Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Ở VIỆT NAM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ ĐƯỢC ĐẢM BẢO VÀ THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC

Vừa qua, có những quan điểm cho rằng: Việt Nam không tôn trọng các quyền này và một số luật đặc biệt xâm phạm quyền tự do ngôn luận; quyền tự do ngôn luận của nhân dân bị hạn chế; Đảng, Nhà nước Việt Nam kiểm duyệt hoặc hạn chế nội dung đối với các thành viên của báo chí và các phương tiện truyền thông khác.... Đây là những nhận định sai sự thật, cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Trên thực tế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng và nhiều văn bản pháp luật khác tiếp tục thể chế hóa quyền này. Cụ thể: Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 quy định tại Điều 10 về Quyền tự do báo chí của công dân: Sáng tạo tác phẩm, cung cấp, phản hồi, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in; Điều 11 về Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định công dân có quyền: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức, cá nhân.

Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tính đến tháng 6-2023, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 677 cơ quan tạp chí (trong đó 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 71 cơ sở truyền thanh, truyền hình hoạt động độc lập; 666 cơ sở truyền hình - truyền thanh cấp huyện; 9.959 đài truyền thanh cấp xã (trong đó 1.757 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, 1.386 đài của xã nông thôn, miền núi); 57 nhà xuất bản. Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830 người (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ người dùng internet đạt 78,59% (vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023, năm 2023 là 76%); 253 cơ quan báo chí tham gia hoạt động thông tin đối ngoại, 59 văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài, 137 phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài trong năm 2022; số người được cấp thẻ nhà báo là 11.958. Bên cạnh các cơ quan báo chí trong nước, tại Việt Nam còn có nhiều hãng truyền thông quốc tế hoạt động như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Asia, Rossiya Segodnya... Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, tích cực học hỏi, tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia trên thế giới để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân.  

Cần hiểu đúng, tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là không có giới hạn nhất định. Trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của mỗi quốc gia, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô chính phủ. Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người, được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng đều phải trong khuôn khổ cho phép và không bị nghiêm cấm bởi luật pháp. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... Các hành vi nghiêm cấm này được quy định cụ thể trong các văn bản: Luật báo chí năm 2016 (Điều 9), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Điều 3), Luật An ninh mạng năm 2018 (Khoản 3, Điều 16); Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 331). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét