Đầu tháng 12-2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
đã phát đi thông cáo, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi
đặc biệt về tự do tôn giáo. Từ thời điểm này, các cá nhân, tổ chức vốn thù địch
với Việt Nam đẩy mạnh hoạt động chống phá Việt Nam về tôn giáo, xem đó như là
lĩnh vực, mũi nhọn tấn công, can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Tiêu biểu như Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ
(USCIRF) luôn đưa ra những nhận định sai trái, thiếu khách quan, không có cơ sở
khoa học về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của
Việt Nam là “bóp nghẹt tôn giáo”, “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền
con người”. Họ lợi dụng triệt để quan điểm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
trong khuôn khổ pháp luật” để cho rằng “tự do tôn giáo của Việt Nam chỉ là hình
thức”. Một việc làm đáng xấu hổ của tổ chức này là bênh vực những tổ chức,
cá nhân lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật như tổ chức Dương Văn Mình (Tây Bắc),
Hà Mòn (Tây Nguyên) và gần đây nhất là Tịnh thất Bồng Lai (Long An) để vu khống
Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
Thực tế cho thấy, việc sinh hoạt tôn
giáo ở Việt Nam hoàn toàn khác xa với những nhận định mang tính định kiến,
xuyên tạc trên.
Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo,
với hơn 26,7 triệu tín đồ, trên 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc và trên
29.000 cơ sở thờ tự… Nhiều hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đã trở thành lễ hội của
đông đảo người dân như lễ Phật đản, lễ Giáng sinh… Việt Nam đã đăng cai tổ
chức nhiều hoạt động của Công Giáo, Tin Lành như Đại hội đồng Giám mục Á châu;
lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Liên minh châu Âu
(EU) tổ chức hội thảo tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những
kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ; đối thoại Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ
VI...
Trong luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của
các quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tự do tuyệt đối, tự
do vô chính phủ. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng, không gây ảnh hưởng
đến quyền tự do của người khác và đặc biệt không được ảnh hưởng đến an ninh quốc
gia, trật tự công cộng, môi trường, đạo đức xã hội.
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển
kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Đảng, Nhà
nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, được đa số chức
sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và các tổ chức quốc tế đồng tình hưởng ứng
và thừa nhận. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách
tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để
các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Trong
15 năm qua, cả nước đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được 7.916 cơ sở
thờ tự, v.v. Đồng thời, coi trọng củng cố mối quan hệ đoàn kết lương - giáo,
cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thôn, bản, địa phương vững mạnh,
giàu đẹp, văn minh, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, có thể khẳng định rằng những luận điệu
sai lệch, xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam mà Ủy ban Tự do tôn giáo quốc
tế Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ đưa ra là hết sức vô lý . Nhằm ý đồ chia rẽ khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự hoài nghi của cộng đồng các tôn giáo đối với
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mục đích chống phá, gây ra bất
ổn về tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nước ta. Do đó, những
nhận định thiếu khách quan, xuyên tạc, sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam cần phải được vạch trần, phê phán, bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét