Lợi dụng vấn đề nhân quyền
để chống phá sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam là thủ đoạn mà các thế lực thù địch
thường xuyên sử dụng với nhiều chiêu trò tinh vi. Chúng thường sử dụng một số vụ việc tiêu cực, những hiện tượng sai lệch
mà quy chụp thành bản chất. Những thông tin để làm căn cứ đánh giá, báo cáo, xếp
loại nhân quyền Việt Nam của một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí đều khai
thác từ số đối tượng thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị, số này
luôn có những hành động hủy hoại mọi nỗ lực bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Khi không có bất kỳ các hoạt động khảo sát, trải
nghiệm vấn đề nhân quyền của một quốc gia thì mọi đánh giá về nhân quyền của quốc
gia đó đều mang tính chủ quan, thiếu tính thực tiễn, sai lệch.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà
nước Việt Nam là: “Nhân
dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng,
quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là
mục tiêu phấn đấu”; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự
trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”;
“…con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng
của đất nước”. Quan điểm này đã và
đang tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc trên thực tế.
Trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam, vấn đề
nhân quyền luôn được quan tâm. Hiến
pháp năm 2013 có 11 chương, 120 Điều, trong
đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương
có điều luật nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo
đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc
xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Quốc hội nước ta
đã tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo
đảm quyền con người, quyền công dân.
Trên thực tế, Việt
Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công
ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban
hành. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không
thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc về nhân quyền. Điều đó
không chỉ thể hiện ở những nỗ lực của chúng ta trong xây dựng, hoàn thiện hệ
thống pháp luật, mà còn được thể hiện ở việc bảo đảm quyền còn người, quyền
công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên
các lĩnh vực đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, đặc biệt là những thành tựu của
Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm quyền sống là quyền
cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm
quyền của con người.
Vì vậy, không thể mượn danh nhân quyền để tung hô cho lối sống tự do “vô pháp” để biện minh việc làm sai trái, quay lưng lại Tổ quốc, dân tộc, để cố tình phủ nhận những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét