Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

QUAN ĐIỂM VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI TRONG BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG “MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM”

Bài viết đã đi sâu phân tích, nêu bật bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện nay. Với nhãn quan duy vật biện chứng, khách quan, khoa học, đồng chí cho rằng, chúng ta cần nhận thấy rằng chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế ở mức cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Để thích ứng với điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản  thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên phạm vi toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển.

Biểu hiện bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện nay.bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, đây vẫn là chế độ của thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Trên thực tế, các thiết chế dân chủ tư sản theo công thức “dân chủ tự do” vẫn chỉ dành cho những ông chủ tư bản, những tập đoàn tư bản. Các quyền tự do dân chủ cho số đông người dân vẫn chỉ là hình thức, rất ít thực chất. Trong đời sống chính trị, khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Ở các nước tư bản, các cuộc bầu cử gọi là tự do, dân chủ, dù có thể thay đổi được chính phủ, thay đổi được phe nhóm nhưng không thay thế được thế lực thống trị, giai cấp cầm quyền; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản, của giai cấp tư sản. “Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản”. Mâu thuẫn giữa lao động và tư bản là không thể điều hòa được, các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chủ nghĩa tư bản  vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng chu kỳ ở các nước tư bản chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa vẫn tiếp tục diễn ra; khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc, tôn giáo. Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, vì lợi nhuận mà bóc lột tàn tệ và chà đạp lên phẩm giá con người, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội và cạnh tranh khốc liệt để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, là đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa.

1 nhận xét: