Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

CÁCH MẠNG THÁNG HAI NĂM 1917 Ở NGA DIỄN RA TRONG BỐI CẢNH NHƯ THẾ NÀO?

 Một là, Sau cách mạng 1905 - 1907, đến năm 1916 sau 2 năm tham gia Thế chiến lần thứ Nhất, nền kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng, kiệt quệ. Nạn đói lan tràn từ nông thôn đến thành thị, nền độc lập bị đe dọa, phụ thuộc và có nguy cơ trở thành thuộc địa của nước Anh và Pháp. Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân, binh lính và các dân tộc bị Nga Hoàng áp bức phát triển mạnh hơn bao giờ hết đã vùng lên đòi lật đổ chế độ Nga Hoàng. Đến tháng 1 năm 1917, phong trào bãi công nổ ra rất rầm rộ nhất là ở thủ đô, dưới khẩu hiệu “bánh mì”, “đả đảo chiến tranh”, “đả đảo Nga Hoàng”.

Hai là, các cuộc bãi công chính trị của công nhân nổ ra liên tiếp, quy mô ngày càng lớn.  Ngày 18 tháng 2, một cuộc bãi công nổ ra ở Pêtơrôgrat trong nhà máy Pulitốp. Ngày 22 tháng 02, phần lớn công nhân ở các xí nghiệp lớn cũng bãi công. Ngày 23 tháng 02, theo lời kêu gọi của Ban Chấp hành Bônsêvích ở Pêtơrôgrat, các nữ công nhân đã biểu tình chống đói, chống chiến tranh và chế độ Nga Hoàng. Cuộc bãi công biến thành cuộc tổng biểu tình chính trị, chống chế độ Nga Hoàng.

Ngày 24 tháng 2 đã có 20 vạn công nhân bãi công. Ngày 25 tháng 2, bắt đầu cuộc tổng bãi công, biểu tình, công nhân đã tước vũ khí của cảnh sát để trang bị cho mình. Sáng ngày 26 tháng 2, bãi công chính trị và biểu tình bắt đầu biến thành khởi nghĩa. Ngày 26 tháng 2, Ủy ban khởi nghĩa ở Pêtơrôgrat đã ra bản tuyên ngôn kêu gọi tiếp tục đấu tranh vũ trang chống chế độ Nga Hoàng, lập ra chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày 27 tháng 2, binh lính Nga Hoàng ở Pêtơrôgrat không bắn vào người biểu tình mà chạy sang hàng ngũ cách mạng, chế độ Nga Hoàng sụp đổ, cách mạng giành được thắng lợi.

Các Xôviết đại biểu công nhân và binh lính được thành lập ngay trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa. Nhưng đứng đầu Xôviết ở Pêtơrôgrat và Mátxcơva và một số thành phố khác là bọn Mensêvích và xã hội cách mạng. Quần chúng chưa giác ngộ đầy đủ về chính trị, chưa có kinh nghiệm về tổ chức để nhận rõ bộ mặt và âm mưu thỏa hiệp của chúng. Ban lãnh đạo thỏa hiệp của Xôviết Pêtơrôgrat giao chính quyền cho giai cấp tư sản. Ngày 2 tháng 3, Chính phủ lâm thời được thành lập. Nhưng bên cạnh Chính phủ lâm thời tư sản còn có một chính phủ khác là Xôviết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính.

Ba là,  sau Cách mạng Tháng Hai, toàn bộ chính quyền chưa thuộc về tay giai cấp công nhân mà tồn tại song song hai chính quyền đó là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các Xôviết công, nông, binh. Mặt khác, những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng cũng chưa được giải quyết, ruộng đất vẫn nằm trong tay bọn địa chủ; nhà máy, công xưởng vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét