Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

LÝ LUẬN CỦA LÊNIN VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen mất, V.I.Lênin đã bảo vệ, kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác cả về bề rộng và chiều sâu của các nguyên lý cho phù hợp điều kiện thực tiễn mới. Một trong  những nguyên lý mà V.I.Lênin kế thừa, phát triển là tư tưởng vũ trang quần chúng để bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp công nhân mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra. Vận dụng vào trong điều kiện lịch sử mới; từ thực tiễn công cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời, sau khi cuộc cách mạng Tháng Mười năm 1917 Nga giành thắng lợi. V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển hệ thống tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, xây dựng nên học thuyết bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một bộ phận quan trọng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin. Thực tiễn tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội qua gần một thế kỷ, cũng như trong điều kiện hiện nay cho thấy, lý luận của V.I.Lênin  về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn giữ nguyên giá trị, là cơ sở định ra đường lối chiến lược để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Lý luận về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin đã nêu lên các vấn đề cơ bản, toàn diện, có tính nguyên tắc và mang tính hệ thống với các nội dung như về tính tất yếu khách quan phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, và sức mạnh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, quản lý của nhà nước đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng của đât nước, về việc thành lập các tổ chức quân sự, xây dựng quân đội kiểu mới (Hồng quân) để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về vấn đề vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sự tài tình của V.I.Lênin là đã sớm đưa ra dự báo khoa học về khả năng nổ ra và giành thắng lợi của cách mạng xã hội và nhận rõ quy luật khách quan phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã đi từ sự phân tích một cách có cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn từ quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản và khẳng định sẽ xuất hiện khâu yếu trong hệ thống mắt xích của chủ nghĩa tư bản, ở mắt xích đó là thời cơ diễn ra cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “chủ nghĩa xã hội không thể đồng thời thắng lợi trên tất cả các nước. Trước hết, nó thắng lợi trong một nước, hoặc một số nước, trong khi các nước khác trong một thời gian nào đó, vẫn còn là những nước tư sản hay tiền tư sản. Tình trạng đó không như sẽ gây ra những va chạm, mà còn làm cho giai cấp tư sản các nước tư sản khác trực tiếp muốn tiêu diệt giai cấp vô sản chiến thắng của các nước xã hội chủ nghĩa”[1]. Dự báo đó đã diễn ra trong hiện thực, một nước xã hội chủ nghĩa ra đời đã tồn tại bên cạnh những nước tư bản chủ nghĩa, hai chế độ xã hội hoàn toàn đối lập nhau về bản chất và lợi ích nên tất yếu sẽ diễn ra xung đột. Từ sự nắm vững quy luật khách quan, giáo dục nhận thức cho giai cấp vô sản, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, Lênin đã khẳng định: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường quyền thống trị cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không chỉ có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”[2]. Vì vậy, cùng với việc tổ chức đấu tranh giành chính quyền, từng bước tiến hành xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì một trong nhiệm vụ chiến lược mang tính tất yếu là tiến hành bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây không phải là mong muốn chủ quan của giai cấp công nhân, của các nhà nước xã hội chủ nghĩa mà là sự phản ánh tính chất gay go quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, những âm mưu thủ đoạn của các nước tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa luôn tìm mọi cách để lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa nhằm lấy lại trận địa đã bị mất.
Thực tế chứng minh từ trước khi nổ ra cách mạng thánh Mười năm 1917, V.I.Lênin đã chuẩn bị những tiền đề lý luận để chuẩn bị cho nhiệm vụ bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, người đã tỏ rõ thái độ nhất quán và chỉ rõ hành động là phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; và cảnh báo cho đảng, cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động của nước Nga Xô viết rằng, giai cấp vô sản sau khi nắm được chính quyền cách mạng phải sẵn sàng đối phó với chính phủ tư sản tập hợp lực lượng chống lại nhà nước non trẻ. Giai cấp vô sản phải tập hợp quần chúng nhân dân lao động sẵn sàng tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ chống lại các nước đế quốc xâm lược có tiềm lực mạnh, được trang bị hiện đại về mặt kỹ thuật và được tổ chức rất chặt chẽ. Chỉ rõ về tính tất yếu khách quan của việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã khẳng định: “kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc, bảo vệ nước cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[3].
Trong hệ thống lý luận của V.I.Lênin còn đề cập tới mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ Nhà nước Xô viết non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong điều kiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc chủ yếu phải chống lại cuộc tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch mưu toan lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa, hòng giành lại trận địa đã mất, thì trong phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin  đặc biệt nhấn mạnh đến việc giai cấp vô sản và quần chúng lao động phải tiến hành một cuộc chiến tranh bằng vũ trang để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đề cập đến lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Người nhấn mạnh lực lượng của quần chúng lao động, của công – nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự tổ chức quản lý của chính quyền Xô viết, Lênin đã chỉ ra sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và tinh thần. Đặc biệt, trong điều kiện còn có những khó khăn nhất định về vật chất, về vũ khí trang bị kỹ thuật, Người đã  chú trọng đến việc xây dựng và phát huy sức mạnh tinh thần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin cho rằng: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[4]. Bên cạnh đó, Người đã quan tâm đến việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và vai trò tổ chức quản lý của Nhà nước Xô viết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ: “Ban chấp hành Trung ương yêu cầu tất cả các tổ chức của đảng, trước tiên phải đem toàn lực ra để thực hiện những biện pháp sau đây, mà các tổ chức của đảng, và nhất là các công đoàn phải thi hành, nhằm làm cho các tầng lớp đông đảo của giai cấp công nhân tham gia tích cực vào công cuộc phòng thủ đất nước”[5].
Bàn về xây dựng, củng cố sức mạnh của nền quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã đề cập đến hàng loạt các vấn đề như cơ sở của sức mạnh quốc phòng; mục tiêu; nhiệm vụ; tính chất và biện pháp để xây dựng, củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng. V.I.Lênin đã chỉ rõ vai trò xây dựng và phát huy mạnh mẽ ưu thế nhân tố chính trị - tinh thần của chế độ mới và con người mới, vì đây là sản phẩm và là cơ sở quyết định sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. V.I.Lênin còn chỉ rõ, cơ sở sâu xa khác quyết định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là việc thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vì quá trình này sẽ tạo ra cơ sở vật chất mới để không ngừng hiện đại hóa nền quốc phòng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng. V.I.Lênin đã  yêu cầu cao về thái độ nghiêm túc trong xây dựng tiềm lực quốc phòng để bảo vệ tổ quốc. Người khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta phải đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”. Theo V.I.Lênin, sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng là nhiệm vụ của nhà nước chuyên chính vô sản là vừa tổ chức xây dựng, quản lý và  vừa bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và sự tổ chức, quản lý của nhà nước vô sản “Nghĩa vụ tuyệt đối của quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”[6] và Người yêu cầu mọi người phải có thái độ nghiêm túc đối với nhiệm vụ phòng vệ đất nước.

Một trong những vấn đề quan trọng trong lý luận về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin là xây dựng quân đội kiểu mới. Người cho rằng, để tiến hành chiến tranh chống lại kẻ thù thì phải tổ chức ra đội quân thường trực, chính quy được trang bị và huấn luyện đầy đủ, muốn vậy cần thành lập quân đội công nông. Cho nên vào đầu năm 1918, V.I.Lênin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân và hải quân công nông. Đồng thời, Người đã chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản về lý luận xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là những vấn đề về bản chất giai cấp, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội, về những nguyên tắc trong tổ chức và xây dựng quân đội kiểu mới…
V.I.Lênin còn chỉ rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau khi giai cấp vô sản đập tan nhà nước tư sản, giành được chính quyền chỉ là bước đầu và nhiệm vụ tiếp theo là giai cấp công nhân còn phải tổ chức lãnh đạo toàn dân xây dựng chế độ mới về kinh tế, chính trị văn hóa, xã hội…Đây là nhiệm vụ mà Lênin cho là khó khăn nhất, vì vấn đề là phải cải biến một cách mới mẻ những cơ sở sâu xa nhất - những cơ sở kinh tế đời sống của hàng chục triệu con người và cũng là nhiệm vụ cao cả nhất. vì chỉ có sau khi hoàn thành nhiệm vụ ấy thì mới làm cho nước nhà thực sự trở thành một nước xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, Người đã đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đi đôi với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin viết: “Một khi chúng ta đã bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình đề tiến thành công cuộc đó không ngừng. đồng thời hãy chăm lo đến khẳ năng quốc phòng của nước ta và hồng quân ta như chăm lo con ngươi của mắt mình”[7]
Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin thể hiện rõ sự gắn kết giữa kế thừa tư tưởng của C.Mác – Ph.Ăngghen với tổng kết, khái quát thực tiễn mới nâng lên thành học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đến nay, ở các nước xã hội chủ nghĩa đã khẳng định giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



[1]V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t30, tr. 173.
[2] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t38, tr. 165-166.
[3] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t36, tr. 102
[4] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t41, tr. 147

[5] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t38, tr. 325
[6] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t36, tr. 153
[7] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t44, tr. 368

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét