Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY GỒM NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN NÀO?

Tập trung nâng cao dân trí. Thực hiện có hiệu quả việc xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn cho thanh niên và cán bộ cơ sở. Có quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, đội ngũ các nhà khoa học người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển mọi mặt của từng vùng, từng dân tộc.

Tăng cường đầu tư cho các trường học. Xây dựng các loại trường, lớp nội trú, bảo đảm đủ giáo viên và chỗ học cho con em các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số có chữ viết được khuyến khích học chữ dân tộc, song song với chữ phổ thông, đồng thời có cơ chế, chính sách quy định cán bộ dân tộc Kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số để làm việc tốt hơn.

Mở rộng hệ đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống trường đảng, trường đoàn thể, trường hành chính và lực lượng vũ trang theo chương trình đổi mới. Có chính sách ưu tiên, tuyển chọn cán bộ dân tộc thiểu số vào các trường đào tạo bậc đại học, cao đẳng, dạy nghề. Củng cố các trường dự bị đại học, xây dựng các trường đại học khu vực, đại học cộng đồng. Chấn chỉnh lại chính sách cử tuyển, bảo đảm đúng đối tương. Thực hiện miễn giảm học phí cho con em người dân tộc thiểu số học trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Thực hiện tốt chính sách, chế độ khuyến khích đối với các cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở miền núi, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng cao và thu hút chuyên gia, các nhà khoa học phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét