Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, các phần tử chống đối, phá hoại luôn tìm cách vu khống, bịa đặt trắng trợn, rằng “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “Bắt người nói xấu Đảng và tự do ngôn luận”, “Dân oan bị khước từ quyền tự do ngôn luận”, “Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận”.

Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), v.v. Trong báo cáo hàng năm vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm “tự do ngôn luận”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”, v.v. Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do ngôn luận để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế. 

Những thủ đoạn, mưu đồ chống phá của chúng, trước hết là viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do ngôn luận, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do ngôn luận” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào; hòng vu cáo trắng về tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Sự thật, cùng với việc thể chế hóa quyền tự do ngôn luận vào hệ thống luật pháp, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng hiện thực hóa quyền đó trong thực tiễn hoạt động của Nhà nước và của Nhân dân. Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam chính thức trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020  - 2021. Mỗi người Việt Nam đều có quyền bày tỏ lòng yêu nước của mình, góp ý, phản biện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình, 57 kênh nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số).

Thực tế, Nhà nước Việt Nam chỉ xét xử những ai lấy danh nghĩa tự do ngôn luận để có hành vi cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, để tuyên truyền, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam.

Những kết quả trên càng minh chứng và định quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam luôn được tôn trọng và được bảo đảm.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét