Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ĐƯỢC TỔ CHỨC NHƯ THẾ NÀO?

Chính phủ là cơ quan quản lý cao nhất trong bộ máy, thống nhất quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên mọi lĩnh vực.

Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước..

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương.

Cơ quan công tác dân tộc được tổ chức từ Trung ương, tỉnh và cấp huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc. Đối với cấp tỉnh: Thành lập Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc khi tỉnh, thành đó có một trong ba tiêu chí: Có trên 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; có dưới 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về quốc phòng an ninh, địa bàn xen canh, xen cư, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số  nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Đối với những tỉnh chưa đáp ứng các điều kiện quy định trên thì tổ chức làm công tác dân tộc theo một trong hai mô hình: 1) Thành lập Ban Dân tộc trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc. 2) Thành lập sở có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và công tác chuyên môn khác có liên quan đến công tác dân tộc trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với cấp huyện, thực hiện theo các tiêu chí: 1) Thành lập Phòng Dân tộc thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện khi có một trong hai tiêu chí: Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Đối với những huyện chưa đủ các tiêu chí trên thì tổ chức làm công tác dân tộc thực hiện theo mô hình: 1) Thành lập phòng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. 2) Bố trí cán bộ chuyên trách công tác dân tộc trong Văn phòng hội đồng nhân dânủy ban nhân dân hoặc phòng chuyên môn khác.

Đối với cấp xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn không thành lập tổ chức riêng, nhưng phân công một ủy viên ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm theo dõi tổ chức thực hiện công tác dân tộc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét