Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT HIỆN NAY

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Khoản 2, Điều 60 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật”. Đó là cơ sở pháp lý, định hướng quan trọng để phát triển văn học, nghệ thuật của nước ta trong thời gian tới.
Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, cần tiếp tục đổi mới cả về chương trình, nội dung và hình thức; cả về chuyên môn và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng cần chú trọng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của văn học, nghệ thuật cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng như việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ.
Ba là, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Cần tiếp tục tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng,… để họ hăng say sáng tạo.
Bốn là, nâng cao trình độ nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Đối tượng chống phá trực tiếp của các thế lực thù địch rất rộng, bao gồm cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong khi đó, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn, “văn hóa đọc” chưa được coi trọng đúng mức…
Năm là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thì lĩnh vực văn học, nghệ thuật càng có điều kiện để mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế. Việc mở rộng giao lưu văn học, nghệ thuật với các nước phải toàn diện cả việc giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của nước nhà.
Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một bộ phận của đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với phát huy vai trò, sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét