Nguyên tắc tổ chức, sinh
hoạt Đảng, quy chế làm việc là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối
với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng cũng như với từng cán bộ, đảng viên. Bởi vô nguyên
tắc, vi phạm quy chế làm việc là một bước rất ngắn dẫn tới vi phạm kỷ luật Đảng,
vi phạm pháp luật.
Điều lệ Đảng quy định: “Đảng
là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ
làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,
thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự
phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng,
gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật”.
Trong khi đó, quy chế làm
việc là sự cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, của Bộ Chính
trị, Ban Bí thư thành chế độ vận hành điều chỉnh hoạt động của cấp ủy, tổ chức
Đảng và việc làm của cán bộ, đảng viên. Do đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện
quy chế làm việc có quan hệ mật thiết với việc tuân thủ các nguyên tắc Đảng; là
“hệ tuần hoàn” không thể tách rời nhau.
Đối với mỗi tổ chức Đảng
hay cán bộ, đảng viên, việc tuân thủ nguyên tắc, thực hiện đúng quy chế làm việc
là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, tổ chức Đảng thực hiện tốt nguyên tắc Đảng,
ban hành quy chế làm việc chặt chẽ, tổ chức thực hiện hiệu quả đều là những tập
thể mạnh. Ngược lại, những nơi vi phạm nguyên tắc, không làm đúng quy chế làm
việc thường dẫn tới những khuyết điểm, sai phạm...
Tìm hiểu từ những trường
hợp sai phạm bị cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy kỷ luật thì gần như 100% đều vi
phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm quy chế làm việc. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 22
vừa diễn ra đầu tháng 11-2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm
tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Công
nghiệp Tàu thủy. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: “Ban Thường vụ
Đảng ủy Tổng công ty các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập
trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra,
giám sát...”.
Trước đó, theo thống kê
trong hơn 110 cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật thời gian qua đều
ghi nhận những mức độ vi phạm nguyên tắc Đảng và vi phạm quy chế làm việc khác
nhau, như: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn tới chuyên quyền, độc đoán;
vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình dẫn đến không kịp thời nhận ra sai
sót, để sai sót nhỏ thành sai sót lớn; vi phạm nguyên tắc đoàn kết làm nảy sinh
thói kèn cựa, cục bộ, địa phương, chia bè, kết cánh; vi phạm nguyên tắc gắn bó
mật thiết với nhân dân dẫn đến quan liêu, xa rời quần chúng, phiền hà, sách nhiễu...
Trong phát biểu kết luận
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận,
không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng là
một trong những biểu hiện nguy hiểm dẫn đến suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển
hóa trong nội bộ.
Để các nguyên tắc Đảng,
quy chế làm việc phát huy đúng vai trò, vị trí, góp phần xây dựng Đảng ngày
càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đòi
hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là đội
ngũ cán bộ chủ chốt.
Nhiệm vụ, giải pháp quan
trọng hàng đầu và phải làm trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, sự cần thiết của các nguyên tắc Đảng
và quy chế làm việc. Thực tế, không ít trường hợp khi sai phạm xảy ra ở chi bộ,
đảng bộ cơ sở thì mới phát hiện là cấp ủy, cán bộ lãnh đạo không nắm rõ các
nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, lúng túng trong triển khai thực hiện, thậm
chí có tâm lý coi thường; có nơi không kịp thời xây dựng quy chế làm việc, quy
chế làm việc không đúng với quy định chung; không bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện
quy chế phù hợp với điều kiện mới...
Do đó, để tránh vi phạm
hoặc không biết để thực hiện, cấp ủy cấp trên, đặc biệt là bộ phận chuyên trách
công tác Đảng phải có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, cụ thể cho cấp dưới về nhiệm
vụ tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; đẩy
mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên
trong thực hiện nhiệm vụ trên. Việc này cần thiết phải làm từ sớm và thường
xuyên hơn.
Tại Đảng bộ thành phố Hà
Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XVII, Ban Thường vụ Thành ủy và nhiều cấp ủy Đảng
trực thuộc đã tiến hành giám sát, kiểm tra cấp ủy cấp dưới về việc xây dựng quy
chế làm việc. Trong khi, nhiều cấp ủy Đảng thành phố tổ chức tập huấn nâng cao
nghiệp vụ công tác Đảng cho các bí thư chi bộ, cán bộ chủ chốt, trong đó có
nghiệp vụ về xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác... Đây
là những giải pháp rất hiệu quả, tích cực, cần được quan tâm, nhân rộng.
Đối với cấp ủy, tổ chức Đảng
cần xác định rõ, thực hiện tốt các nguyên tắc Đảng, cụ thể là 5 nguyên tắc được
nêu trong Điều lệ Đảng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các nguyên tắc phải được cụ
thể hóa vào quy chế làm việc. Quá trình xây dựng phải bám sát Điều lệ Đảng, các
quy định, hướng dẫn của cấp trên; bảo đảm quy chế làm việc là sản phẩm của trí
tuệ tập thể, hội tụ tinh thần đoàn kết, thống nhất, toát lên các nguyên tắc của
Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Quy chế làm việc đã ban hành
phải bảo đảm tính khả thi, phân công rõ người, rõ việc. Quá trình thực hiện phải
thường xuyên quan tâm đánh giá, để kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù
hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tuyệt đối không để vì chậm sửa đổi,
bổ sung quy chế làm việc mà ảnh hưởng đến hoạt động, làm giảm sút vai trò lãnh
đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Xét cho cùng, trong bất kỳ trường hợp nào, cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhất định phải “giữ nguyên tắc, đúng quy chế”.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa