Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN

Nhằm bảo đảm quyền được tiếp nhận thông tin của người dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, trong đó có việc phát triển báo chí, truyền thông. Để tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật và hoạt động báo chí hiện hành... Được Đảng, Nhà nước quan tâm, báo chí cách mạng nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và toàn diện, ngày càng thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ; là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân... Không chỉ tăng nhanh về số lượng các cơ quan báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo, chất lượng các xuất bản phẩm ngày càng đổi mới cả về nội dung, hình thức thể hiện. Đội ngũ những người làm báo có sự phát triển, trưởng thành trên nhiều mặt. Đặc biệt, định hướng phát triển báo chí theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đã tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của nhân dân.
Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước cải thiện, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin và tiếp cận thông tin trong một số trường hợp, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội. Những trường hợp mà một vài trang mạng dẫn ra để nói rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do thông tin, thực chất họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam mọi hành vi cản trở, đe dọa đến quyền được thông tin, quyền tự do tiếp cận thông tin; lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của tổ chức, cá nhân; gây tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng... tùy vào tính chất, mức độ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chúng ta cũng khách quan thừa nhận rằng, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đáng lưu ý là việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ở một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt. Còn có biểu hiện cán bộ được phân công phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho người không có thẩm quyền hoặc viện dẫn nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin. Một số cán bộ được phân công cung cấp thông tin còn thiếu kỹ năng phát ngôn, chưa tìm hiểu sâu kỹ vấn đề, vụ việc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của báo chí và dư luận. Sự phối hợp giữa người phát ngôn với bộ phận chức năng chuyên sâu chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thông tin cung cấp chưa kịp thời và thiếu rõ ràng. Việc điều tra, xử lý những đối tượng vi phạm quyền được thông tin của người dân, tung tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân... chưa kiên quyết, kịp thời; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...
Mặc dù còn những hạn chế, nhưng những thành quả của Việt Nam trong bảo đảm quyền được thông tin của người dân là rất cơ bản và không thể phủ nhận. Những tiến bộ đó đã được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặt khác, Việt Nam kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền được thông tin, tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam nói riêng.

2 nhận xét: