Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho nó thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần, định hướng tư tưởng cho xu thế phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp, ngành, nòng cốt là cơ quan báo chí, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu cùng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải phối hợp chặt chẽ, tích cực tuyên truyền về vấn đề này, với nội dung, hình thức, phương pháp thiết thực, hiệu quả, có tính định hướng cao. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), ngày 18-3-2002 “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), ngày 01-8-2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, v.v. Thông qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng, đủ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục chính trị. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác – Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”1. Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, các nhà trường phải thực hiện nghiêm Kết luận 94-KL/TW, ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống các nhà trường; truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những nội dung mới, phù hợp tình hình hiện nay, làm cơ sở cho việc vận dụng trong chỉ đạo thực tiễn. Đặc biệt, cần chú trọng việc giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ trong các nhà trường, nâng cao tính hấp dẫn của việc dạy và học các bộ môn Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng chương trình đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, có tính liên thông, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, bám sát thực tiễn, nâng cao tính thiết thực, tránh chạy theo hình thức, bằng cấp.

1 nhận xét: