưa ra các chủ trương lớn để tháo gỡ
những điểm nghẽn thể chế, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, là
minh chứng cho thấy các nghị quyết của Đảng luôn nắm bắt hơi thở của cuộc sống,
là tiền đề rất quan trọng cho giai đoạn phát triển sắp tới. Cùng với đó, Đảng
tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt,
không có vùng cấm, để gìn giữ môi trường chính trị-xã hội lành mạnh, giữ vững
niềm tin của nhân dân.
Trong bối cảnh cạnh
tranh chiến lược gay gắt, xung đột quân sự đã xảy ra trên thế giới, Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân đã thực hiện tốt chức năng tham mưu
chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; làm tốt công tác dự
báo, nắm chắc tình hình, từ đó đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với
các tình huống, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, không để bị động, bất
ngờ. Đây là điều rất căn bản để giữ được “trong ấm, ngoài êm”. Chất lượng tổng
hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội được nâng
cao. Cùng với đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ
với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương huy động, quản lý, sử dụng hiệu
quả các nguồn lực, phát huy tốt vai trò nòng cốt của Quân đội trong việc xây
dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Năm 2023 được dự báo
cạnh tranh chiến lược trên thế giới tiếp tục gay gắt và có những trạng thái
nguy hiểm. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Hoàn cảnh đó một lần nữa đặt dân tộc ta, đất nước ta trước những khó khăn,
thách thức mới. Tuy nhiên, các kết quả đã đạt được trong giai đoạn chống dịch
Covid-19, những kết quả của năm 2022 là cơ sở để chúng ta vững tin ở bản lĩnh
vượt khó của đất nước để đạt các mục tiêu đề ra. Muốn vậy, toàn thể dân tộc ta
cần giữ vững khối đại đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Mỗi tập thể, cá nhân
cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò, chức trách của mình.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tiếp tục nỗ lực giữ gìn ý thức, kỷ luật,
nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, học tập, công tác
để tăng cường sức mạnh tổng hợp của Quân đội, tiếp tục xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển
đất nước.
Theo: QĐND
người Việt Nam khó khăn nào cũng vượt qua
Trả lờiXóa