Nhân dịp kỷ niệm 131 năm
Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội
khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến
sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam đã có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Bài viết đã
nhận được sự đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giúp cho
mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân: Vững
chắc niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội;
nhận thức rõ hơn để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như nắm
vững một
số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Đây là một bài viết rất
hoàn chỉnh, toàn diện, sâu sắc về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với
những nội dung căn bản và quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam kể từ khi đất
nước được hòa bình, độc lập và thống nhất đến nay. Đó là vấn đề xây dựng chủ
nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH của dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết, Tổng Bí
thư đặt ra những câu hỏi có tính chất cốt tử, quyết định nhất của dân tộc Việt
Nam hiện nay như: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ
nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam?
Về ý nghĩa của bài viết
phải được nhìn nhận, đánh giá, xem xét trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, gắn
liền với ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, bài viết được
công bố trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026, tức là trước một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, khi ngày
23/5/2021 cử tri cả nước đi bầu những người đại diện cho mình vào cơ quan quyền
lực cao nhất của đất nước.
Tổng Bí thư muốn nhắc nhở
mọi người rằng, không phải ai khác mà chính là cử tri, những người phải nâng
cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đủ đức bầu
vào Quốc hội. Vì đây chính là cơ quan đưa ra những quyết định quan trọng về con
đường mà chúng ta đã đi, những thành tựu mà chúng ta đã đạt được và sẽ là nơi
giải quyết những khó khăn, thách thức trong tương lai.
Thứ hai, bài viết ra đời
trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam, người lãnh đạo, người thầy của
cách mạng Việt Nam, là dịp để chúng ta ôn lại, nhìn lại những gì chúng ta đã
làm được và con đường sắp tới.
Thứ ba, đây cũng là dịp để
Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm, xác định rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề
CNXH ở Việt Nam, nhằm phê phán các quan điểm sai trái, bôi nhọ, xuyên tạc chế độ
của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, gieo rắc hoài nghi và
lung lạc niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH của dân tộc.
Trong bài viết Tổng Bí
thư đã phân tích, làm rõ 5 luận điểm mới có ý nghĩa rất quan trọng.
Trước hết, Tổng Bí thư khẳng
định thành tựu của chủ nghĩa tư bản (CNTB) là không thể phủ nhận và đây là những
thành tựu, tiến bộ chung của nhân loại và vì vậy chúng ta cần phải tiếp thu một
cách có chọn lọc. Điều này rất quan trọng, bởi vì từ trước đến nay, cũng có một
số người cho rằng tất cả cái gì của phong kiến, tư bản, của chế độ cũ là xấu
xa, sai trái và đi đến phủ nhận sạch trơn. Đấy là cách nhìn bảo thủ, mang nặng
màu sắc đối đầu ý thức hệ, rạch ròi giữa ta và địch, bạn và thù, cái gì của ta
cũng tốt, cái gì của thù cũng xấu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh:
“Chúng ta thừa nhận rằng, CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và
cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát
triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ”.
Thứ hai, khi nói về CNXH,
Tổng Bí thư đã nói tới ba khía cạnh, ba nội hàm, ba tư cách của chủ nghĩa xã hội.
Đó là CNXH như một học thuyết, một phong trào và một chế độ. Cách nhìn CNXH như
vậy rất khoa học, đa chiều và toàn diện hơn. Bởi vì, nếu ai đó chỉ nhìn CNXH
như một phong trào thì dễ bị dao động vì sự “đi lên hay đi xuống” của phong
trào đó. Nếu chỉ nhìn CNXH như một học thuyết thì dễ thấy nó bị “xơ cứng, giáo
điều, lạc hậu”. Còn nếu nhìn nó như một chế độ thì e rằng thực tiễn ở Liên Xô
và các nước Đông Âu làm cho người ta dễ hoài nghi.
Thứ ba, chúng ta vẫn thường
nói Việt Nam đi lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng
trong bài viết này, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản
chủ nghĩa là chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của CNTB như áp bức, bất công, bóc lột,
thói hư tật xấu nhưng không bỏ qua những thành tựu giá trị văn minh mà nhân loại
đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa và có sự kế thừa chọn lọc.
Chúng ta cần phải sáng suốt, tỉnh táo và kế thừa có chọn lọc những thành tựu,
giá trị văn minh mà nhân loại đạt được như công nghệ, kinh tế, y học….
Thứ tư, xây dựng CNXH
theo Tổng Bí thư đó là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, đó là không giống
với bất kỳ một mô hình nào trên thế giới. Hay kinh tế thị trường định hướng
XHCN là một sự đột phá về mặt lý luận. Những điều đó mang tính chất đặc trưng
riêng của Việt Nam, chỉ của Việt Nam.
Chúng ta thấy được đây là
thách thức lớn nhất của Việt Nam bởi vì nếu phải xây dựng một kiểu xã hội hoàn
toàn mới chưa có trên thế giới sẽ vô cùng khó khăn, thách thức, bởi vì chúng ta
không thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chúng ta phải là người
tự mở đường “khai sơn, phá thạch”. Nhưng chúng ta sẽ làm được.
Thứ năm, “Chúng ta cần tiếp
thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những
thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng
ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của
thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”, Tổng Bí
thư đã thể hiện quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của việc học đi đôi với
hành, lý thuyết phải gắn chặt chẽ với thực tiễn, học có phê phán, có sáng tạo,
tuyệt đối không được giáo điều, máy móc dẫn đến tình trạng xơ cứng trí tuệ và lạc
hậu. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải luôn luôn nâng cao tinh thần học tập, tiếp
thu một cách sáng tạo trên tinh thần phê phán, chỉ có như vậy chúng ta mới được
“truyền thêm sinh lực mới”.
Đi lên CNXH gắn với con
đường phát triển bền vững
Nhận định của Tổng Bí thư
về những thách thức toàn cầu liên quan tới việc giải quyết chưa thỏa đáng quan
hệ giữa phát triển và môi trường: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là
khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên
nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức
vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại”. Bài viết nhấn mạnh, hậu
quả của cách tiếp cận phi môi trường, phát triển bằng mọi giá, không xem môi
trường và tài nguyên là một yếu tố bắt buộc phải xem xét khi lựa chọn phương thức
phát triển và tiêu dùng đã để lại “hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế
- xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu
dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ
cột của xã hội”.
Trong bài viết, dưới lăng
kính phân tích lý luận, thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về giải quyết mối
quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài
nguyên và các giá trị văn hóa trên quy mô toàn cầu rõ ràng cho thấy, con đường
đi lên CNXH cũng gắn với con đường phát triển bền vững đất nước về cả kinh tế,
chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, mang tầm
vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn, đất nước có “của ăn, của
để”.
Bao trùm lên tất cả và
mang tính đột phá là vấn đề nguồn nhân lực, trong đó con người được khẳng định
vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy và duy trì phát triển bền vững đất nước,
có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của quá trình thực hiện “Khát vọng
Việt Nam”.
Chính vì thế, trong bài
viết lần này Tổng Bí thư đã xác định và định hướng: “Con người giữ vị trí trung
tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là
mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo
và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong
những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh
phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng
giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Đặc biệt, đây không chỉ là những nhiệm vụ ưu tiên trong đổi mới, sáng tạo của đất nước trên con đường xây dựng CNXH, mà còn thể hiện tính ưu việt của CNXH mà Đảng ta kiên định lựa chọn và kiên trì thực hiện.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa