Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

ÂM MƯU LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN MƯU ĐỒ XẤU

Hiện nay, nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước còn tồn tại những khó khăn, thách thức nhất định. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại mọi thành quả mà nhân dân ta đã hy sinh bao xương máu mới giành được. Họ triệt để lợi dụng các sự kiện phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, “đụng chạm” tới lòng yêu nước của nhân dân để lừa bịp, lôi kéo, kích động người dân biểu tình, chống đối chính quyền, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Điển hình như: việc Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam năm 2014; việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung hay việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật An ninh mạng và đang cho ý kiến về Dự Luật Đặc khu, v.v. Để đạt được mục đích đó, họ ra sức tuyên truyền, kêu gọi người dân phải tham gia biểu tình, gây rối mới “thể hiện lòng yêu nước”, thể hiện “trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc”; biểu tình là để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, v.v. Với luận điệu xuyên tạc rằng: Điều 32 của Dự Luật Đặc khu là “điều khoản dành cho Trung Quốc”, “cho Trung Quốc thuê đất 99 năm để làm khu tự trị”, “Luật Đặc khu là luật bán nước”, Luật An ninh mạng xâm phạm quyền riêng tư, cản trở tự do, dân chủ của người dân,… kết hợp với cắt, ghép hình ảnh, tài liệu ngụy tạo nhằm “chứng minh luận điệu xuyên tạc”. Điều đó, đã tác động tiêu cực đến nhận thức của nhân dân, làm cho một số người dân hiểu lầm đi đến quy kết cho Đảng, Quốc hội nước ta “bán nước”, để rồi tham gia biểu tình, gây rối. Điều đáng buồn là, nhiều người dân tin, nghe theo những luận điệu xuyên tạc của chúng để có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường đầu tư,… ở một số địa phương. Đó chính là “nhân danh” lòng yêu nước để thực hiện mưu đồ xấu.
Cần nhấn mạnh rằng, việc xây dựng Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu là chủ trương đúng đắn, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 17-6-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việc xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã có chủ trương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là một phương thức tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế tốt hơn, nhưng là vấn đề khó, mới và nhạy cảm, hệ trọng nên Đảng, Nhà nước rất thận trọng”. Xây dựng Luật Đặc khu là để tạo ra khung thể chế thúc đẩy sự phát triển đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Sau khi có ý kiến đóng góp, Quốc hội đã thống nhất lùi việc thông qua Dự Luật này để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Việc đó cho thấy, Quốc hội có thái độ trọng thị, lắng nghe ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; cân nhắc để hài hòa giữa phát triển kinh tế, an ninh quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Còn việc ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an toàn cho người dân trên không gian mạng; phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, đã có hàng chục quốc gia trên thế giới ban hành đạo Luật này. Trước khi trình Quốc hội, các dự luật này được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, được thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri trên toàn quốc để lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân.
Việc người dân thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm đến đại sự quốc gia là điều đáng trân trọng. Nhưng cần thể hiện lòng yêu nước đúng chỗ, đúng thời điểm trên cơ sở pháp luật; biết tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội; biết kết hợp hài hòa lòng yêu nước với hành động thiết thực vì lợi ích của đất nước, của bản thân, gia đình. Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận và lắng nghe thông tin, biết cảnh giác, tự bảo vệ mình không nghe theo những luận điệu lừa mỵ, xuyên tạc của kẻ xấu; không để lòng yêu nước của mình bị lợi dụng vào mục đích đen tối. Đối với những chính sách, chủ trương hệ trọng của đất nước, người dân cần thông qua các cơ quan và đại biểu dân cử các cấp góp ý kiến hoặc gửi kiến nghị đến các tổ chức, đoàn thể xã hội. Việc thể hiện lòng yêu nước bằng cách gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các công dân khác là vi phạm pháp luật và là "phản yêu nước". 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét