Cơ cấu của giai cấp công nhân hiện nay khá đa
dạng, đang chuyển biến mạnh theo hướng hiện đại hóa và được tiếp cận theo những
tiêu chí đánh giá sau:
Một là, cơ cấu nghề nghiệp của công nhân hiện
nay vô cùng đa dạng và chưa ngừng lại ở những nghề hiện có. Theo một nghiên
cứu, hiện nay trên thế giới có khoảng 23.000 nghề nghiệp liên quan đến máy móc
và phương thức lao động công nghiệp; và dự đoán rằng, đến giữa thế kỷ XXI sẽ có
thêm khoảng 10.000 nghề nghiệp mới, chủ yếu là ở lĩnh vực dịch vụ(4).
Một nghiên cứu gần đây của Ê-ríc Ô-lin Rai (Erik Olin Wright) một nhà xã hội
học mác-xít (1947 - 2019) đã lập một mô hình cơ cấu giai cấp theo nghề nghiệp,
gồm 9 nhóm khác nhau, dựa vào trình độ, kỹ năng và thẩm quyền.
Hai là, cơ cấu công nhân theo lĩnh vực hoạt
động. Giai cấp công nhân hiện nay lao động trên 3 lĩnh vực cơ bản là nông
nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù đang có sự dịch chuyển lao động giữa các
lĩnh vực nhưng xu hướng chung là nhóm lao động ở lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, số
lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp giảm nhẹ. Ở các nước
phát triển, chẳng hạn ở Bắc Âu, xu hướng này có nhỉnh hơn: Trong cơ cấu kinh
tế, tỷ trọng lao động dịch vụ chiếm khoảng 70%; công nghiệp khoảng 25% và nông
nghiệp từ 3% đến 5% lao động. Cơ cấu lao động của Đan Mạch: 4% số dân làm việc
trong khu vực nông - lâm nghiệp, 24% trong công nghiệp và xây dựng, 72% số dân
làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó 31% là dịch vụ công và 41% là dịch vụ
tư nhân.
Ba là, cơ cấu của giai cấp công nhân xét theo trình độ công nghệ hiện
nay được nhìn nhận là đa dạng và không đồng đều. Các nghiên cứu về trình độ
công nghệ của công nhân thường xét theo khả năng tiếp cận các cuộc cách mạng
công nghiệp, cách tính toán thường là công nghiệp 2.0; 3.0 hoặc tiệm cận 4.0.
Cũng có những đánh giá trình độ công nghệ của công nhân theo đặc tính của kỹ
thuật của từng ngành công nghiệp mà họ đang hoạt động, ví dụ: “công nghệ in
offset” và “công nghệ in kỹ thuật số”. Nhìn chung, công nghệ mà công nhân trên
thế giới hiện đang sử dụng là một “dải khá rộng” được mô tả bằng “cây phả hệ
công nghệ đa tầng”, hàm ý là ở nhiều trình độ, phát triển vốn theo quy luật
không đều và sự phát triển của GCCN hiện nay cũng vẫn tuân theo quy luật đó.
Bốn là, cơ cấu giai cấp công nhân dựa theo
trình độ phát triển kinh tế thường được giới nghiên cứu phân tích
theo 2 nhóm nước là nước phát triển và nước đang phát triển. Hiện có 408 triệu
công nhân trong các nước phát triển và số còn lại (khoảng hơn 1.100 triệu) là ở
các nước đang phát triển. Trình độ phát triển kinh tế, trình độ công nghệ
thường tỷ lệ thuận với năng suất lao động đạt được. Công nhân của các nước phát
triển có năng suất lao động cao hơn so với các nước đang phát triển. Năm 2017,
ILO xếp hạng năng suất lao động thông qua so sánh việc tạo ra giá trị mới của 1
lao động/năm ở một số nước phát triển: Công nhân Mỹ tạo ra 63.885USD/người/năm;
công nhân Ai-len là 55.986USD/người/năm; công nhân Bỉ là 55.235 USD/người/năm;
công nhân Pháp là 54.609USD/người/năm...
Năm là. cơ cấu giai cấp công nhân theo chế độ xã hội là cách tiếp cận theo chế độ chính trị. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác, có mối quan hệ biện chứng giữa công nhân, công nghiệp và chủ nghĩa xã hội (chế độ chính trị). Chế độ chính trị cũng có thể tác động đến sự phát triển của công nhân và công nghiệp. Lịch sử cận đại, hiện đại xác định điều đó. Thống kê về giai cấp công nhân các nước xã hội chủ nghĩa năm 2019 cho thấy: Việt Nam có khoảng 15 triệu; Lào có khoảng gần 0,8 triệu; Cu-ba có gần 3 triệu, Trung Quốc có khoảng 300 triệu công nhân và 270 triệu “nông dân - công” (nhóm xã hội tham gia 2 phương thức và 2 lĩnh vực lao động, có 2 nơi cư trú; là trung giới của quá trình chuyển biến từ nông dân sang công nhân, nhưng chưa hoàn toàn sống bằng thu nhập từ lao động công nghiệp). Đặc thù của cơ cấu công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa là có một bộ phận công nhân thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Tính đến năm 2019, bộ phận công nhân ở thành phần kinh tế nhà nước ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều có tỷ lệ nhỏ hơn so với số lượng công nhân ở những thành phần kinh tế khác; Trung Quốc hiện có 120 triệu, Việt Nam có hơn 2 triệu công nhân thuộc nhóm này. “Công nhân nhà nước” gắn liền với thực tiễn của chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa và trong thời gian gần đây, họ tương tác với nền kinh tế thị trường, công nhân ở thành phần kinh tế khác.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa