Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

TƯ TƯỞNG TIẾN CÔNG – TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ ĐẶC SẮC CỦA VIỆT NAM

Đối với dân tộc ta, tư tưởng quân sự ở một khía cạnh nào đó đồng nghĩa với tư tưởng giữ nước, hay nói đúng hơn là nội dung cốt yếu của tư tưởng giữ nước và đó cũng là cơ sở quan trọng nhất để hoạch định đường lối quân sự, những chủ trương lớn và kế sách giữ nước. Bởi vậy, tư tưởng quân sự chi phối mọi hoạt động quân sự của Nhà nước, từ tổ chức hệ thống quân sự các cấp, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (nòng cốt là quân đội) tới phương thức tiến hành chiến tranh, loại hình tác chiến và các hoạt động liên quan khác. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng đặc biệt của tư tưởng quân sự, mà trước hết là sự tác động có tính định hướng của nó đến đường lối quân sự - yếu tố quyết định thành bại trong chiến tranh. Tư tưởng quân sự như thế nào thì đường lối quân sự như thế ấy, có tư tưởng quân sự phù hợp thì mới có đường lối quân sự đúng và ngược lại.
         Lịch sử đã khẳng định, tư tưởng quân sự của dân tộc ta là tư tưởng tiến công, cũng có thể nói là tư tưởng chiến lược tiến công. Nét đặc sắc nhất có tính đặc thù của tư tưởng này thể hiện ở chỗ được thực hiện nhất quán, xuyên suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Theo tổng kết, dân tộc ta đã tiến hành 14 cuộc chiến tranh chống xâm lược do Nhà nước Phong kiến Đại Việt tổ chức lãnh đạo, trong đó giành thắng lợi 11 cuộc, có 3 cuộc thất bại. Điểm chung đáng chú ý là, các cuộc chiến tranh mà ta giành thắng lợi đều thể hiện rõ việc thực hiện tư tưởng tiến công, còn đối với các cuộc thất bại thì tư tưởng này gần như không được thực hiện, mà thay vào đó là tư tưởng phòng thủ, phòng ngự. Chẳng hạn như cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ ở đầu thế kỷ XV và cuộc chiến tranh của nhà Nguyễn chống thực dân Pháp xâm lược ở giữa thế kỷ XIX là những dẫn chứng điển hình. Khi đó, xét về tương quan so sánh lực lượng, nhà Hồ và nhà Nguyễn không hề kém địch, thậm chí có mặt còn hơn, nhưng kết cục đã bị thất bại. Tất nhiên, sự thất bại đó còn có nguyên nhân khác, nhưng không thể phủ nhận là họ đã không thực hiện tư tưởng tiến công.
Trong chiến tranh, xét về mặt nguyên tắc tác chiến, để tiến công thắng lợi thì nhất thiết phải mạnh hơn đối phương, còn nếu ngang bằng hoặc kém đối phương sẽ dễ thất bại. Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược của ông cha ta trước đây và tiếp đó là Đảng ta sau này, dân tộc ta thường phải đương đầu với kẻ địch có tiềm lực và sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng lại lấy tiến công làm tư tưởng chủ đạo, thay vì phòng thủ hoặc phòng ngự thụ động. Như thế liệu có mâu thuẫn không? Câu trả lời là không! Không những lựa chọn đó không mâu thuẫn, mà còn là lựa chọn khôn ngoan, phù hợp, bởi những cơ sở thực tiễn và khoa học sau:
Thứ nhất, lựa chọn tư tưởng tiến công là thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược của cả dân tộc. Từ đó tạo nên sự đoàn kết toàn dân, niềm tin chiến thắng và không chịu khuất phục kẻ thù cho dù chúng có mạnh và hung bạo đến đâu. Còn nếu lựa chọn tư tưởng quân sự khác, ngoài tư tưởng tiến công thì có nghĩa là không dám đánh địch, sợ địch. Một dân tộc, một quân đội mang theo tư tưởng đó vào cuộc chiến cũng tức là đã tự tước bỏ sức mạnh nội sinh, đó là: chính trị - tinh thần – yếu tố cực kì quan trọng trong chiến tranh và như thế có thể nói chưa đánh đã thua, nếu có đánh cũng sẽ thất bại. Những thất bại của một số vương triều Đại Việt trong lịch sử đã cho thấy rõ điều này.
Thứ hai, về góc độ quân sự, lịch sử chiến tranh thế giới và dân tộc ta cũng đã chỉ ra rằng: để đánh bại quân địch, kết thúc thắng lợi chiến tranh chỉ có thể thực hiện được bằng hình thức tiến công, thậm chí cả hình thức phòng thủ, phòng ngự, dĩ nhiên đó phải là hình thức phòng thủ, phòng ngự tích cực. Đó là đòn tiến công chiến lược, có thể là một hoặc nhiều đòn kế tiếp nhau, trong đó có trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định. Thông thường trận quyết chiến chiến lược được ta chủ động tổ chức vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, khi quân địch đã bị thiệt hại nặng, suy yếu nghiêm trọng cả về thế và lực. Nhưng cũng có những trường hợp được tổ chức ngay đầu cuộc chiến tranh với điều kiện ta hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đánh bại quân Nam Hán là một ví dụ; hoặc Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đại phá 28 vạn quân Thanh năm 1789 và Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh bại 05 vạn thủy quân Xiêm do Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo là minh chứng khác tương tự. Những chiến thắng oanh liệt đó tuy không phổ biến, nhưng rất đáng suy ngẫm, bởi nó kết thúc nhanh chóng chiến tranh chỉ bằng một trận chiến - trận quyết chiến chiến lược, hay còn gọi “cuộc chiến của một trận chiến”.
Thứ ba, đề cập tư tưởng tiến công thực chất là nói đến tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến lược tiến công, còn gọi là tiến công chiến lược. Ở đây, khi nghiên cứu cần chú ý một điểm quan trọng đó là sự giống và khác nhau giữa tư tưởng chỉ đạo tác chiến với hình thức tác chiến (loại hình tác chiến). Nó thống nhất với nhau ở cấp chiến lược, tức là ở cấp chiến lược chỉ có chiến lược tiến công (cả về tư tưởng chỉ đạo và loại hình tác chiến), hay có thể nói không có chiến lược phòng ngự. Còn ở cấp chiến dịch, chiến thuật thì về mặt tư tưởng chỉ đạo là tiến công, nhưng hình thức tác chiến thì có thể là tiến công hoặc phòng ngự tùy theo điều kiện cụ thể để vận dụng thực hiện.
Kế thừa tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, Đảng ta luôn nhất quán thực hiện tư tưởng tiến công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó của Đảng thống nhất biện chứng với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: “Kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Với đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo, thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc, tư tưởng tiến công được thực hiện một cách sáng tạo bằng các loại hình tác chiến phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể thì chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch, chúng ta đã thực hiện tuần tự qua các giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công, tiến công với các hình thức tác chiến tương ứng. Nhờ đó, từng bước chuyển hóa thế và lực theo hướng có lợi cho ta. Đến giai đoạn cuối, lực lượng ta lớn mạnh và hoàn toàn giành quyền chủ động chiến lược và kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công và triệt để thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo trên cả hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc thực sự là hậu phương lớn, vừa chiến đấu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Miền Nam trở thành tuyến đầu đánh Mỹ - Ngụy, luôn kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao; chủ động đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị); thực hiện tác chiến ở mọi quy mô (đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ), trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc. Nhờ đó, liên tiếp đánh bại ba chiến lược chiến tranh của địch (chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh), hoàn thành chủ trương chiến lược: đánh cho Mỹ cút, tiến tới đánh cho Ngụy nhào bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân cũng như nét đặc sắc của tư tưởng tiến công cùng tài thao lược và sự chỉ đạo chiến lược xuất sắc, nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta. Qua đó, khẳng định việc lựa chọn và triệt để thực hiện tư tưởng tiến công là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; đồng thời, là cơ sở quan trọng nhất cho việc hoạch định và thực hiện đường lối quân sự của Đảng, phát huy cao độ sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam để giành thắng lợi trước mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng có hung bạo và sức mạnh quân sự đến nhường nào.
Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra đối với nước ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao chống chiến tranh xâm lược của địch. Cuộc chiến tranh đó chắc chắn sẽ rất ác liệt bởi có đặc điểm mới, yêu cầu mới rất khác so với chiến tranh giải phóng của quân và dân ta trước đây. Mặc dù vậy, điều cơ bản và quan trọng nhất là chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện triệt để tư tưởng tiến công - nét đặc sắc của tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cùng với đó, vận dụng và phát huy nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam phù hợp, hiệu quả trong điều kiện mới. Làm được như vậy, chúng ta tin rằng sẽ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

2 nhận xét:

  1. Điều cơ bản và quan trọng nhất là chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện triệt để tư tưởng tiến công - nét đặc sắc của tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

    Trả lờiXóa