Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

MẤY VẤN ĐỀ VỀ TƯ TƯỞNG “TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” CỦA LÊNIN

1. Quan hệ hữu cơ giữa Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa
Thuật ngữ “Tổ quốc” vốn dĩ được thông hiểu là một khái niệm nhân bản, có nghĩa là một Lãnh thổ được xác định trên đó có một cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời và tạo nên ở đó một nền văn hóa đặc thù. Mỗi cư dân không phân biệt giai cấp, dân tộc, chính kiến, tôn giáo, đều thấm đậm nét đặc thù văn hóa đó, nếu không phải là người mất gốc. Đó là nét vĩnh hằng của Tổ quốc. Song thực tế lịch sử cho thấy, Tổ quốc không phát triển độc lập, bên ngoài xã hội theo tiến trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội, khiến tổ quốc mang tính lịch sử. Tính lịch sử này quy định bởi phương diện chính trị xã hội, tiêu biểu là tồn tại mỗi tổ quốc một chế độ xã hội, một kiểu nhà nước nhất định. Lênin đã làm sáng tỏ nhận thức này trong quan niệm về Tổ quốc của mình. Ông viết: “Tổ quốc nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội là một nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.”[1] Tuy tổ quốc và chế độ xã hội không đồng nhất về khái niệm, nhưng có sự thống nhất trong thực tế. Trước khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời, giai cấp nào thống trị trong xã hội thì giai cấp đó làm chủ Tổ quốc. Dưới chủ nghĩa tư bản nhân dân lao động không có quyền làm chủ Tổ quốc, mà thực hiện nghĩa vụ của mình với Tổ quốc, thông qua nhà nước của giai cấp tư sản. Chỉ khi giành được quyền làm chủ xã hội, thì họ mới làm chủ Tổ quốc. Vì lẽ đó, Lênin viết: “chính những tổ quốc tư sản là những cái đang phá hủy, làm sai lạc, phá vỡ, cắt xén, mối liên hệ sinh động” giữa công dân Đức với nước Đức và tạo ra một mối liên hệ giữa nô lệ và chủ nô. Thực sự chỉ có phá hủy những Tổ quốc tư sản mới có thể mang lại cho công nhân tất cả các nước “mối liên hệ với ruộng đất”, quyền tự do nói tiếng mẹ đẻ của mình, cũng như bánh mỳ và nền văn minh”[2]. Sự phân tích trên cho thấy rõ cần phải đấu tranh cho một Tổ quốc mới ra đời thay thế Tổ quốc tư sản. Đó là tổ quốc xã hội chủ nghĩa - một tổ quốc mà nhân dân lao động được giải phóng khỏi kiếp nô lệ, tự tạo trên mọi miền đất nước nếp sống dân chủ, tổ chức, kỷ luật, nền văn hóa thống nhất, sự tác hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng của toàn dân, làm chủ sản xuất, phân phối sản phẩm và đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và cách mạng thế giới.
2. Tổ quốc hùng mạnh trên cơ sở xây dựng chủ nghĩa xã hội
Khẳng định kiểu tổ quốc xã hội chủ nghĩa để tổ chức, động viên giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đánh đổ chế độ phong kiến, chế độ tư bản giành quyền làm chủ tổ quốc  là điều quan trọng thứ nhất như nêu trên đây. Điều quan trọng nữa trong tư tưởng của Lênin về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là xây dựng Tổ quốc Nga hùng mạnh phồn vinh trong một nền hòa bình bền vững, bằng việc đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Với ý tưởng đó, trong một thời gian đó, nước Nga đã có những biến chuyển rõ ràng về chế dộ xã hội. Lênin viêt: “chúng ta đã đi suốt đất nước mênh mông của ta, từ đầu nọ đến đầu kia, trong một cuộc tiến quân chiến thắng khải hoàn của chủ nghĩa bônsêvích. Chúng ta đã đưa những tầng lớp dưới nhất trong số các tầng lớp quần chúng cần lao, bị chế độ Nga hoàng và giai cấp tư sản áp bức, lên chỗ tự do và lên một cuộc sống độc lập. chúng ta đã thiết lập và củng cố nền cộng hòa Xôviết, một kiểu nhà nước mới, vô cùng cao hơn và dân chủ hơn những nền cộng hòa đại nghị tư sản hoàn thiện nhất. chúng ta đã thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản được nông dân nghèo ủng hộ, và đã bắt đầu chương trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đại quy mô”[3]. Và nước Nga sẽ trở thành hùng mạnh và dồi dào…nếu nó hiểu rằng chỉ có thể tự giải thoát bằng con đường duy nhất là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế mà chúng ta bước vào…đó là con đường dẫn đến chỗ tạo ra sự hùng mạnh quân sự, sự hùng mạnh xã hội chủ nghĩa”
3. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính dân tộc và tính nhân loại
Đáp lại những luận điệu của những phái đối lập với chủ nghĩa Mác- Lênin, cho rằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản chỉ nhằm giải phóng giai cấp vô sản và thiết lập mối quan hệ quốc tế của giai cấp đó, trong tư tưởng của mình về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lênin cũng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa truyền thống dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Người cho rằng, xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa không hề phủ định lòng “tự hào dân tộc Nga”. Cũng trên tinh thần vạch rõ sự khác nhau của tổ quốc ở các chế độ khác nhau. Người vạch rõ lòng tự hào dân tộc Nga “không chỉ có tình trạng tàn sát đại quy mô, hàng dãy giá treo cổ, những ngục tối, những nạn đói lớn và thái độ cực kỳ quỵ lụy trước bọn giáo trưởng, bọn Nga hoàng, bọn địa chủ, bọn tư bản” mà ở chỗ “dân tộc đại Nga cũng đã tạo nên một giai cấp cách mạng, cũng đã chứng minh là có khả năng nêu cho nhân loại những tấm gương vĩ đại đấu tranh cho tự do và chủ nghĩa xã hội”. và chúng ta yêu mến ngôn ngữ và tổ quốc chúng ta; điều mà chúng ta cố gắng hơn hết để thực hiện là nâng quần chúng lao động của Tổ quốc ta lên trình độ sinh hoạt giác ngộ của những người dân chủ và những người xã hội chủ nghĩa”[4] chống lại ý đồ tạo nên một nền văn hóa đặc biệt - “văn hóa vô sản”, ngoài giáo dục quốc dân, Lênin đã vạch rõ: “phát triển nền văn hóa thực sự vô sản”, chẳng những không vứt bỏ những thành tựu thực sự quý báu của thời đại tư sản, mà trái lại, còn tiếp thu và cải tạo tất cả những gì là quý báu trong hơn hai nghìn năm phát triển của tư tưởng và văn hóa nhân loại”[5].
4. Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc
Đây là quan điểm rất quan trọng trong tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Lênin. Ông viết: “kể từ ngày 25 tháng Mười chúng ta là những người chủ bảo vệ Tổ quốc. chúng ta tán thành bảo vệ Tổ quốc, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước cộng hòa Xô Viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[6]. như vậy, với chế độ xã hội chủ nghĩa đã được thiết lập, thì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc- xét riêng nước Nga, cũng là bảo vệ chủ nghĩa xã hội và ngược lại bảo vệ chủ nghĩa xã hội cũng là bảo vệ Tổ quốc. Xét rộng ra toàn thế giới, luận điểm ấy còn xác định sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Nga cũng mang ý nghĩa bảo vệ một bộ phận của chủ nghĩa xã hội thế giới. 
Trên thực tiễn, “nước cộng hòa liên bang Xô viết Nga nhất trí lên án những cuộc chiến tranh ăn cướp, từ nay nhận tháy mình có quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống lại tất cả các cuộc xâm lược có thể xảy ra”. Trong đó nổi lên là phải bảo vệ cho được các thành quả xã hội chủ nghĩa, tiêu điểm là chính quyền Xô viết, một nhà nước kiểu mới tạo khả năng cho quần chúng lao động tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ xã hội mới. Với quan niệm mất chủ nghĩa xã hội, đối với nhân dân lao động Nga cũng là mất tổ quốc, nên về phương thức bảo vệ Tổ quốc, cùng đối phó với chiến tranh xâm lược và nội chiến phản cách mạng là đã đối phó với hoạt động phi vũ trang cách mạng (tuy Lênin chưa dùng thuật ngữ này) như kẻ thù sử dụng sách báo để chống chủ nghĩa Lênin và Đảng cộng sản (b) Nga, kích động nhân dân lật đổ chính quyền Xô Viết.



[1] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t17, tr. 230
[2][2] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t26, tr. 151
[3] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t36, tr. 98.99-100
[4] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t26, tr. 128
[5] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t41, tr. 400
[6] V.I.Lênin: toàn tập,Sdd, t36, tr. 102

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét