Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM GIẢI QUYẾT TRONG QUAN HỆ DÂN TỘC – TÔN GIÁO Ở TÂY BẮC HIỆN NAY LÀ GÌ?

Khu vực Tây Bắc của Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình; là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc thiểu số. Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc có sự hiện diện của các tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và khoảng 20 hiện tượng tôn giáo mới. Trong quan hệ dân tộc – tôn giáo ở khu vực này đang có những biến động lớn cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:

 Một là, sự phát triển của các tôn giáo lớn đã làm hình thành nên các cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Trước đây, các giá trị văn hóa tộc người với những quy ước chung của dòng họ, tộc người là yếu tố cơ bản gắn kết các cộng đồng dân tộc thì từ khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn, niềm tin tôn giáo, nhất là của  Công giáo và đạo Tin lành trở thành yếu tố gắn kết các nhóm tộc người.

Hai là, các mối quan hệ dân tộc - tôn giáo xuyên quốc gia và liên khu vực. Sự phát triển của đạo Tin lành trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã tạo điều kiện cho các tộc người ở khu vực này mở rộng giao lưu với các tộc người khác có cùng niềm tin tôn giáo, với cộng đồng đồng tộc có cùng đức tin ở các khu vực khác trong nước, thậm chí là ở nước ngoài. Nội dung này, đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Ba là, yếu tố tôn giáo làm biến đổi các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Sự tác động của tôn giáo tín ngưỡng trong quan hệ dân tộc đã làm cho các mối quan hệ truyền thống của dân tộc thiểu số biến đổi theo cả hai chiều hướng, tích cực và tiêu cực. Trong đó, chiều hướng biến đổi tiêu cực dường như nổi trội hơn. Khi các tôn giáo lớn du nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã dẫn đến hiện tượng một bộ phận đồng bào dân tộc cải đạo, dẫn đến những xáo trộn lớn trong quan hệ tộc người. Ở bộ phận đồng bào dân tộc theo Phật giáo, về cơ bản các mối quan hệ truyền thống không xảy ra những xáo trộn. Ở bộ phận đồng bào theo Công giáo thì các quan hệ này ít nhiều có sự biến đổi nhất định do sự khác biệt về đức tin nhưng không gây ra nhiều tác động xấu. Còn đối với đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành thì tôn giáo này có tác động rất lớn và gây nên nhiều xáo trộn trong các mối quan hệ truyền thống của tộc người.

 Bốn là, quan hệ dân tộc - tôn giáo đang tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội. Sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới không chỉ gây tác động đến việc làm mai một giá trị văn hóa, gây mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ truyền thống của các cộng đồng tộc người, sự phát triển của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc những năm gần đây còn làm rạn nứt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị, xã hội, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét