Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

FRIEDRICH ENGELS VỚI DỰ BÁO THIÊN TÀI VỀ VẤN ĐỀ QUỐC TẾ HÓA ĐỜI SỐNG MỌI MẶT CỦA XÃ HỘI

Friedrich Engels sinh ngày 28-11-1820 ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (nay là nước Đức), trong một gia đình chủ xưởng dệt.

Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học nổi tiếng thế kỷ 19. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Engels gắn liền và trở thành sự nghiệp chung với Karl Marx, nhưng ông chỉ tự nhận mình là “một cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Marx”.

Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Engels đã để lại cho nhân loại một kho tàng lý luận về chiến lược và sách lược đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới. Đồng thời, ông còn để lại những di sản tư tưởng, lý luận về khoa học dự báo mang tính “vạch thời đại”, trong đó có dự báo vấn đề quốc tế hóa đời sống mọi mặt của xã hội, mà dấu ấn sâu sắc ngày nay đó là quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sinh thời, Engels đã cùng với Marx dày công nghiên cứu thực tiễn xã hội tư bản, tổng kết lý luận, hợp sức viết và công bố các tác phẩm lý luận nổi tiếng như: “Gia đình thần thánh”, “Hệ tư tưởng Đức”, “Chống Duhring”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”... Những tác phẩm đó đã góp phần quan trọng tạo nên bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng nhân loại với việc xây dựng và phát triển một thế giới quan triết học mới: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848), mà dấu ấn của Engels “không thể phai mờ”, có nội dung nêu rõ: “Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi. Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”. Tuy các nhà kinh điển mác-xít chưa trực tiếp sử dụng khái niệm “quốc tế hóa” mà sử dụng thuật ngữ “mang tính chất thế giới” nhưng vấn đề này được các ông luận giải thấu đáo và sâu sắc trên quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, đó là: Khi con người, công cụ sản xuất và tổng thể các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất phát triển vượt quá ranh giới của một quốc gia-dân tộc, chính là lúc xuất hiện nhu cầu xã hội hóa mọi mặt đời sống xã hội. Đến một mức độ nhất định, xã hội hóa trở thành xu thế khách quan, thành tiền đề, điều kiện để lực lượng sản xuất phát triển. “Đại công nghiệp tạo ra thị trường toàn thế giới”, cho nên xã hội hóa là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, không phải chỉ riêng có ở chủ nghĩa tư bản.

Theo tư tưởng của Engels, khi vấn đề kinh tế (rộng hơn là sản xuất vật chất) đã được quốc tế hóa thì tất yếu dẫn đến xu hướng quốc tế hóa các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; đồng thời làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài những xu hướng quốc tế hóa mang tính tất yếu, khách quan đó. Trong xu hướng quốc tế hóa của nhân loại, Engels luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển xã hội, được chứng minh bằng luận điểm nổi tiếng: “... trong một hệ thống những quốc gia độc lập, quan hệ với nhau trên một cơ sở bình đẳng và ở vào một trình độ phát triển tư sản xấp xỉ ngang nhau, cho nên lẽ dĩ nhiên là yêu sách về bình đẳng phải mang một tính chất chung, vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia riêng biệt, là tự do và bình đẳng phải được tuyên bố là những quyền của con người”. Như vậy, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các màu da, chủng tộc gắn với tự do của con người và không chỉ dừng lại ở một quốc gia mà mang tính quốc tế, tính nhân loại, tính phổ biến, là một trong những quyền cơ bản của con người, của các dân tộc trên thế giới.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ với những đột phá lớn. Từ “kinh tế tri thức” đến “kinh tế số”, “xã hội số” đang trở thành cái đích mà nhiều quốc gia-dân tộc trên thế giới phải đến, đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đời sống mọi mặt của xã hội, làm tăng mối liên kết, hợp tác và phát triển giữa các nước. Đó chính là hệ quả tất yếu của sự phát triển lực lượng sản xuất và xã hội hóa sản xuất trên phạm vi toàn thế giới, điều mà Engels đã tiên đoán.

Việt Nam là một bộ phận không tách rời trong cộng đồng thế giới, cho nên tất yếu phải hội nhập vào xu thế quốc tế hóa đời sống mọi mặt của xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế-bước phát triển cao của quốc tế hóa-đã, đang và tiếp tục trở thành xu thế chung của toàn nhân loại hiện nay.

Vì vậy, trên cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, việc “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” ở nước ta cần thấu triệt quan điểm lấy hội nhập kinh tế làm nền tảng để bảo đảm tồn tại bền vững của hội nhập trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Sau hơn 35 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vì vậy, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, lý luận của Engels về quốc tế hóa đời sống mọi mặt của xã hội vào công cuộc “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” ở nước ta hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

1 nhận xét: