Trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch trong và ngoài
nước tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở
nước ta. Trong đó, tự do ngôn luận, tự do báo chí đang là một mục tiêu xuyên
tạc, bôi nhọ. Mới đây, trên trang “Rfavietnam”, Đài RFA đăng bài “Nhiều tổ chức
XHDS kêu gọi Quốc hội Châu Âu gây sức ép mạnh hơn lên Việt Nam về vấn đề nhân
quyền” và cho rằng: “Nhà nước độc đảng ở Việt Nam đã vi phạm các quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, và quyền người lao động”. Nội dung của bài viết là
những luận điệu sai trái, thiếu thiện chí, cố tình đưa ra những nhận định,
đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo
chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta
trên trường quốc tế.
Như chúng ta đã biết, tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con
người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quan điểm xuyên
suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Với quan điểm đề cao vai trò của báo chí
là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, để nhân
dân trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Thông qua đó báo
chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, đề xuất những ý kiến tâm huyết đối
với Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận trong quá trình xây dựng, thực thi đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an
toàn xã hội.
Thực hiện quan điểm đó, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm xây
dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do thông tin. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin
đã được Hiến pháp (năm 2013), Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin
(năm 2016), Luật An ninh mạng năm 2018 quy định trách nhiệm của Nhà nước: tạo
điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận;
bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực
hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ,
kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. Việt Nam được đánh giá là quốc gia
có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ sáu
trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Pháp luật Việt Nam cũng
như nhiều quốc gia trên thế giới chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo
lực, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và bài kích
chống đối chế độ. Đó là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo
chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo cho rằng “Tự do báo chí ở Việt Nam
ngày càng suy giảm”.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam quyền tự do ngôn luận, bảo đảm
nguyên tắc báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được pháp
luật bảo hộ; nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do
ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức và công dân. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm
công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người
vô tội, cũng không bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam đã tập trung xử lý các đối tượng lợi
dụng phương tiện này để phục vụ cho mưu đồ chống phá, vi phạm quyền và lợi ích
của Nhà nước và công dân theo pháp luật Việt Nam, điều này hoàn toàn phù hợp
với luật pháp quốc tế. Thực tế đó là minh chứng vạch trần sự phiến diện, xuyên
tạc về “Việt Nam gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận” và “Tự do báo chí ở
Việt Nam ngày càng suy giảm”.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí đối với các chế độ xã hội và nhà nước là một điều kiện bảo đảm quyền con người. Hơn thế nữa còn là một điều kiện quan trọng để phát triển xã hội trên các mặt, từ tư tưởng, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân Việt Nam đã được hiến định bảo đảm bằng một hệ thống pháp luật minh bạch. Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét