Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU CHO RẰNG, CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ SỰ ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng việt Nam, trong đó chúng tuyên truyền, xuyên tạc đặc điểm các dân tộc Việt Nam và cho rằng các dân tộc ở Việt Nam phân tán, biệt lập, không có sự đoàn kết, thống nhất. Thực tiễn đặc điểm các dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu đó, thể hiện trên các nội dung sau:

Việt Nam là quốc gia đa tộc người; có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng cộng đồng dân tộc thống nhất. Việt Nam có 54 tộc người. Các dân tộc nước ta có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng và nâng cao. Tính thống nhất quốc gia đa tộc người được thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống của quốc gia dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng, các dân tộc trên đất nước ta đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Các dân tộc cư trú đan xen, có mối giao lưu mật thiết từ sớm và ngày càng được tăng cường. Xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc nước ta cư trú đan xen, cài răng lược trong phạm vi của tỉnh, huyện, xã và cả các ấp, bản, mường. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở  các vùng rừng núi, biên giới, có vị trí chiến lược về mọi mặt. Ở Việt Nam không có dân tộc nào có lãnh thổ riêng. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong bối cảnh hội nhập, mở cửa, mối quan hệ giữa các dân tộc nước ta ngày càng gắn bó, tăng cường.

Đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc ngày càng được nâng lên, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc. Ngót 40 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn của cả nước, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số nhanh hơn so với cả nước; chính sách xã hội và an sinh xã hội được đẩy mạnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số với hàng chục dự án, đề án, chương trình mục tiêu quốc gia.

Các dân tộc có ngôn ngữ và bản sắc văn hóa riêng, tạo dựng nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, giàu sức sống. Các tộc người cùng nhau sáng tạo nên những giá trị văn hoá chung thống nhất, nổi bật là truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng; tinh thần yêu nước; lối sống nhân ái, khoan dung; tinh thần cần cù, kiên cường bất khuất. Các tộc người đều sử dụng song ngữ hay đa ngữ, nhưng đều lấy tiếng Việt làm phương tiện giao tiếp của cả dân tộc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét