Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

VÌ SAO Ở VIỆT NAM CHỈ CÓ MỘT ĐẢNG LÃNH ĐẠO?

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta từ những năm 30 của thế kỷ XX. Để sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có một số ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo: Vì sao ở Việt Nam chỉ có một Đảng lãnh đạo? Một Đảng lãnh đạo có đảm bảo dân chủ không? Làm thế nào để thực hiện tốt dân chủ trong điều kiện một Đảng lãnh đạo?

Đó là chưa kể đến những phần tử cơ hội về chính trị và bọn thù địch bên ngoài cố ý vu cáo, xuyên tạc, muốn hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng: chế độ một Đảng lãnh đạo là “độc đoán”, “chuyên quyền”, mất dân chủ và là nguyên nhân gây ra những bất công trong xã hội… Từ đó xuất hiện một số luận điệu hoài nghi, muốn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Vì vậy, làm rõ cơ sở khoa học của vấn đề này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Để nhận thức đúng đắn vấn đề này cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Thứ nhất, sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi của lịch sử và cũng là kết quả đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Như đã biết, đảng là tổ chức chính trị của một giai cấp hoặc một tầng lớp, bao gồm những phần tử tích cực nhất và đại diện cho lợi ích của giai cấp hoặc tầng lớp đó. Khi xã hội xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp thì sự xuất hiện và tồn tại của các đảng phái là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan, là sự phản ánh cuộc đấu tranh giữa các giai cấp. V.I.Lênin viết: “Cuộc đấu tranh của các chính đảng là biểu hiện hoàn chỉnh, đầy đủ và rõ rệt nhất cuộc đấu tranh chính trị của các giai cấp”[1]. Theo đó, Đảng cộng sản ra đời là tất yếu khách quan, là đòi hỏi của cuộc đấu tranh giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản, là sản phẩm của phong trào công nhân. Hình thức và tên gọi có thể khác nhau tùy theo đặc điểm hoàn cảnh của mỗi nước nhưng thực chất chỉ là một: Đảng cộng sản là đội tiên phong và lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng được vũ trang bằng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và gắn bó chặt chẽ với nhân dân lao động.

Nhìn lại chặng đường lịch sử Việt Nam, vào những năm đầu của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi trên khắp cả nước, song do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân, bãi công của công nhân… đều bị đàn áp và dìm trong biển máu. Các lãnh tụ, các chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học… đều cam chịu thất bại bởi vì con đường đấu tranh của họ không thật sự đúng đắn, khoa học.

Với lòng yêu nước cháy bỏng và một nhãn quan chính trị tuyệt vời, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ những điểm hạn chế của các bậc tiền bối và Người đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Nguyễn Ái Quốc đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin, học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 do Đảng Bônsêvích Nga và V.I.Lênin lãnh đạo. Từ đó, Người đi đến khẳng định: cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải theo con đường cách mạng vô sản Nga. Đây là con đường duy nhất đúng và đem lại thắng lợi triệt để cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp và dân tộc.

Trên cơ sở tiếp thu những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm mọi cách để truyền bá về nước. Với những cố gắng không biết mệt mỏi, vào ngày 03/02/1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở nước ta đã đánh dấu bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị đúng đắn, nhân dân đã ủng hộ và tin theo Đảng. Tất cả các giai cấp, các tầng lớp lao động và những người yêu nước trong các tầng lớp xã hội khác đã đi theo ngọn cờ của Đảng, đứng lên đấu tranh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng hoàn toàn đất nước và đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội - một xã hội khác hẳn với các xã hội trước đó, thực sự đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn thể nhân dân lao động.

Để được nhân dân thừa nhận là người lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối, Đảng ta đã trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy thử thách hy sinh. Hàng chục vạn người con ưu tú của Đảng của Đảng và dân tộc đã ngã xuống; rất nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng đã phải lên máy chém, ra trường bắn, chấp nhận hy sinh. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có những lúc, có những việc Đảng phạm sai lầm khuyết điểm, nhưng do biết kịp thời công khai thừa nhận và quyết tâm sửa chữa nên Đảng vẫn được nhân dân tin cậy. Thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng minh, cho đến nay chưa ai bác bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; và cũng chưa có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Có chăng, chỉ có bọn đến quốc và bọn phản động đang tìm mọi cách vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, hòng hạ thấp uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng. Và chỉ có những ai điên rồ mới tự mình phủ nhận những thành quả đã đạt được, đi tìm một lực lượng lãnh đạo khác hoặc cố tạo ra những đảng đối lập, chia rẽ Đảng, phân ly Đảng ra làm năm bè bẩy mối để rồi ngộ nhân đó là sự tự do dân chủ. Nếu trong Đảng còn thiếu dân chủ thì tìm mọi biện pháp phát huy dân chủ; nếu có hiện tượng gia trưởng, độc đoán thì tích cực đấu tranh khắc phục tệ nạn đó, làm cho Đảng ta tốt hơn, hoàn thiện hơn nữa chứ quyết không vì thế mà đi đến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng lãnh đạo hoặc thành lập ra nhiều tổ chức đối lập.

Là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và phát triển như là hiện thân của tư tưởng tiên tiến nhất và của những phẩm chất tinh hoa tốt đẹp nhất của dân tộc, tiêu biểu cho lương tâm, danh dự và trí tuệ của dân tộc. 94 năm qua - kể từ khi Đảng ta ra đời đến nay, đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bại các kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc và đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước đã và đang chứng minh sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Đảng không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của toàn thể nhân dân lao động, là người đại biểu cho lợi ích và sự nghiệp của cả dân tộc. Đông đảo nhân dân lao động vẫn cảm thấy vận mệnh của đất nước, lợi ích của nhân dân và dân tộc gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng.

Hiện nay, đội ngũ đảng viên của Đảng có hàng triệu người, đó là những thành phần ưu tú nhất của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; là đại biểu trung thành với lợi ích của toàn thể nhân dân và dân tộc. Vì thế, không lẽ nào lại có người cho rằng, những đảng viên đó không thể đại diện cho gần 100 triệu dân (!), và rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang áp đặt quyền lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội. Những thành quả đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là minh chứng hùng hồn nhất là bác bỏ lại những luận điệu xuyên tạc về Đảng.

- Thứ hai, Việt Nam hiện nay đang thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, ứng với mỗi thành phần kinh tế sẽ có một giai cấp hoặc tầng lớp; theo đó, mỗi một giai cấp hoặc tầng lớp sẽ có một đảng hoặc tổ chức chính trị tương ứng. Vậy tại sao Việt Nam lại chỉ chủ trương có một đảng lãnh đạo?

Chúng ta khẳng định rằng: ở Việt Nam không có điều kiện khách quan để chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Đó là vì tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dân trí, pháp luật… ở nước ta không cho phép. Sau hơn 40 năm chiến tranh, bây giờ lại đang đứng trước những đòi hỏi và thử thách mới rất gay gắt, đang rất cần sự ổn định về chính trị, rất cần sự đoàn kết thống nhất để phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Các thế lực thù địch vẫn đang dòm ngó, thực hiện chính sách chia rẽ, phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Ở trong nước vẫn có những phần tử chống đối Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ ta. Chúng cấu kết chặt chẽ với bọn phản động nước ngoài để thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm kích động, lôi kéo nhân dân chống phá chính quyền, gây mất ổn định xã hội. Vì thế, nếu chúng ta chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho các lực lượng phản động này ngóc đầu dậy một cách hợp pháp để tổ chức các hoạt động chống Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là điều mà dứt khoát chúng ta không thể chấp nhận.

Thực tế cho thấy, ở những nước thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập thường dẫn đến tình trạng không ổn định, hay xảy ra các vụ đảo chính lật đổ nhau, hoặc xã hội luôn rối ren, các đảng phái chỉ lo đối phó nhau, tranh giành quyền lực, không còn tập trung vào lo làm ăn kinh tế, xây dựng đất nước, nước ngoài đầu tư vào cũng rất ngại. Ở một số nước thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ, từ khi tan rã đến nay, việc áp dụng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, chiến tranh đẫm máu, kinh tế khủng hoảng  nghiêm trọng, đời sống nhân dân ngày càng sa sút.

Thực chất của luận điểm đòi “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực thù địch nhằm vào ta là muốn tạo ra nhiều trung tâm quyền lực, chia rẽ sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ nội bộ nhân dân, để từng bước đi đến phá rã, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, lật đổ chính quyền. Các phần tử chống phá cách mạng không thể có lòng tốt với nhân dân ta. Rêu rao và ra sức hoạt động, đòi “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng” chẳng qua chỉ là cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt. Và với những chiêu bài này, chúng đã phá nát không ít Đảng cộng sản, đưa các nước này theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

- Thứ ba, một Đảng lãnh đạo có đảm bảo dân chủ không?

Ở nước ta, tuy có một đảng duy nhất cầm quyền, nhưng nhân dân ta ngày càng tham gia rộng rãi vào việc xây dựng, hoàn thiện đường lối của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hiến pháp, pháp luật và các chính sách của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch phát triển của địa phương và cơ sở. Các cơ quan quyền lực nhà nước đều do nhân dân trực tiếp bầu ra và định kỳ phải báo cáo trước nhân dân về kết quả hoạt động của mình. Thông qua các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, Đảng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có sự điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách cho phù hợp. Đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tham gia rất tích cực và đóng góp vào việc xây dựng và giám sát nhà nước. Bởi vì, nhân dân thấy Đảng và Nhà nước ta không có mục đích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đảng công khai nói rõ khó khăn, khuyết điểm của mình và thật sự chân thành lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, vấn đề tôn trọng và bảo đảm các quyền dân sự cơ bản của nhân dân được chúng ta hết sức quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, hiện nay nền dân chủ ở nước ta còn nhiều khiếm khuyết, hạn chế vì trình độ kinh tế, dân trí, phát luật của ta còn thấp. Song đó nhất quyết không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ở một số nước áp dụng chế độ đa đảng rất chú trọng khai thác lĩnh vực các quyền dân sự, quyền con người nhằm mục đích riêng của mình. Thông qua các cuộc tranh cử, sự bài xích, phủ nhận lẫn nhau của các đảng phái tập trung vào vấn đề này và đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho sự lừa phỉnh, mị dân. Thực tế, ở các nước này vẫn còn đầy rẫy những vi phạm quyền con người, quyền công dân. Nói như vậy để khẳng định rằng không phải cứ một đảng lãnh đạo thì không có hoặc có ít dân chủ, càng không phải sự hạn chế về dân chủ ở nước ta là do chỉ có một đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, để giữ vững vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội, đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành” của nhân dân.

Tóm lại, việc áp dụng chế độ một đảng hay đa đảng là tùy thuộc hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước; không phải ở Việt Nam do áp dụng chế độ một đảng mà xã hội không có dân chủ; mọi thứ rêu rao “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng” chỉ là âm mưu của các thế lực thù địch muốn quấy rối, phá vỡ khối đoàn kết thống nhất của Đảng ta, dân tộc ta mà thôi. Vì vậy, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội là nhân tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.



[1]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tập 12, tr.164. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét