Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

THỰC DÂN PHÁP CÓ MUỐN TRẢ ĐỘC LẬP, TỰ DO CHO DÂN TỘC VIỆT NAM KHÔNG?

Thực dân Pháp có muốn trả độc lập, tự do dân tộc Việt Nam không? Thực dân Pháp không bao giờ muốn! 
Lịch sử đã cho thấy rõ ràng! Khi thế cuộc của Chiến tranh thế giới thứ hai đã rõ ràng với chiến thắng của phe Đồng minh, thực dân Pháp đã có mưu đồ quay trở lại xâm lược nước ta. Ngay sau khi nước ta giành độc lập, thực dân Pháp theo chân quân Mỹ, Anh vào Nam Bộ để giải giáp quân Nhật. Ngày 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ tấn công để lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ tại Nam Bộ. Nam Bộ bị quân Pháp dìm trong bể máu. Độc lập, tự do của nhân dân ta ở Nam Bộ chỉ không đầy một tháng lại bị thực dân Pháp tước đi. Cả Nam Bộ đứng lên kháng chiến để đánh đuổi quân Pháp. Sau khi tấn công chiếm Nam Bộ, Pháp tiếp tục đưa quân ra miền Bắc, liên tục khiêu khích, đòi tước vũ khí của Quân đội ta. Nhiều lần Chính phủ ta đã tỏ thiện ý thương lượng, đàm phán, với sự nhân nhượng vì mong muốn duy trì hòa bình, tránh đổ máu cho dân tộc nhưng không thể được trước tâm địa đen tối của thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa. Quân Pháp quyết gây chiến tranh khi liên tiếp gây ra các vụ thảm sát tại Hải Phòng và Hà Nội. Sau đó, ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi hai tối hậu thư liên tiếp, đòi tước vũ khí của Quân đội ta. Đến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cả dân tộc đứng lên trường kỳ kháng chiến 9 năm để đánh đuổi thực dân Pháp, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết. Thế nhưng thực dân Pháp rút đi thì đế quốc Mỹ cũng ngay lập tức thế chân tại miền Nam, với mưu đồ biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và để từ đó tấn công phá hoại miền Bắc. Lịch sử đã chứng minh rằng, các nước thực dân, đế quốc luôn muốn đặt ách thống trị tại Việt Nam, không bao giờ muốn nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta đã phải anh dũng, kiên cường chiến đấu suốt 30 năm nữa, đổ bao xương máu mới có được độc lập, tự do, thống nhất trên cả nước.
Ấy thế mà ngày nay, vẫn có những kẻ muốn lừa bịp giới trẻ, vẽ ra ảo tưởng thực dân, đế quốc tốt bụng, sẽ trao trả độc lập, tự do cho dân tộc ta, đem lại sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân ta và chúng ta chẳng cần phải làm gì, chỉ trông chờ vào sự tốt bụng đó.
Nguy hiểm hơn, có những người mang dòng máu Việt Nam lại gieo rắc luận điệu cho rằng, nước ta chẳng cần độc lập để làm gì, mà cứ giữ là thuộc địa của Pháp có khi lại phát triển hơn, đời sống người dân sung sướng hơn. Luận điệu ấy chắc chắn chỉ có trong đầu óc của những kẻ thiếu tử tế và thiếu nhân cách. Suy nghĩ ấy là của những kẻ luôn muốn ăn bám và tư duy lệ thuộc. Đó là những kẻ không xứng đáng đứng trước tổ tiên để nhận mình là con cháu Việt Nam. Lịch sử oanh liệt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy ý thức, khát vọng độc lập, tự chủ đã ăn sâu vào máu của mỗi người Việt Nam. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh chứ quyết không chịu đặt dưới ách cai trị của dân tộc khác. Dân tộc Việt Nam cũng không chịu để kẻ thù cướp đi bất cứ tấc đất nào của cha ông để lại.
Khi đọc những lời lẽ hùng hồn trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Và cả triệu người đồng thanh đáp lại vang dội: “Có!”. Trong giờ phút ấy, chắc hẳn từ vị Chủ tịch nước cho tới từng người dân đều xúc động nghẹn ngào, nhiều giọt nước mắt đã rơi... Tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), do hạn chế về kỹ thuật, không thể tiếp sóng phát thanh trực tiếp lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ tuyên ngôn độc lập từ Quảng trường Ba Đình, do đó, ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã được đề nghị lên phát biểu. Trong phát biểu của mình, ông Trần Văn Giàu cũng nêu rõ: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”. Ông cũng đã chỉ rõ mưu toan của thực dân Pháp: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào”. Ông đã hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân-ra mặt hay giấu mặt-trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp lại: “Không! Không! Không!” vang dội cả góc trời. Thay mặt hàng triệu người dân Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”.

2 nhận xét:

  1. Không người dân nào muốn để giặc ngoại xâm cai trị đất nước cả

    Trả lờiXóa
  2. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa