Trước hết, phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính
trị cho các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu,
thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Kiên trì tuyên
truyền, làm rõ nội hàm của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ
là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”, mà còn
bao gồm cả “bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn
hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc”. Đồng thời, làm rõ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc
là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức
mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để sẵn sàng ứng
phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Chủ động tuyên
truyền những nội dung cốt lõi của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
bằng hình thức thích hợp.
Thứ hai, tích cực tuyên truyền nâng cao hiểu biết
của người dân về chủ quyền, lãnh thổ đất nước; làm cho họ hiểu đúng vấn đề
chủ quyền với nội dung toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc
phòng, an ninh và đối ngoại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự “xâm lăng” về kinh
tế, văn hóa của các thế lực bên ngoài cũng nguy hiểm không kém các cuộc xâm phạm
lãnh thổ bằng các hành động quân sự. Mất văn hóa là mất tất cả; mất độc lập tự
chủ về kinh tế thì trước sau cũng mất độc lập tự chủ về chính trị, kết cục là
chủ quyền quốc gia cũng không còn. Vì vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện
nay, chúng ta cần nắm vững phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để xử lý các
tình huống một cách tỉnh táo, bản lĩnh, vừa đảm bảo giữ được độc lập, chủ quyền,
lãnh thổ, vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất
nước về mọi phương diện. Cùng với đó, cần nhận thức đúng việc bảo vệ độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc phải được thực hiện trên toàn bộ đường
biên giới quốc gia. Theo đó, phải chăm lo xây dựng tiềm lực và thế trận quốc
phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân
trên phạm vi cả nước, trên toàn bộ tuyến biên giới quốc gia, nhằm xây dựng đường
biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Thứ ba, tập trung xây dựng Đảng thực sự trong sạch,
vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đó chính là một trong những
nội dung quan trọng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi, bảo vệ Tổ quốc hiện
nay không chỉ về phương diện tự nhiên - lãnh thổ, mà còn về phương diện chính
trị - xã hội, nên việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nội dung này, chúng ta cần kiên trì đẩy mạnh
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, cần chủ động tiến công, đấu
tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng,
bảo vệ công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện
nay phải trên cơ sở tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thực
hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa
các quan hệ quốc tế; kiên trì thực hiện chủ trương: “không tham gia liên minh
quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt
căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử
dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Các sự kiện đã
xảy ra trong lịch sử cho thấy: những hy vọng dựa vào thế lực nước ngoài nào đó
để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chỉ là ảo tưởng và
cực kỳ nguy hiểm. Bởi vậy, cần nắm vững phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu
tranh”, có cách nhìn biện chứng về “đối tượng”, “đối tác” để có thể tranh thủ hợp
tác khía cạnh “đồng thuận” ở mỗi “đối tượng”; kiên quyết đấu tranh với từng “đối
tác” về những vấn đề còn mâu thuẫn, trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia,
dân tộc, lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi
ích cao nhất.
Thứ năm, giữ vững phương châm “kiên quyết sử dụng
mọi biện pháp phù hợp với luật pháp nước ta và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững
chắc chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhưng đồng thời
cũng phải quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước”.
Trong tình hình hiện nay, cần kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên
cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trực tiếp là Công ước 1982 về Luật biển của
Liên hợp quốc; yêu cầu các bên tranh chấp phải thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố
ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu hoàn
thành sớm việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Đồng thời, sẵn sàng có các
phương án tác chiến, khi tình huống buộc chúng ta phải tự vệ, để tỏ rõ mong muốn
trước sau như một của chúng ta là hòa bình, hữu nghị, nhưng sẵn sàng hy sinh để
giữ lấy chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Muốn thế, bên cạnh việc
hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân bám biển, bám đảo để khẳng định chủ
quyền, cần tiếp tục đầu tư xây dựng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển
và tăng cường đầu tư hiện đại hóa các lực lượng có chức năng tác chiến bảo vệ
biển, đảo để sẵn sàng đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, không
để Tổ quốc bị bất ngờ.
Thứ sáu, phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với
sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta vừa phải ra sức tranh thủ sự
ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa phải coi việc
phát huy nội lực luôn là nhân tố quyết định. Muốn vậy, cần chăm lo xây dựng để
“kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải
yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất; nắm vững
và hành động đúng chủ trương của Đảng coi “nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung
tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của
xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.
75 năm đã trôi qua, nhưng Tuyên ngôn Độc lập 1945 vẫn
mãi là kim chỉ nam cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ý nghĩa và
khí phách của dân tộc trong Bản Tuyên ngôn tiếp tục được các thế hệ người Việt
Nam hiện thực hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai
sau.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóaÝ nghĩa và khí phách của dân tộc trong Bản Tuyên ngôn tiếp tục được các thế hệ người Việt Nam hiện thực hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Trả lờiXóa