Chủ nghĩa Mác -
Lênin là khoa học, cách mạng và nhân văn, tính lôgic, biện chứng của chủ nghĩa
xã hội khoa học ở chỗ, nếu như ở mỗi nội dung của triết học là hạt nhân thế giới
quan, phương pháp luận; kinh tế chính trị học luận bàn mối quan hệ của con người
trong sản xuất và phân phối…thì chủ nghĩa xã hội khoa học là lý luận trực tiếp
cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến hành tiến hành cách mạng xã hội
chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Khẳng định vấn đề này, C.Mác khẳng định “…lý
luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”[1].
Thật vậy, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong lịch sử diễn ra với
nhiều hình thức từ đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng và cao nhất là đấu
tranh chính trị. Để đấu tranh có kết quả, giành thắng lợi thì cần có lý luận
soi đường, dẫn lối, xác định mục tiêu, phương hướng, phương pháp cách mạng để
làm chuyển biến cách mạng từ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa lên
hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội chủ
nghĩa được chia ra các giai đoạn của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội.
Vì thế, chủ nghĩa
xã hội khoa học thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa lý luận với phong
trào, giữa lý tưởng với hiện thực. Lịch sử thế giới tự so sánh, Công xã Paris
chỉ tồn tại 72 ngày (18/3 đến 28/5/1871) và thất bại khi phong trào chưa được
truyền bá lý luận cách mạng sâu rộng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Vượt lên, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là sự hội tụ kết hợp nhuần nhuyễn
giữa lý luận và thực tiễn, giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào cách mạng
của giai cấp công nhân nhằm giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, hội
tụ ở nước Nga, một nước tư bản trẻ. Ở đó, V.I.Lênin - người học trò xuất sắc của
C.Mác, Ph.Ăngghen đã bảo vệ, bổ sung, phát triển, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo
chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn cách mạng. Cách mạng Tháng Mười đã làm
cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, mở ra thời đại mới quá độ
từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá về sự vĩ đại, tầm vóc của cuộc
cách mạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Giống như mặt trời chói lọi,
Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu
người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có
cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[2].
Đối với các nước
chưa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội khoa học đã trực tiếp
chỉ ra đối tượng cách mạng, giai cấp công nhân được trang bị lý luận khoa học,
cách mạng sẽ hoàn toàn có thể nhận diện được những mâu thuẫn vốn có trong lòng
các nước tư bản chủ nghĩa mà tập trung là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và
giai cấp tư sản dù chúng có điều chỉnh, thích nghi, “ứng xử” với lao động làm
thuê thế nào thì “về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”[3],
để thấy hết khả năng, tiềm năng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự thay thế lẫn
nhau về hình thái kinh tế - xã hội ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa là một
tất yếu, sự tự thân từ động lực tự nó trong xã hội để giai cấp công nhân nhận
thấy rõ vai trò lịch sử của mình rằng, “giải phóng giai cấp công nhân là sự
nghiệp của bản thân công nhân”[4]
mà V.I.Lênin đã nhấn mạnh trong đề cương bài viết đăng trên tạp chí Giáo dục, số
3, tháng Ba 1913: “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác”[5].
Đối với các nước đã tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, đang quá độ lên chủ
nghĩa xã hội vừa kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa vận dụng sáng tạo vào
thực tiễn, vừa cần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để bổ sung, phát triển
chủ nghĩa xã hội khoa học, làm cho lý luận, thực tiễn thống nhất với nhau, gắn
bó mật thiết, lý luận chỉ đạo thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa và đến lượt
nó, cách mạng xã hội chủ nghĩa là minh chứng sinh động, là tiêu chuẩn để kiểm
nghiệm lý luận. Và cũng là cương lĩnh đanh thép đối với các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị xuyên tạc chống phá phong
trào cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, vừa có sự
thống nhất vừa có sự khác biệt với triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị học
Mác - Lênin, tính thống nhất đó thể hiện ở sự “chụm lại” của một học thuyết cách
mạng và khoa học là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động tiến bộ trên thế giới. Nhưng, chủ nghĩa xã hội
khoa học với đối tượng nghiên cứu của mình là cơ sở lý luận khoa học trực tiếp
nhất về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội để giai cấp
công nhân, đội tiền phong là các đảng cộng sản vận dụng sáng tạo, phù hợp với
thực tiễn để thực hiện cuộc cách mạng xã hội đi đến thành công.
Ở Việt Nam, từ khi
ra đời, Đảng ta kiên định, trung thành “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[6],
đúng như Hồ Chí Minh khẳng định “Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều,
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa
Lênin”[7].
Trong đó, lý luận trực tiếp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
đã soi sáng con đường, mô hình, đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh
tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến
bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc
trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát
triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước
trên thế giới”[8].
[1]
C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,
Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.580.
[2] Hồ
Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.387.
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,
2011, tr.68.
[4]
V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2005, t.23, tr.559.
[5]
V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2005, t.23, tr.559.
[6]
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày ngày 19 tháng 1 năm 2011, Nxb.Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.4.
[7]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét