Độc lập là
lợi ích tối cao, bất khả xâm phạm của một dân tộc, một quốc gia. Khi bị mất
nước, mất độc lập dân tộc thì phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo đảm cho
quốc gia không bị thống trị hoặc lệ thuộc bởi một quốc gia khác. Khi đã có độc
lập dân tộc thì phải kiên quyết giữ vững quyền thiêng liêng đó bằng mọi cách.
Đó cũng là lẽ tự nhiên và trở thành quy luật đối với các quốc gia, dân tộc trên
thế giới. Vì vậy, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc
lập dân tộc không phải là một ngoại lệ.
Việt Nam có
vị trí địa chiến lược trong khu vực, nên trong lịch sử thường xuyên bị các thế
lực ngoại bang nhòm ngó, thôn tính xâm lược với các mục đích khác nhau. Vì thế,
lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước và nó đã trở thành
quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta. Những chiến công oanh liệt của cha
ông ta trong lịch sử cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về sự kết hợp của ý chí
kiên quyết với kiên trì đấu tranh đến cùng để giành và giữ vững độc lập cho dân
tộc. Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với ý chí “không có gì quý hơn độc
lập, tự do”, “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải
kiên quyết giành cho được độc lập”. Kiên quyết với ý chí sắt đá “thần tốc”,
“táo bạo” nhưng cũng kiên trì, kiên nhẫn, trường kỳ kháng chiến, không nóng
vội.
Trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, dân tộc ta đã, đang, sẽ thường phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta nên khó có thể giành thắng lợi nếu thiếu đi sự kiên quyết, kiên trì. Thực tiễn lịch sử cho thấy, có những cuộc chiến tranh giành độc lập diễn ra trong thời gian ngắn hoặc tương đối ngắn, nhưng cũng có cuộc chiến tranh kéo dài hoặc tương đối dài. Vì thế, phải luôn nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh, đó là điều kiện tiên quyết, điều kiện cần nhưng chưa đủ, mà còn phải kiên trì đấu tranh mới bảo vệ vững chắc được độc lập dân tộc.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa