Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong lợi dụng
vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là nhằm chống lại đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trên thực tế, sự chống
phá của chúng đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng
và sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là ở địa phương, cơ sở. Việc một bộ phận
quần chúng có tín ngưỡng, theo tôn giáo bị các thế lực thù địch lôi kéo, đòi
hỏi, khiếu kiện, thậm chí có hành vi chống đối chính quyền đã gây rất nhiều khó
khăn, phức tạp trong quá trình xử lý, ổn định tình hình để chăm lo phát triển
kinh tế - xã hội của các cấp ủy và chính quyền ở các địa phương. Chính quyền
địa phương ở một số nơi khu vực Tây Bắc, như Hà Giang, nơi diễn ra một bộ phận
người H.Mông bị kẻ xấu lôi kéo, kích động theo Tin lành Vàng Chứ từ nhiều năm
nay, đã gặp nhiều khó khăn trong quản lý xã hội, quản lý dân cư, quản lý hộ
khẩu, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh trên địa bàn.
Ở
một số nơi, thậm chí có trường hợp một số cán bộ chính quyền cơ sở bị “vô hiệu
hóa”. Các thế lực thù địch không
chỉ nhằm làm mất ổn định chính trị - xã hội, mà chúng còn nhằm làm tha hóa,
biến chất, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở, vô
hiệu hóa đội ngũ cán bộ, “thúc đẩy” đội ngũ cán bộ làm việc “không tự giác” cho
chúng. Trong Báo cáo của Đoàn Kiểm tra Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm
2007 có nhận xét “Cán bộ đảng và chính quyền ở một số nơi bị tác động, vô hiệu
hóa khi FULRO hoạt động mạnh”.
Ở địa bàn Tây Nguyên
hiện có 4 tôn giáo chính là: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao Đài. Những
năm qua, số lượng tín đồ tôn giáo tăng cao tương đương với tăng dân số, trong
đó tín đồ người dân tộc thiểu số tăng khá nhanh trong cộng đồng Công giáo và
chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng theo đạo Tin lành. Một điểm cũng đáng lưu ý là
tín đồ người dân tộc thiểu số bản địa chiếm đến 83% tổng số tín đồ người dân tộc thiểu số nói chung. Tình
hình an ninh - chính trị ở các huyện, tỉnh ở Tây Nguyên còn khá phức tạp bởi
các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống
khó khăn, trình độ kinh tế và dân trí thấp của đồng bào các dân tộc thiểu số,
các tín đồ tôn giáo để chống phá, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đảng và
Nhà nước ta đã tốn khá nhiều nhân lực, vật lực để dẹp nạn Fulro, tạo lập, giữ vững
môi trường an ninh và ổn định cho Tây Nguyên, nhưng sự ổn định vẫn chưa thực sự
bền vững.
Một
thực tế cho thấy, trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số có sự phức tạp của vấn
đề tín ngưỡng, tôn giáo bởi sự chống phá của các thế lực thù địch, đời sống của
đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo còn rất khó khăn, sự ổn định trên địa bàn
không vững chắc. Đảng và Nhà nước ta đã phải thành lập các ban chỉ đạo để tăng
cường quản lý, tập trung phát triển các địa bàn này, trong đó có việc giải
quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của
các thế lực thù địch.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa