Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

NHẬN DIỆN HÀNH VI LỢI DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ TUYÊN TRUYỀN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA VIỆT NAM

Trong vấn đề về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đầu tiên các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube kết hợp với các đài báo phản động ở bên ngoài, sử dụng các đối tượng trong nước thu thập thông tin, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp để phát tán tài liệu, video tạo ra các “chiến dịch truyền thông” nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và hệ hống pháp luật Việt Nam. Chúng công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân, gây chia rẽ trong quần chúng nhân dân... Thông tin và luận điệu xuyên tạc liên quan đến tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối tung ra hoàn toàn là những thông tin vu khống, bịa đặt, không đúng sự thật; chúng lợi dụng những vấn đề trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: sự kiện tàu Viking 02 (tháng 06/2011), Bình Minh 02 (tháng 05/2012), giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014); sự cố môi trường, cá chết do Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung; việc nước ngoài triển khai trên thực địa, tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện ý đồ kiểm soát, hiện thực hóa các yêu sách phi pháp tại Biển Đông; Mỹ và các nước đồng minh ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông...; Đặc biệt, chúng lợi dụng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; việc các tàu công vụ của nước ngoài tiếp tục kiểm soát, ngăn cản, xua đuổi, khống chế, thu giữ hải sản và ngư cụ của các tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Indonesia…; tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép hải sản ở vùng biển của quốc gia khác, bị lực lượng quản lý biển của các nước bắt giữ, xử lý… để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Nội dung tuyên truyền xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hết sức đa dạng, với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng không khó nhận diện. Trên một số trang mạng, chúng chống phá ta bằng cách cho rằng: Việt Nam thiếu nhất quán trong đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, rằng không nên “hô hoán” chống “diễn biến hòa bình” nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây, lực lượng duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo; “Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”…; chúng lợi dụng việc Việt Nam giải quyết những tranh chấp về chủ quyền biển, đảo với một số nước ở Biển Đông để chia rẽ quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước. Ý đồ thâm hiểm của chúng là làm cho nước ta rơi vào tình trạng đối đầu, mắc kẹt, cô lập nước ta với các nước trong khu vực. Nguy hiểm hơn là, chúng xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta để lôi kéo, kích động nhân dân, tạo nên lực lượng đối lập ở trong nước dưới danh nghĩa “đấu tranh” bảo vệ chủ quyền biển, đảo hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, ngoài việc sử dụng các phương tiện truyền thống, hiện nay chúng triệt để lợi dụng internet với các trang mạng của một số đài nước ngoài phát tiếng Việt, đặc biệt là Facebook và Blog (với khả năng siêu kết nối, Facebook đang là lựa chọn số một cho hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của chúng). Những phương thức được chúng sử dụng là dùng internet, mạng xã hội để móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong; đối tượng chúng hướng đến để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc là các tầng lớp nhân dân, nhưng trọng tâm, trọng điểm là giới trẻ (thanh niên, học sinh, sinh viên…) để tạo lập lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Dưới danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “yêu nước”,... các đối tượng ở nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước tìm cách hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp. Trong đó, các thế lực bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn tìm cách tiếp cận, mua chuộc cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đang làm việc trong các bộ phận trọng yếu, cơ mật để cung cấp tài liệu, thông tin bí mật quốc gia cho chúng sử dụng chống phá nước ta.
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014) là một ví dụ. Trong lúc cả nước đang sôi sục khí thế, đoàn kết trong tình yêu biển đảo, yêu quê hương đất nước thì các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối, kinh doanh dân chủ tự xưng là “tổ chức dân sự” ở Việt Nam lại đi viết những bài kích động chiến tranh, có lời lẽ kích động thù hằn dân tộc và âm mưu lợi dụng lòng yêu nước để trà trộn vào các đoàn biểu tình yêu nước tổ chức kêu gọi trả tự do cho các đối tượng tù nhân chính trị đang thụ án trong các trại giam như Nguyễn Văn Hải (Điếu cày), Nguyễn Hữu Vinh (anhbasam),...; chúng đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam không sử dụng biện pháp quân sự? Tại sao không nổ súng để đánh đuổi Trung Quốc? Với ý đồ kích động chiến tranh.
Internet, mạng xã hội cũng là kênh chủ yếu để các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối tán phát các dự luật, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo với nội dung xuyên tạc, vu cáo, kích động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy vấn đề lên nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội. 
Với khả năng tương tác và lan truyền thông tin nhanh chóng, internet, mạng xã hội cũng được các thế lực thù địch sử dụng để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội; phương thức lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp,... nhằm mục đích cản trở hoạt động của cơ quan chức năng, các tập đoàn kinh tế, phá hoại nền kinh tế của đất nước. Hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch đã tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia tụ tập biểu tình gây mất an ninh trật tự, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài với nội dung tiêu cực, bất mãn.
Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, xuất bản, internet; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng/Bộ Quốc phòng được thành lập theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Các đơn vị trong Quân đội ở mỗi cấp đều được tổ chức thành lập một lực lượng chuyên sâu đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Việc bảo vệ thông tin nội bộ của nhiều tổ chức và cá nhân còn sơ hở, chưa được bảo mật tốt; công tác tuyên truyền, định hướng và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn thụ động, thiếu sắc bén. Năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội có mặt còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu nên gặp nhiều khó khăn trong phát hiện, thu thập chứng cứ và thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi đó, tội phạm là những đối tượng có kiến thức, trình độ, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và liên tục thay đổi phương thức hoạt động trên phạm vi rộng, đặc biệt là từ nước ngoài nên rất khó phát hiện, đấu tranh, xử lý.  

2 nhận xét:

  1. Giữa mớ hỗn độn thông tin trên các trang MXH, chúng ta cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa