Dân chủ là một giá trị xã hội được
hình thành từ rất sớm, khi xuất hiện giai cấp và nhà nước, mở đầu là chế độ nô
lệ, còn gọi là chế độ “dân chủ chủ nô”. Ở đó chỉ có tầng lớp chủ nô, một bộ
phận nhỏ trong xã hội có quyền bầu cử, trong khi đó đại đa số người dân, những
nô lệ chỉ như những “công cụ biết nói”. Trải qua thời đại phong kiến, chế độ
dân chủ dường như không có nhiều tiến bộ. Các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã
đưa đến một bước phát triển cơ bản trong lịch sử chế độ dân chủ của nhân loại.
Để bảo vệ thành quả của cách mạng, đồng
thời chống lại tàn dư của giới phong kiến quý tộc, giai cấp tư sản tuyên bố bảo
đảm quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Có thể nói, bản "Tuyên
ngôn độc lập" của Mỹ (1776) và bản "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
của Pháp" (1789) đánh dấu thành quả sự phát triển quan trọng chế độ dân chủ
của nhân loại.
Tuy nhiên, chế độ dân chủ tư bản chủ
nghĩa (TBCN) vẫn hạn hẹp vì sự bất bình đẳng về chế độ sở hữu, vì sự phân hóa
giàu-nghèo. Thực tế cho thấy, hiện nay, các cuộc bầu cử ở nhiều nước phát triển,
số cử tri đi bầu cử thường thấp. Cuộc bầu cử gần đây nhất của Hoa Kỳ (2016) chỉ
“ở mức dưới 70%. Bang có lượng cử tri dự kiến đi bầu cao nhất là Minnesota
(75%), thấp nhất là Utah (53,1%). Số cử tri tham gia bầu vào những năm 1980 còn
thấp hơn, dao động từ 48% đến 57%”.
Phát triển tư tưởng của C.Mác và
Ph.Ăngghen, Lênin nhiều lần khẳng định rằng: Chế độ dân chủ… là một hình thức
nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Chế độ dân chủ cũng là nhà nước,
do đó, nhà nước mà mất đi thì chế độ dân chủ cũng mất theo. Lênin còn nhấn mạnh
rằng: “Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao
hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa”. Chế độ dân chủ được tạo lập
sau các cuộc cách mạng do các Đảng Cộng sản lãnh đạo là đỉnh cao, vượt trội so
với nền dân chủ TBCN. Không có một hạn chế luật định nào đối với tất cả công
dân tham gia bầu cử, ứng cử; nhà nước hình thành từ các cuộc bầu cử tự do trở
thành một hình thức dân chủ.
Đối với dân tộc Việt Nam, cuộc Cách mạng
Tháng Tám 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thắng
lợi mở ra một thời đại mới cho dân tộc: Thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ
dân chủ của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong chế độ
này, nhà nước là người bảo vệ các QCD và QCN cho mọi người. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nói về chế độ dân chủ của Việt Nam một cách giản dị và sâu sắc: “Nước
ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của
dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng
chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ
Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức
nên… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nét đặc
sắc trong quan niệm về chế độ dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là quyền
mà còn gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.
Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại
nhiều hình thức nhà nước dân chủ với những tên gọi khác nhau; chẳng hạn: Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân (Lào); Cộng hòa XHCN (Việt Nam); Cộng hòa Nhân dân (Trung
Hoa)... Ngoài một số ít quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ, các nhà nước có chế
độ nghị viện, như chế độ Cộng hòa Tổng thống (Hoa Kỳ, Mexico…); Cộng hòa Đại
nghị (Áo, Ấn Độ…) đều là những nước dân chủ TBCN. Trong những nước dân chủ này
lại có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: Dân chủ đa đảng, dân chủ một
đảng cầm quyền… Bởi vậy, việc người ta lấy một mô hình dân chủ nào đó, chẳng hạn
như mô hình phương Tây mà phủ nhận chế độ dân chủ XHCN của Việt Nam là một cách
nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị thâm độc, muốn xóa bỏ chế độ
hiện hữu và thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét