Xuyên suốt các Hiến pháp của Việt Nam từ Hiến pháp
1946-Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến Hiến pháp 2013
của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đều quy định: Đại biểu
Quốc hội (ĐBQH) được bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và
bỏ phiếu kín. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng
dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) và thông qua các
cơ quan khác của Nhà nước.
Điều 69, Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan
đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng
hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định
các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của
Nhà nước”. Về quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước là “có sự phân công, phối hợp,
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp” (Khoản 3, Điều 2-Chế độ chính trị).
Hiến pháp 2013 quy định về bầu cử như sau: Việc bầu cử
ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực
tiếp và bỏ phiếu kín. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi
trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. ĐBQH là người đại diện cho ý chí,
nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Mỗi cử tri
có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với
mỗi cấp. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay,
trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ
phiếu vào hòm phiếu. Luật cũng quy định: Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu,
khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ
và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và thực hiện
bầu cử. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ
nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử
tri.
Những quy định về bầu cử của pháp luật Việt Nam là
tiên tiến, công bằng và bình đẳng nhất. Ở một số quốc gia, như Hoa Kỳ chẳng hạn,
việc bầu cử nguyên thủ (tổng thống và phó tổng thống) do các Đại cử tri
(Elector) của các bang chứ không phải do dân bầu trực tiếp. Trước đó ở mỗi bang
sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của
bang. Như vậy chỉ có phiếu của đại cử tri mới quyết định chức vụ nguyên thủ.
Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, cuộc bầu cử
ĐBQH khóa XIV, năm 2016 như sau: Tổng số cử tri đủ điều kiện bầu cử là
67.485.482 người, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 người,
đạt tỷ lệ 99,35%. Cơ cấu (kết hợp) như sau: Đại biểu là người dân tộc thiểu số:
86 người (đạt 17,30%); phụ nữ: 133 người (đạt 26,80%); đại biểu là người ngoài
Đảng có 21 người (đạt 4,20%)… Như vậy có thể nói cuộc bầu cử ĐBQH được nhân dân
ta đặc biệt quan tâm; cơ cấu đại biểu toàn diện bao gồm cả người ngoài Đảng;
các cơ quan chức năng chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc nhằm bảo đảm kết quả đúng với
đánh giá của cử tri.
Tỷ lệ đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cao
chỉ chứng tỏ là uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam rất cao trong nhân dân Việt
Nam. Và do đó, việc những người ngoài Đảng ứng cử, nhưng không trúng cử cũng là
điều dễ hiểu. Còn nhớ, trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, một tiến sĩ khoa học từng
có nhiều bài viết trên mạng “phản biện” chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo, được nhiều “người bất đồng chính kiến” đề cao nên tự tin tự ứng cử.
Song hội nghị cử tri (theo luật định) tại địa phương đã bỏ phiếu với kết quả
6/75. Kết cục ứng cử viên này đã bị loại.
Hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam trong thời
gian qua, nhất là từ sau Hiến pháp 2013 có nhiều đổi mới về nội dung và phương
pháp tiến hành. Về nội dung, pháp luật Việt Nam ngày nay không thể “sao chép”
theo tư duy cũ mà phải bảo đảm đúng với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà
nước và tinh thần Hiến pháp 2013, trong đó bảo đảm các nguyên tắc: Pháp luật là
tối thượng; kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế, thực tế xã hội-tâm tư nguyện vọng của nhân dân và bảo đảm quyền con
người. Hoạt động lập pháp ngày nay cũng phải kịp thời thể chế hóa nguyên tắc
quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong
việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoạt động lập pháp
cũng gắn liền với đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa
phương cũng như các cơ quan tư pháp. Một trong những đổi mới của Quốc hội khóa
XIV là tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Trong hoàn cảnh của Việt Nam, theo
Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), ĐBQH gồm: Đại biểu chuyên
trách và đại biểu kiêm nhiệm. Đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm
việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình; đại biểu kiêm nhiệm
dành 30% thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Theo đó, cơ cấu Quốc hội khóa
XIV có 114 đại biểu chuyên trách Trung ương (thuộc các cơ quan của Quốc hội) và
67 đại biểu chuyên trách địa phương, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm.
Giám sát đang là một hoạt động được tăng cường, nhất
là trong khóa XIV. Hoạt động giám sát hiện nay tập trung vào việc thực hiện
chính sách xóa đói, giảm nghèo, tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý đất
đai… Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã biểu quyết, năm 2020 thực hiện giám
sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Đây là một trong những vấn đề mà cử tri đang bức xúc.
Sinh hoạt của Quốc hội Việt Nam đã và đang đổi mới
theo hướng dân chủ-thẳng thắn; phản ánh sát, cập nhật những vấn đề-kể cả vụ việc
đang diễn ra mà cử tri quan tâm. Ví dụ, tại Kỳ họp thứ bảy, trước khi thông qua
dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia các ĐBQH đã có cuộc trao đổi rất
cởi mở về việc có nên quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng
rượu, bia khi tham gia giao thông hay không? Kết quả quy định này đã được thông
qua với 374/446 (chiếm 77,27% tổng số đại biểu).
Sở dĩ các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội tập trung
công kích Quốc hội Việt Nam thật không có gì khó hiểu. Đây là thủ đoạn nằm
trong chiến lược chống phá Việt Nam toàn diện-từ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam đến toàn bộ hệ thống chính trị các cấp. Quốc hội là cơ
quan quyền lực cao nhất, thực hiện âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ cơ quan này, các
thế lực thù địch hy vọng sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội,
dần dần tiến tới chuyển hóa chế độ XHCN ở Việt Nam.
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóabài viết rất thực tế
Trả lờiXóa