Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC, CÔNG TÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ GÌ?

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với chính sách dân tộc, công tác dân tộc.  

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc; bảo đảm tính thống nhất giữa pháp luật chung với những qui định mang tính đặc thù của địa phương. Rà soát, khắc phục sự chống chéo, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, chính sách đặc thù với vùng, miền, dân tộc. Công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, v.v. để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát và thụ hưởng.

Ba là, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, giúp đỡ vùng dân tộc và miền núi. Phát huy tốt nguồn lực tại chỗ, bảo đảm hài hoà lợỉ ích của các nhóm dân cư và các tổ chức trên địa địa về kinh tế - xã hội, môi trường. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, đào tạo, y tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào, trước hết tập trung cho các vùng đặc biệt khó khăn.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước quản lý nhà nước về công tác dân tộc đi đôi với thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc. Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc, nhất là các địa bàn xung yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng. Kiện toàn và chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Năm là, đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng; phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp đồng bào dân tộc; có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Động viên đồng bào các dân tộc đoàn kết, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo trong lao động sản xuất. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét