Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một
trong những mục tiêu phấn đấu cơ bản của con người nhằm giành cho mình quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể
hiện ý chí và nguyện vọng của con người một cách công khai thông qua các phương
tiện truyền thông đại chúng.
Cùng với sự phát triển của ngành in, gồm chế tạo ra máy in (1810), mực in
(1814), sự ra đời của báo viết ở phương Tây gắn liền với sự ra đời của chủ
nghĩa tư bản, nhằm phổ biến tư tưởng dân chủ tư sản, chống lại sự thống trị hà
khắc của chế độ phong kiến, góp sức thúc đẩy phát triển khoa học - kỹ thuật và xây dựng xã hội
công dân trong các nước châu Âu. Như vậy, báo chí ra đời do nhu cầu phát triển
nội tại của một chế độ chính trị - xã hội; trước đòi hỏi của một giai cấp, giai
tầng xã hội cần thiết có một công cụ báo chí chuyền tải tâm tư, nguyện vọng của
mình trước những vấn đề mà cả xã hội cùng quan tâm. Nói cách khác, nhu cầu tự do ngôn luận
cũng chính là nhu cầu tự do báo chí.
Trong quá trình hình thành và phát triển của
chủ nghĩa tư bản, với sự xuất hiện và phát triển của báo chí qua hàng trăm năm,
đến nay, có thể khẳng định báo chí có mấy chức
năng chủ yếu: Chức
năng thông tin; Chức năng phản ánh; Chức năng tạo ra
dư luận xã hội, góp sức định hướng dư luận xã hội; Chức năng nâng cao dân trí;
Chức năng giải trí,
...Với những chức năng thiết yếu đó, báo chí ngày càng khẳng định vai trò quan
trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò định hướng, thúc đẩy sự phát
triển kinh tế -xã hội. Vì vậy, “tự do báo chí” cũng phải nhằm phục vụ cho sự
phát triển đó. Nhưng, cũng có một thực tế cần được làm sáng tỏ là, có những tổ
chức, những nhóm người thường núp dưới danh
nghĩa “tự do báo chí” để chống lại sự phát triển của xã hội, bảo vệ những cái
đã lỗi thời so với đà tiến lên của lịch sử loài người, gieo rắc thói hư tật xấu,
tệ nạn xã hội nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân, bảo vệ lợi ích của một thiểu
số người, đi ngược lại xu thế tiến bộ chung của xã hội. Vậy, “tự do báo chí” cần
được hiểu đúng và thực hiện đúng như thế nào?
Như nhiều người đã rõ, báo chí ra đời
trong xã hội tư bản, được thiết kế trên nền tảng tư tưởng dân chủ tư sản, nhằm
chống lại sự cản trở của chế độ phong kiến. Đó là bước tiến bộ lớn của lịch sử.
Trong một chế độ chính trị có nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thì mọi
lĩnh vực hoạt động trong xã hội phải tuân theo pháp luật. Vì vậy, hoạt động báo
chí không thể nằm ngoài yêu cầu
đó. Nhưng pháp luật trong chế độ tư bản là sự thể hiện ý chí của giai cấp tư sản.
Họ sử dụng bộ máy nhà nước để duy trì trật tự xã hội vì lợi ích của giai cấp tư
sản chiếm số ít trong dân cư. Vì
vậy, không thể có tự do ngôn luận, tự
do báo chí thuần tuý nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước tư sản. Người ta hình
như cố tình quên đi đặc điểm này để chỉ trích nước này, nước nọ; trong khi chính ở nước họ đã và đang diễn ra không ít
hành động vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Cần khẳng định rằng, muốn có tự do báo chí
theo nghĩa chân chính phải trên nền tảng một xã hội dân chủ; mọi hoạt động của
báo chí phải phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân. Không thể có tự do báo chí trong
một xã hội độc tài, phát xít, chuyên quyền, độc đoán. Những kẻ đóng cửa tất cả
các tờ báo tiến bộ chống phát xít (như chủ nghĩa phát xít Đức ở châu Âu) thì
không bao giờ có tự do báo chí, tự do ngôn luận vì lợi ích chính đáng của nhân
dân. Lịch sử cận đại đã chứng minh rằng, không có tự do báo chí khi bọn thực
dân thi hành chính sách phân biệt đối xử, nhằm nô dịch các dân tộc thuộc địa và
phụ thuộc trong vòng tăm tối. Với mưu toan ấy, họ dùng mọi thủ đoạn hủy hoại
các di sản văn hoá của cả một dân tộc. Hítle đã cướp bóc các tranh tượng, tác
phẩm nghệ thuật của cả châu Âu về phục vụ riêng mình Trong các chế độ độc tài,
vai trò tiến bộ của báo chí đã bị loại bỏ. Những tờ báo chỉ được tiếp tục xuất
bản, nếu tỏ rõ ý thức phục vụ vô điều kiện sự tồn tại của chính quyền độc tài,
chuyên chế, phát xít đó...
Trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản,
giai cấp tư sản mới ra đời chống lại giai cấp phong kiến, báo chí
tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tư sản, pháp luật tư sản, có tác dụng tích cực,
cổ vũ việc xây dựng xã hội dân chủ tư sản. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản đã
thiết lập được quyền thống trị của họ, thì pháp luật về báo chí lại là công cụ
đắc lực phục vụ quyền lợi cho một thiểu số bóc lột. Để bảo vệ sự thống trị của
mình, giai cấp tư sản đã xếp các loại báo bảo vệ chế độ tư bản là báo chí “tiến
bộ”; còn lại các tờ báo nói lên tiếng nói phản kháng của số đông nhân dân thì họ
liệt vào loại “phản động”. Các tờ báo của giai cấp công nhân mới bước lên vũ
đài chính trị, cổ động cho một xã hội không có người bóc lột
người, cũng đều bị coi là phản động! Chính quyền tư sản ban hành các đạo luật
khắt khe, trong đó có các đạo luật về báo chí, quy định những điều cấm kỵ. Người
ta có thể tha hồ nói, tha hồ viết về tất cả mọi vấn đề, nhưng có một nội dung
không được động chạm đến, đó là “quyền tư hữu”, vì theo Hiến pháp họ soạn thảo,
“tư hữu là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm” (!)
Thực tiễn nêu trên cho thấy, khi giai cấp cầm quyền còn đóng vai trò tiến bộ của lịch sử, thì tự do ngôn luận, tự do báo chí có vai trò quan trọng trọng sự phát triển xã hội. Và ngược lại, khi giai cấp cầm quyền đã là vật cản bước tiến của xã hội thì “tự do báo chí” không thể nào có được, theo đúng nghĩa của cụm từ này. Với sự phân tích các điều kiện chủ quan, khách quan trong bất cứ chế độ chính trị - xã hội nào, có thể khẳng định rằng, không thể có tự do ngôn luận, tự do báo chí thuần túy; càng không thể có thứ “tự do báo chí tuyệt đối” như giai cấp tư sản rêu rao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét