Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

KẾT LUẬN SỐ 65-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ RA NGÀY 30/10/2019, VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW NGÀY 12/3/2003 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA IX) VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC TRONG TÌNH HÌNH MỚI XÁC ĐỊNH CÁC NỘI DUNG CÔNG TÁC DÂN TỘC CƠ BẢN CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN?

Kết luận  đã xác định tám nội dung công tác dân tộc cơ bản cần tập trung thực hiện:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Ðảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao.  

Năm là, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sáu là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng, điểm phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền trung. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma túy, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới.

Bảy là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng; biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tám là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc. Ðổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét