Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM THÙ ĐỊCH, XUYÊN TẠC VỀ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đề cao vai trò của báo chí và tự do báo chí; thống nhất quan điểm và thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm quyền tự do báo chí. Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí có được kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) khi dân tộc ta giành lại được độc lập. Nhìn lại những ngày đầu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đãđấu tranh cho quyền tự do báo chí, chống lại sự ràng buộc tư tưởng trongchế độ thực dân phong kiến. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tố cáo chế độ thực đân: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”.

Sau khi đất nước độc lập, quyền tự do báo chí được hiến định, coi trọng, bảo đảm. Năm 1946, Quốc hội thông qua bản Hiếp pháp đầu tiên, Điều 10 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”(6). Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng(7). Các nghị định, thông tư và các văn bản dưới luật cũng được ban hành để thực thi quyền tự do báo chí của nhiều đối tượng trong từng hoàn cảnh một cách phù hợp. Xét về khía cạnh luật pháp, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin đã được thể chế hóa một cách toàn diện, đầy đủ, dễ thực hiện, đi vào thực tế cuộc sống.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, đã phát huy quyền tự do báo chí của nhân dân. Kể từ năm 1945 đến nay, Đảng ta đã nghiên cứu, đề xuất, thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển hệ thống báo chí Việt Nam, bên cạnh chú trọng các yếu tố về số lượng, chất lượng, chủng loại, Đảng ta quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo, tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiến tiến, bắt kịp với thời đại… nhằm giúp cho mọi người có thể tự do tiếp nhận các thông tin dễ dàng, nhà báo có đầy đủ điều kiện để tự do lao động sáng tạo.

Tính tới đầu năm 2021, cả nước có 142 tờ báo (Trung ương 68 tờ và địa phương 74 tờ), trong đó, báo có hoạt động điện tử là 112; có 612 tạp chí và 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình gồm: 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài địa phương và 05 đơn vị hoạt động truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có 41.000 người, trong đó 21.132 người đã được cấp thẻ nhà báo và 15.768 người thuộc khối phát thanh, truyền hình(8). Số liệu trên cho thấy, nền báo chí Việt Nam đang rất phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong tiếp nhận thông tin, tạo ra những diễn đàn bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mọi cá nhân trong xã hội. Nếu Việt Nam không có tự do báo chí thì không thể có sự phát triển phong phú về mọi mặt của nền báo chí nước nhà hiện nay.

Vai trò của báo chí ngày càng được nâng cao, vừa là công cụ để Đảng và Nhà nước điều hành, quản lý xã hội, vừa là phương tiện để mọi người dân thỏa mãn những nhu cầu về giải trí, văn hóa, nâng cao tri thức, làm cho con người có đủ thông tin, cơ sở để thấu hiểu lẫn nhau, thực hiện đoàn kết dân tộc. Báo chí cũng trở thành vũ khí để Đảng và nhân dân lên án, chống lại, xóa bỏ những tệ nạn, tiêu cực trong xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, những cá nhân, tổ chức tham nhũng, thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Đánh giá vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ quan trọng của báo chí là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

Không có tự do báo chí tuyệt đối, kể cả ở các nước tư bản, nơi tuyên truyền nhiều về tự do báo chí. Thứ tự do báo chí tuyệt đối mà các thế lực thù địch đang rêu rao chỉ tồn tại trong tưởng tượng, bởi thứ tự do được tạo ra sau khi giải phóng khỏi mọi kiểm soát của Nhà nước là thứ tự do ở trạng thái dã man của con người. Nếu nhìn nhận ở góc độ phát triển đi lên của một xã hội dân chủ, văn minh và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền với tiêu chí thượng tôn pháp luật thì bất kỳ nguyên tắc hoạt động nào của sự tự do thông tin đại chúng đều cần được điều tiết, kiểm soát. Điều này được thực hiện thông qua ban hành luật pháp, sẵn sàng gắn trách nhiệm sử dụng tự do ngôn luận với các phương tiện truyền thông đại chúng, tránh trường hợp lạm dụng tự do ngôn luận(11), từ đó mới định hướng cho nền báo chí có thể hoạt động một cách hiệu quả, chân chính, nhân văn.

Quan điểm cho rằng báo chí phương Tây rất tự do, không bị kiểm soát, giới hạn là sai lầm. Thực tế ở Mỹ, nền báo chí bị hạn chế bởi giới quân sự. Người dân Mỹ không được tiếp cận thông tin về tình trạng của người dân vô tội ở các nước Mỹ tấn công quân sự(12). Ở Pháp, trong bản “Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789” cũng xác nhận rằng bất kỳ công nhân nào cũng có quyền tự do nói hoặc viết theo ý mình, nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do đó theo quy định của pháp luật(13). Ở Anh, hầu hết các bài phát biểu hay bài đăng báo có nội dung công kích chủ quyền, chính phủ, Hiến pháp, kích động sự bất bình trong xã hội đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Quan điểm nền báo chí phương Tây cho phép ai cũng có quyền mở kênh thông tin của mình là sai thực tế vì gần như chỉ có những người có tiền và quyền lực mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động đó. Như vậy, trạng thái thông tin và những định hướng dư luận của báo chí phương Tây luôn phụ thuộc vào tầng lớp người giàu và người có quyền lực, trong khi những người này mở các kênh báo chí chủ yếu để thu lợi nhuận. Rõ ràng, báo chí phương Tây không ở trong tay người dân, không được chia đều cho tất cả cá nhân trong xã hội mà bị kìm kẹp bởi những cá nhân, tổ chức có tiềm lực về tài chính cũng như chính trị(14).

Những quan niệm về tự do báo chí tư sản cũng không phù hợp để sử dụng trong thời đại mà hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đều có sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề, hiện tượng, tình huống trong cuộc sống diễn ra theo nhiều cách không thể kiểm soát, vượt khỏi tầm suy nghĩ, tính toán, ước lượng của bất kỳ chính quyền nào.

Đề cao tự do báo chí, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đất nước đang trên đà phát triển về mọi mặt, vai trò của tự do báo chí càng cần được đề cao. Tự do báo chí là cơ sở quan trọng để con người chủ động tiếp cận và tích lũy tri thức, phát huy ý chí, khát vọng, khơi dậy tinh thần, trí tuệ của bản thân và cộng đồng nhằm phát triển cá nhân, đất nước. Tự do báo chí cũng là biện pháp chủ yếu để người dân sử dụng quyền lực của Nhà nước, thông qua phản ánh, giám sát, phản biện đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của bản thân hoặc những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội và những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.

Cùng với đề cao tự do báo chí, Đảng và Nhà nước ta tăng cường quản lý, giám sát đối với các cơ quan báo chí, bảo đảm cho nền báo chí đi đúng hướng, phục vụ chân lý, lý tưởng XHCN, lợi ích của nhân dân. Chỉ khi báo chí được lãnh đạo bởi một Đảng được trang bị hệ thống lý luận cách mạng và khoa học thì hoạt động báo chí mới bảo đảm được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đa số nhân dân, đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đồng thời yêu cầu thông tin chính xác, trung thực; phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước, dân tộc phù hợp với văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét