Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

CẨN TRỌNG DƯỚI CHIÊU TRÒ “XÃ HỘI DÂN SỰ”

Thời gian vừa qua, “xã hội dân sự” được sử dụng như một chiêu bài để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”.
Một cách đơn giản, xã hội dân sự được định nghĩa là xã hội tự lập, phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó có thể là các tổ chức, hội, nhóm, cộng đồng v.v… được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Xét về bản chất, xã hội dân sự không hề xấu. Nếu các tổ chức xã hội dân sự hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã đăng ký với cơ quan chức năng, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật quốc gia thì nó sẽ thúc đẩy tính dân chủ, trở thành cầu nối giữa Nhà nước và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, từ thực tiễn trong nước và quốc tế thời gian qua, có thể thấy xã hội dân sự đang bị một số đối tượng lợi dụng để chống phá chính quyền. Với Việt Nam, các đối tượng triệt để sử dụng chiêu bài “xã hội dân sự” để thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, tác động thay đổi tình hình chính trị của nước ta.
Thứ nhất, các đối tượng núp bóng xã hội dân sự để thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tiến tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Hoạt động đầu tiên được các đối tượng sử dụng là tuyệt đối hoá sự độc lập của xã hội dân sự. Bằng các lập luận của mình, các đối tượng truyền bá luận điệu giữa xã hội dân sự và chính quyền có sự tách bạch riêng rẽ với nhau. Xã hội dân sự được ca ngợi là tiến bộ, dân chủ, coi trọng quyền con người; ngược lại, các đối tượng rêu rao chính quyền là bó buộc, bảo thủ, không phù hợp với thực tiễn.
Thậm chí, các đối tượng còn truyền bá thông tin xã hội dân sự là đối trọng với chính quyền, chỉ khi nào xã hội dân sự “độc lập” một cách tuyệt đối thì nó mới có thể phát huy quyền lực của mình, bảo đảm tính tự do, dân chủ của đất nước. Từ đây, các đối tượng hình thành ở người dân tư tưởng chống đối với chính quyền.
Dưới vỏ bọc xã hội dân sự, các đối tượng tiến hành tập hợp lực lượng, truyền bá, rao giảng các thông tin sai lệch, từ đó hình thành nên các tổ chức chính trị đối lập với chính quyền. Với Việt Nam, cái đích cuối cùng được hướng đến là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hình thành xã hội đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hướng lái, chuyển hoá chế độ.
Thứ hai, qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, các đối tượng tạo sức ép cho chính quyền, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước. Không khó để nhận thấy thời gian vừa qua, với chiêu bài xã hội dân sự, các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã câu móc với nhau, xây dựng các hội, nhóm chống đối. Lợi dụng các sự kiện nóng, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến vấn đề khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo v.v…, các đối tượng tụ tập, hình thành nên các tổ chức mang tính tự phát.
Những cái tên như “Hội dân oan”, “Hội phản đối BOT”, “Hội tù nhân lương tâm” v.v… được các đối tượng sử dụng để tiến hành tập trung lực lượng. Thông qua hoạt động của các hội nhóm này, các đối tượng đòi hỏi nhà nước phải bảo đảm cho chúng một thứ tự do vô giới hạn. 
Cùng với đó, các hội nhóm trong nước tiến hành móc nối với các tổ chức phản động, chống đối bên ngoài và các thế lực thù địch với Việt Nam để tiến hành hoạt động gây sức ép nhằm cam thiệp vào công việc nội bộ đất nước ta.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa