Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐẾN QUỐC PHÒNG, AN NINH

Thứ nhất, tiềm lực quốc phòng, an ninh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Kinh tế phát triển tạo nền tảng vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nhân lực cho quốc phòng, an ninh. Khi kinh tế phát triển, nguồn vốn tích lũy, nguồn thu ngân sách không ngừng được tăng lên chính là điều kiện để phát triển đất nước về mọi mặt. Từ đó, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển gắn với đổi mới kỹ thuật, công nghệ là cơ sở để đổi mới kỹ thuật, công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất ra các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển cũng là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tăng cường cho các lực lượng vũ trang.

Thứ hai, phát triển kinh tế thị trường góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường ổn định xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh. Khi cuộc sống về mọi mặt của người dân được nâng cao, tiến bộ, công bằng, dân chủ được tăng cường thì người dân, các lực lượng xã hội yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vững vàng trước sự lôi kéo, xúi bẩy, kích động của các thế lực thù địch. Cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có cơ hội phát triển toàn diện của nhân dân là nền tảng chính trị vững chắc để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Thứ ba, kinh tế thị trườngphát triển khơi thông các tiềm lực kinh tế, tác động đến việc tăng cường sức mạnh của lực lượng quân đội và công an cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất, kinh tế phát triển, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và gia đình họ sẽ được cải thiện và nâng cao, là cơ sở để nâng cao năng lực thể chất và trí tuệ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Về tinh thần, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân, trong đó có gia đình cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang được cải thiện, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ quân đội, công an; đồng thời, tạo cơ hội để họ tập trung vào công tác huấn luyện, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đủ kiến thức và kỹ năng làm chủ các phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại, nâng cao sự sẵn sàng, khả năng chiến đấu và chiến thắng.

Thứ tư, kinh tế thị trường gắn với việc mở cửa, hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước thông qua phát huy các lợi thế, tạo tiền đề vật chất cho tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đồng thời, mở cửa, hội nhập quốc tế tạo sự hiểu biết, sự gắn kết và ràng buộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế, đầu tư, thương mại, hạn chế nguy cơ chiến tranh. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra khả năng và yêu cầu khách quan liên kết các quốc gia trong các thể chế khu vực và toàn cầu. Chủ động hội nhập quốc tế theo yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, sự tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, bên cạnh mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương, còn góp phần củng cố thế và lực của đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1 nhận xét: